Tầm nhìn chiến lược trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
EmailPrintAa
10:03 21/09/2015

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản khởi nguồn từ rất sớm. Trong dòng chảy lịch sử, quan hệ hai nước cũng có những nốt trầm. Nhưng vượt qua mọi trở ngại của quá khứ đau thương, hai dân tộc đã cùng xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Trên cơ sở những thành tựu đạt được, xuất phát từ nền tảng tin cậy chính trị và nhận thức chung về lợi ích tương đồng, tiềm năng hợp tác, tin rằng sau chuyến thăm, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thực sự gắn kết hơn bao giờ hết theo hướng lâu dài và bền vững.

Tokyo, những ngày chớm Thu.

Chuyên cơ mang số hiệu VN1 chở Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta hạ cánh xuống sân bay quốc tế Haneda, Thủ đô Tokyo lúc 13h55, giờ địa phương (khoảng 11h55 giờ Hà Nội). Đón Tổng bí thư và Đoàn tại chân cầu thang máy bay, Nghị sĩ Minoru Kiuchi, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nồng nhiệt: - Xin chào đón Ngài Tổng bí thư và Đoàn sang thăm chính thức Nhật Bản. Thời tiết hôm nay đẹp quá!


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi kết thúc họp báo chung
Ảnh: Trí Dũng

Việt Nam - đối tác chiến lược và người bạn chân thành của Nhật Bản

 Từ đầu năm đến nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện 3 chuyến thăm đến 3 cường quốc hàng đầu trên thế giới: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Với mỗi cường quốc, chuyến thăm của Người đứng đầu Đảng ta đều để lại dấu ấn sâu đậm. Đây không phải cảm nhận chủ quan của “những người trong cuộc” mà là đánh giá khách quan của nhiều hãng thông tấn, báo chí và nhà nghiên cứu quốc tế uy tín, quan tâm đến Việt Nam. Riêng chuyến thăm Nhật Bản lần này, như nhận định của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, cơ quan chủ trì chuẩn bị và tổ chức các chuyến thăm nước ngoài của Tổng bí thư, chuyến thăm mở ra tầm nhìn mới, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thì các chuyến thăm của Tổng bí thư trong năm 2015 còn góp phần định hình quan hệ ngoại giao nước lớn trong tổng thể đường lối và chiến lược ngoại giao chung của Việt Nam thời gian tới.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Nghị sĩ Minoru Kiuchi, thay mặt Chính phủ Nhật Bản, lại chào đón Tổng bí thư và Đoàn bằng câu chuyện về thời tiết. Theo cảm nhận của các thành viên chính thức tháp tùng Tổng bí thư thì nội hàm của câu chuyện thời tiết đẹp có lẽ không dừng ở nghĩa đen. Trước đó, trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản, các thông tin về thời tiết là một trong những vấn đề được thành viên Đoàn quan tâm hơn cả. Kịch bản Lễ đón chính thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì, ngoài phương án đón ngoài trời tại sân Nhà khách Quốc gia Akasaka, còn có phương án dự phòng: trong trường hợp trời mưa, Lễ đón sẽ được tổ chức tại Phòng đón tiếp (Hagoromo-no-Ma).

Rất may phía bạn đã không phải sử dụng đến phương án dự phòng. Lễ đón Tổng bí thư và Đoàn theo nghi thức cao nhất diễn ra trong nắng thu chan hòa và dịu mát. Đây cũng là ngày duy nhất có nắng trong 4 ngày Tổng bí thư ở thăm Nhật Bản (3 ngày tiếp sau, Tokyo đều có những cơn mưa bất chợt). Cùng với điều kiện về thiên thời, một biệt lệ ngoại giao vềnhân hòa (không có trong kịch bản), mà phải đến khi diễn ra Lễ đón, các thành viên Đoàn Việt Nam mới hay, đó là sự tham dự của toàn bộ Nội các Nhật Bản, trong đó có Phó thủ tướng Taro Aso. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe đối với chuyến thăm của Tổng bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta.

Dự và theo sát các hoạt động của Tổng bí thư, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, thành viên chính thức của Đoàn, cảm nhận, việc Nhật Bản đón Tổng bí thư với nghi thức cao nhất, trang trọng và thân tình là minh chứng sinh động cho thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Đây không những là chuyến thăm cấp cao giữa hai đối tác chiến lược sâu rộng mà đây còn là cuộc gặp gỡ của những người anh em, bạn bè thân thiết.

Thực vậy, trong 4 ngày diễn ra chuyến thăm, những danh xưng “đối tác chiến lược sâu rộng”, “người bạn chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau” được hai bên nhắc lại khá nhiều lần. Từ các cuộc hội đàm, hội kiến ở cấp cao nhất đến các cuộc gặp gỡ thân mật với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hay nói chuyện với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản là không khí cởi mở, chân thành và tin cậy. Tại cuộc hội đàm với Tổng bí thư Đảng ta, Thủ tướng Abe hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm của Tổng bí thư, thân thiết gọi Tổng bí thư là người bạn của chúng tôi. Tiếp đó, trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Abe một lần nữa nhấn mạnh, ông rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Khi lên làm Thủ tướng Nhật Bản (tháng 1.2013), ông đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm...

Không dừng ở những lời nói có tính chất ngoại giao, tình cảm và sự trân trọng mà phía Nhật Bản dành cho Việt Nam và cá nhân Tổng bí thư còn được thể hiện qua nội dung các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản cũng như các thỏa thuận mà hai bên đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm.

Phản hồi tích cực với các đề nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, bao gồm ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam; tuyên bố trước mắt sẽ dành nguồn vốn ODA khoảng 100 tỷ yen cho các Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Cảng. Thủ tướng Abe bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có Dự án sân bay Long Thành, phát triển năng lượng, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đánh giá về triển vọng hợp tác phát triển hạ tầng Việt Nam - Nhật Bản sau chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu rõ, đây đều là những dự án hết sức lớn. Với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Nhật Bản, chắc chắn khi hoàn thành và đưa vào khai thác, các công trình này sẽ làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo cơ sở hạ tầng của nước ta, trong đó có hạ tầng giao thông - vận tải, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta với các đại diện doanh nghiệp lớn của Nhật Bản
Ảnh: Trí Dũng

Kết nối kinh tế - động lực cho sự phát triển bền vững

Việt Nam và Nhật Bản ngày nay có nhiều lợi ích tương đồng. Nhật Bản là nước phát triển tiên tiến. Việt Nam là nước đang phát triển, đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hai nước có nhiều tiềm năng để bổ sung, tương trợ lẫn nhau, cụ thể trong lĩnh vực kinh tế. Theo nội dung Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng như trao đổi giữa Tổng bí thư Đảng ta với Thủ tướng Shinzo Abe tại hội đàm, thì mối quan hệ hợp tác kinh tế hai nước sẽ được phát triển trên một tư duy và tầm nhìn mới: thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết. Việc kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản sẽ thực hiện trên 3 trụ cột chính: kết nối chiến lược phát triển kinh tế - năng lực sản xuất - và phát triển nguồn nhân lực. Đây là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước. Trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang cùng các đối tác tham gia đàm phán Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cộng với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ hoàn thành cuối năm nay (mở ra thị trường hơn 600 triệu dân với quy mô GDP khoảng 2.000 tỷ USD) thì tầm nhìn mới về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đặc biệt quan trọng - Trưởng Ban Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Cũng theo ông Vương Đình Huệ thì một trong những thuận lợi trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là nền kinh tế hai nước có tính bổ sung rất cao, chứ không phải là mối quan hệ đối xứng. Do vậy, hai nền kinh tế hoàn toàn có thể kết nối thành công. Để hiện thực hóa tầm nhìn và tư duy chiến lược mới này, thì ngay từ khâu hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch, hai nước cần tính toán để phát huy được lợi thế cạnh tranh của mỗi nước, bảo đảm quá trình kết nối sẽ bổ sung được cho nhau trong từng giai đoạn, từng kế hoạch và lĩnh vực phát triển.

Được đánh giá là lĩnh vực hợp tác có bước đột phá, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ phối hợp triển khai có hiệu quả Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; công bố mở cửa thị trường Việt Nam cho táo Nhật Bản và mở cửa thị trường Nhật Bản cho trái xoài của Việt Nam từ ngày 17.9.2015. Cần nói thêm rằng, để trái xoài đồng bằng sông Cửu Long của nước ta vào được thị trường nổi tiếng nghiêm ngặt với những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và yêu cầu kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm như Nhật Bản là điều không đơn giản. Đây là có thể coi là một hướng đi mới, đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp Việt Nam mà hai bên đã đạt được trong chuyến thăm của Tổng bí thư. Với sự nhất trí này, tin rằng nông dân Việt Nam sẽ có thêm thu nhập trong tổng thể tầm nhìn trung, dài hạn hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Không chỉ diễn ra ở tầm cao, thông qua các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước mà quan hệ Việt Nam - Nhật Bản còn trải rộng ở các cấp, giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là giữa nhân dân hai nước. Theo nhìn nhận của Chủ tịch Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC) của Nhật Bản trong cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì đây là điểm khác biệt trong mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam so với các mối quan hệ song phương khác. Các hoạt động hợp tác như vậy đã có tác dụng bổ trợ cho nhau, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế cũng như tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu.

Thăm tỉnh Kanagawa, địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 4 của Nhật Bản và đang có nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư tại Việt Nam, Tổng bí thư đã dự khai mạc hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế ý nghĩa trong quan hệ hai nước. Đó là Sự kiện Việt Nam tại Kanagawa và Diễn đàn Hợp tác Đầu tư, Thương mại, Lao động Việt Nam - Nhật Bản. Trong nghi thức khai mạc Sự kiện Việt Nam tại Kanagawa, Tổng bí thư và các đại biểu hai nước đã ghép hoa sen để hoàn thiện bức thảm hoa do các lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện. Lễ khai mạc khép bằng bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng được thể hiện qua tiếng hát (bằng tiếng Việt) trong trẻo của nhóm học sinh trường cấp ba Kashiwa (TP Yokohama) - biểu tượng đẹp cho tình hữu nghị gắn bó và sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản khởi nguồn từ rất sớm. Trong dòng chảy lịch sử, quan hệ hai nước cũng có những nốt trầm. Nhưng vượt qua mọi trở ngại của quá khứ đau thương, hai dân tộc đã cùng xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Trên cơ sở những thành tựu đạt được, xuất phát từ nền tảng tin cậy chính trị và nhận thức chung về lợi ích tương đồng, tiềm năng hợp tác, tin rằng sau chuyến thăm, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thực sự gắn kết hơn bao giờ hết theo hướng lâu dài và bền vững.

 Câu chuyện thỏa thuận xuất khẩu táo Nhật Bản sang Việt Nam và mở cửa thị trường cho xoài Việt Nam vào Nhật Bản được tiếp nối trong Tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Quốc khách của Nhật Bản, do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì, diễn ra tại Dinh thự riêng. Thủ tướng Abe cho biết, chuẩn bị cho bữa tiệc, ông đã yêu cầu chuẩn bị trái táo Nhật Bản để mời Tổng bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Ông cũng bày tỏ mong muốn được mời các vị khách Việt Nam thưởng thức hương vị trái xoài Việt Nam, nhưng theo thỏa thuận giữa hai bên (ngày 15.9.2015), thì còn 2 ngày nữa, trái xoài Việt Nam mới được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, nên với tư cách Thủ tướng, ông phải chấp hành nghiêm.

 

 


    Ý kiến bạn đọc