Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải đảm bảo cuộc sống ngư dân cả trước mắt và lâu dài
EmailPrintAa
21:38 01/05/2016

Chiều 1/5, tại TP Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế để tìm biện pháp khắc phục sự cố hải sản chết bất thường. Các Phó Thủ tướng: Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam cùng dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương tính toán để có giải pháp hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất.

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trách nhiệm của Đảng, Chính phủ là bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân gây thảm họa, dù bất cứ cá nhân, tổ chức nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học.

“Chúng ta có trách nhiệm thảo luận với nhau để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân trước mắt và lâu dài, trong đó có nghề đánh bắt cá tại khu vực này. Không để trường hợp tương tự xảy ra về thảm họa môi trường để nhân dân an tâm. Trách nhiệm quản lý Nhà nước là phải làm ngay việc này” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các cơ quan chức năng phải tìm giải pháp tích cực để người dân có thể ra khơi đánh bắt bình thường. "Những giải pháp phải cụ thể, toàn diện trong đó có những vấn đề nhân dân mong mỏi, trong phạm vi khả năng cho phép của chúng ta. Tinh thần là không để người dân đói", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương tính toán để có giải pháp hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất. Mong bà con yên tâm, bình tĩnh, tin tưởng vào sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, động viên mọi người cùng nỗ lực để ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất. Tuỳ theo mức độ thiệt hại, tuỳ theo điều kiện của hộ gia đình, người dân sẽ được hỗ trợ.


Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn:Trước những ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, tỉnh đã kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần và vật chất để nhân dân an tâm, sớm khôi phục sản xuất. Bước đầu, đã cấp hỗ trợ các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại 750 triệu đồng; hỗ trợ cho ngư dân vùng bị thiệt hại do hiện tượng cá chết bất thường 15 kg gạo/người/tháng, trong thời gian 45 ngày; triển khai mua cá cho người dân, đồng thời dự thảo các chính sách hỗ trợ ngư dân theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng và công tác đảm bảo ANTT tại các tỉnh ven biển miền Trung.


Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - Hoàng Đăng Quang: Đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm làm rõ nguyên nhân gây cá chết; điều tra làm rõ các đối tượng kích động xúi dục gây ảnh hưởng ANTT. Khi có thông tin chính thức về kết quả điều tra vụ việc thì đăng tải thông tin nhanh để người dân an tâm.

Các địa phương cũng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan chuyên môn khẩn trương có kết luận chính xác nguyên nhân gây cá chết và có biện pháp xử lý, khuyến cáo kịp thời nhằm ổn định môi trường biển.


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Phải thừa nhận rằng các bộ/ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học dù đã nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai trước thảm họa môi trường như thế này còn lúng túng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Chúng tôi cũng như các bộ/ngành sẽ làm hết trách nhiệm với tinh thần công tâm, khoa học để sớm giải tỏa mối lo hiện nay.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Các cơ quan chức năng tiến hành thu gom, xử lý số lượng thủy, hải sản chết (bao gồm thủy, hải sản nuôi trồng và tự nhiên) bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tăng cường tuyên truyền về việc mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân không sử dụng các sản phẩm từ thủy, hải sản chết; nghiêm cấm việc tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy, hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:Ngày 28/4, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã lấy mẫu kiểm tra các loại cá sống tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình. Kết quả kiểm tra cho thấy đều an toàn, không phát hiện độc tố trong các loại cá sống. Đối với nước biển trong vùng, hiện đang trong ngưỡng an toàn, chưa phát hiện ra độc tố, hóa chất.

Đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư trạm quan trắc môi trường để giám sát môi trường tại các nhà máy trong KKT Vũng Áng; Bộ NN&PTNT có phân tích, hướng dẫn người dân các địa phương khôi phục sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, phát triển du lịch; hỗ trợ nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ sản phẩm.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Lãnh đạo địa phương rất tích cực, chủ động phối hợp xử lý, có kinh nghiệm trong ổn định an ninh trật tự. Đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với tổ chức quốc tế, nhà khoa học nước ngoài để cùng kiểm tra, xử lý và sớm đưa ra kết luận.  

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những thiệt hại với nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. Thủ tướng cũng ghi nhận các địa phương với tinh thần trách nhiệm cao đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết vấn đề; hỗ trợ nhân dân bước đầu khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.


 

Thủ tướng cho rằng việc hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung là sự cố nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực của trong việc tìm nguyên nhân nhưng do đây là vấn đề phức tạp, lần đầu xẩy ra ở nước ta, kinh nghiệm hạn chế nên việc xử lý tình huống còn chậm, chưa có giải pháp kịp thời, hiệu quả, khiến người dân có lúc bức xúc.

“Công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều bất cập, hạn chế. Chúng ta chưa có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành. Cần công khai, minh bạch và làm tốt hơn nữa” - Thủ tướng Chính phủ nói.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hơn nữa, có giải pháp toàn diện, tổng thể; xác định rõ nguyên nhân, có kết luận khách quan, khoa học và xử lý nghiêm theo pháp luật không kể đó là cá nhân hay tổ chức nào; khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc kiểm tra, cấp phép xả thải ra môi trường.

Các Bộ: NN&PTNT, Công thương, Thông tin - Truyền thông phải khẩn trương trình Chính phủ cơ chế chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất cho người dân; sớm công bố các ngư trường an toàn để ngư dân đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản; triển khai đồng loạt các giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân; thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác, khách quan, không kích động, gây hoang mang trong dư luận.

 

 

 


    Ý kiến bạn đọc