Thoát nghèo nhờ Nghị quyết 35/NQ-HĐND của HĐND tỉnh
EmailPrintAa
18:07 20/05/2019

Sau gần 3 năm Nghị quyết số 35/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020” (sau đây gọi tắt là nghị quyết 35) được ban hành, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang đã thực sự thoát nghèo, thu nhập tăng lên, đời sống cải thiện và đặc biệt là việc hấp thu các chính sách đã giúp người nghèo ở các địa phương nêu trên được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, chung tay xây dựng quê hương.

Nhờ nguồn hỗ trợ của nghị quyết 35, gia đình bà Nguyễn Thị Phương thôn Hợp Thắng xã Hương Minh huyện Vũ Quang đã thoát nghèo

Vươn lên thoát nghèo nhờ nghị quyết

Từ một hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, nỗi lo 3 con đi học, chăm sóc bố bị tai biến đang trĩu nặng trên vai, năm 2017 gia đình ông Đặng Hữu Khánh, xóm 3 xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê lại nhận thêm hung tin khi ông bị tai nạn lao động điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phải mổ mới cứu sống được tính mạng, khó khăn chồng khó khăn. Ông tâm sự: “Trong lúc như thế, các đoàn thể, xóm làng giúp đỡ rất nhiều, đặc biệt là từ những chính sách của Nghị quyết 35 như việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn, điều trị tại bệnh viện... nên gia đình mới vượt qua được khó khăn”. Sau khi về nhà, cũng từ những chính sách của nghị quyết nên gia đình ông được hỗ trợ 3 đàn ong, trị giá 3.600.000 đồng để nuôi, tăng thêm thu nhập. Để gia đình nuôi ong đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã chỉ đạo xã Phúc Đồng cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách lấy và bảo quản mật ong. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất và hỗ trợ cây giống nên hiện nay gia đình đã trồng được 60 gốc cam, 70 gốc bưởi, có gần 2ha keo gần 2 năm tuổi. Từ nguồn hỗ trợ của nghị quyết 35, gia đình ông Khánh đã có thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng là hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, các gia đình Nguyễn Bá Phúc, Phan Ngọc Tuy, Nguyễn Thị Phương thôn Hợp Thắng xã Hương Minh, huyện Vũ Quang sau khi được hỗ trợ gần 100 con gà giống và máy thái (dùng để thái thức ăn nuôi bò); vay vốn ưu đãi mua bò và phát triển sản xuất nên kinh tế gia đình thay đổi đáng kể, từ hộ nghèo đặc biệt khó khăn trở thành hộ có kinh tế trung bình, thoát nghèo bền vững. Bà Phương tâm sự: “Từ nguồn vốn hỗ trợ của nghị quyết, gia đình được hỗ trợ gà giống, kỹ thuật nuôi, vay vốn ưu đãi nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Sau gần 2 năm được hỗ trợ, hiện đàn gà của gia đình có hơn 100 con gà, mỗi tháng tiền bán trứng được gần 600.000 đồng, có nguồn thực phẩm sạch để chăm sóc chồng bị tàn tật, nằm một chỗ”.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thái Hòa cho biết thêm: Ngay sau khi nghị quyết ban hành, huyện đã rà soát lại các hộ nghèo trên địa bàn chi tiết, cụ thể. Trên cơ sở đó, huyện giao xuống tận xã, thôn đảm bảo mỗi một đồng hỗ trợ của nghị quyết đều đúng đối tượng. Huyện chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ đội ngũ lãnh đạo đến cán bộ và đặc biệt là nâng cao ý thức thoát nghèo cho người dân; tận dụng tối đa lợi thế vườn đồi để tạo sinh kế, tăng thu nhập người nghèo. Đến nay, huyện đã thoát khỏi tình trạng huyện đặc biệt khó khăn theo nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, vượt chỉ tiêu nghị quyết 35. Đặc biệt, hiện nay có 10/11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đang trên đà phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Từ nguồn hỗ trợ của nghị quyết 35 và các nguồn hỗ trợ khác, trên địa bàn huyện Vũ Quang, 100% hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng các chính sách về y tế; các hộ cơ bản được tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất, làm nhà ở. Tính đến nay, huyện đã chi trả trên 8,1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ cho 768 người với số tiền gần 1,7 tỷ đồng; chi trả tiền điện cho 3.471 lượt hộ nghèo với số tiền gần 1,76 tỷ đồng. Hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập và hỗ trợ khác cho 10.268 lượt học sinh với số tiền trên 3,65 tỷ đồng. Có 3.796 lượt người nghèo, 5.183 lượt thuộc hộ cận nghèo, 17.593 lượt người thuộc xã đặc biệt khó khăn, miền núi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế với số tiền gần 15,33 tỷ đồng; 23.468 lượt người khám chữa bệnh với kinh phí trên 8,11 tỷ đồng; xây dựng 426 nhà cho hộ nghèo, chính sách, hộ khó khăn. Hỗ trợ 3.775 lượt người nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, học sinh sinh viên thuộc hộ nghèo vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 132,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí của nhà nước, huyện Vũ Quang đã đầu tư xây dựng mới và duy tu, bảo dưỡng 61 công trình với tổng số tiền gần 47,59 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đã bố trí cho chương trình giảm nghèo từ năm 2016 đến cuối năm 2018 là gần 282,79 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhờ hấp thu tốt các chính sách của nghị quyết 35 nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Vũ Quang giảm nhanh chóng, bền vững. Nếu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 15,07% thì đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 9,60%, giảm 5,47%. Tỷ lệ hộ cận nghèo từ 10,54% trong năm đầu thực hiện nghị quyết đến nay còn 8,49%, giảm 2,05%; đã có 11/11 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 5%.

Ông Đặng Hữu Khánh, thôn 3 xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê bên đàn ong được hỗ trợ

Còn đó những vướng mắc cần tháo gỡ

Từ việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi của nghị quyết 35, nhìn chung bộ mặt của hai huyện miền núi Hương Khê và Vũ Quang đã có những thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh chóng, bền vững, đời sống người dân được nâng cao. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, việc triển khai thực hiện nghị quyết cũng còn một số khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ khắc phục kịp thời. Đó là cả hai huyện đều có điểm xuất phát điểm về kinh tế xã hội khá thấp, là các huyện nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Đa số hộ nghèo là hộ bảo trợ xã hội, hết tuổi lao động, thường xuyên ốm đau nên việc hỗ trợ cây, con giống hay các chính sách hỗ trợ máy móc phát triển sản xuất không phát huy hết tác dụng, cá biệt có một số hộ nghèo chỉ mong muốn hỗ trợ tiền trực tiếp. Việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân,  nông thôn khó do chưa có chính sách đặc thù. Một số hộ nghèo, cận nghèo ý thức thoát nghèo chưa cao; có một số trường hợp mong muốn hợp tác với nhau tạo thành tổ hợp tác để cùng thoát nghèo nhưng chưa có đầu tàu đủ mạnh, có kiến thức, ứng dụng công nghệ vào sản xuất... Bên cạnh đó, khi nhà nước hỗ trợ bò giống với mức hỗ trợ 7 triệu đồng đối với hộ cận nghèo, 10 triệu đồng đối với hộ nghèo trong khi giá bò giống thường từ 13 - 15 triệu đồng khiến hộ nghèo, cận nghèo không có tiền để đóng góp, trong khi ngân sách tỉnh, huyện còn hạn chế nên việc triển khai gặp khó khăn.

Với cách làm sát thực tiễn và những kinh nghiệm được rút ra từ cuộc sống cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cộng đồng, tin tưởng rằng thời gian tới việc thực hiện Đề án trên địa bàn huyện Hương Khê, Vũ Quang sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu về giảm nghèo, góp phần thực hiện thành công Đề án thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-HĐND mà HĐND tỉnh đã đề ra.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc