Tăng cường công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật
EmailPrintAa
10:07 07/05/2014

Trong những năm qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở tỉnh ta đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả cao. Trong đó, có sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự lãnh đạo chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, vai trò tham mưu của cơ quan Tư pháp và sự phối hợp PBGDP của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh.

Ngay từ đầu năm, để triển khai tốt kế hoạch PBGDPL của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai ký kết các Chương trình phối hợp PBGDPL giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhằm huy động tối đa về nhân lực, nguồn lực tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn tỉnh. Những nội dung văn bản pháp luật tập trung tuyên truyền đó là: các văn bản pháp luật mới; văn bản pháp luật về Đất đai; đền bù giải phóng mặt bằng; An toàn giao thông; Pháp luật về phòng chống ma túy; phòng chống tội phạm; Dân số kế hoạch hóa gia đình; các Đề án: “Nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường”; “Phổ biến giáo dục cho thanh thiếu niên”; Chương trình mục quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chính sách phát triển kinh doanh tại các khu tế trọng điểm của tỉnh…

Việc triển khai ký kết các Chương trình phối hợp PBGDPL được tiến hành ngay từ những tháng đầu năm ở một số ngành, đơn vị, đoàn thể như: UBMTTQ tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục - Đào tạo, Công an, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… đã đi vào nề nếp. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng triển khai tốt Chương trình phối hợp PBGDPL như: Thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hồng Lĩnh, Hương Sơn…

Trong năm 2013, ở cấp tỉnh đã tổ chức ký kết hàng trăm Chương trình, trong đó Sở Tư pháp và Ban An toàn giao thông tỉnh triển khai các Chương trình phối hợp với: Ủy ban MTTQ tỉnh để huy động các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp tham gia chuyển tải các văn bản pháp luật nói chung Pháp luật về An toàn giao thông nói riêng đến với người dân ở cơ sở; Sở Giáo dục và đào tạo để huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lương phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường”, “An toàn giao thông học đường”; Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh để xây dựng các chuyên đề, chuyên mục, phóng sự giới thiệu các nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật, hỏi đáp pháp luật… Các hình thức PBGDPL ngày càng đa dạng và linh hoạt, bên cạnh hình thức tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt “Ngày pháp luật”, lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh còn sử dụng có hiệu quả các hình thức khác như: cấp phát tài liệu miễn phí, tủ sách pháp luật, trang thông tin điện tử, phát động các cuộc vận động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở.

Trong năm 2013, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh duy trì 965 tủ sách pháp luật với khoảng 519.383 lượt người đọc, tổ chức 1.333 cuộc tuyên truyền miệng cho hơn 523.860 lượt người, thực hiện 1.917 chuyên trang, chuyên mục phổ biến pháp luật trên báo, tạp chí, đài truyền thanh - truyền hình, phát hành miễn phí 112.879 sách, tờ rơi, tờ gấp, đĩa hình, đĩa tiếng và các loại tài liệu PBGDPL khác; tổ chức 06 cuộc thi với hàng ngàn người tham dự. Trong đó Sở Tư pháp phối hợp với Tỉnh đoàn, UBND huyện Hương Khê tổ chức Hội thi “Thanh niên với pháp luật về xây dựng nông thôn mới” tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã thu hút toàn bộ lực lượng đoàn viên, thanh niên trong toàn xã, Bí thư đoàn và công chức Tư pháp - Hộ tịch trong toàn huyện tham dự. Hội thi đã tạo sức lan tỏa trong toàn huyện về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong hội thi Tìm hiểu pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số do Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với TW Hội LHPN Việt Nam, TW Hội Nông dân Việt Nam, Uỷ ban dân tộc tổ chức, Đội tuyển của tỉnh Hà Tĩnh tham gia với 12 thành viên, trong đó có 4 thành viên là người đồng bào dân tộc Chứt ở Bản Rào tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê đã xuất sắc giành giải nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên và giải nhất toàn quốc.

Ký kết chương trình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật năm 2014

 

Các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện 6.701 cuộc tuyên truyền miệng với hơn 372.000 người tham gia, thực hiện 8.682 chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh, 3.890 chương trình trên đài phát thanh cấp huyện; tổ chức 173 cuộc thi với 25.394 lượt người tham dự, in ấn và phát hành miễn phí 147.159 tờ rơi, tờ gấp, đĩa và các loại tài liệu khác cho nhân dân. Duy trì hoạt động 18.339 tủ sách pháp luật với khoảng 32.294 lượt người đọc. Thành lập và duy trì hoạt động gần 300 câu lạc bộ với hơn 8000 thành viên tham gia. Thông qua các câu lạc bộ như: “Nông dân với pháp luật”, “Bình đẳng giới”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Không sinh con thứ ba”, “Phòng, chống ma tuý”, “Phòng chống tội phạm”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý”… các văn bản pháp luật cũng đã được lồng ghép để tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên và người dân ở cơ sở.

Năm 2014, là năm có nhiều dự án luật có hiệu lực thi hành, nhất là Hiến pháp năm 2013 và Luật đất đai sửa đổi… Để cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Thực tiễn cho thấy ở đâu, nơi nào cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng của cơ quan, đơn vị quan tâm, vào cuộc quyết liệt thì ở đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên và đưa lại hiệu quả tích cực.

Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm đủ về số lượng, về thành phần và bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết với công việc của mình để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp trên phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các đơn vị cơ sở triển khai kế hoạch tuyên truyền phù hợp nội dung và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ; kịp thời cung cấp tài liệu và thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền; việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình, nhận thức của các đối tượng được tuyên truyền.

Tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng phối hợp phổ biến pháp luật của tỉnh với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng về nội dung, chương trình và các điều kiện bảo đảm để cho công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục, đạt được mục đích, yêu cầu và đưa lại hiệu quả thiết thực.


    Ý kiến bạn đọc