Thực chất của tái cấu trúc kinh tế
EmailPrintAa
09:44 28/11/2011

Cụm từ tái cấu trúc kinh tế đã trở nên phổ biến gần đây ở mọi cấp, ngành, doanh nghiệp, và người dân khi những vấn đề tồn tại trong tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam đã trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.

Tái cấu trúc được đặt ra thành một yêu cầu, nhiệm vụ, cũng như sứ mệnh của không chỉ từ các cấp Đảng và chính quyền cao nhất mà còn của từng ngành kinh tế, từng doanh nghiệp. Nhiều người thống nhất với nhau rằng nền kinh tế Việt Nam đã tiến đến một ngưỡng mà không còn đường lùi, và chúng ta đang đứng trước một trong hai lựa chọn bắt buộc: tái cấu trúc hay là chết.

 

Tuy nhiên, những câu hỏi như thế nào là tái cấu trúc, tại sao phải tái cấu trúc, bắt đầu từ đâu, tiến hành như thế nào, có những điều kiện cần và đủ nào để tái cấu trúc, phạm vi tái cấu trúc đến đâu và ai là đối tượng của nó, quá trình tái cấu trúc có kết thúc hay không và nếu có thì sẽ kết thúc vào thời điểm nào, sau tái cấu trúc là gì, cần làm gì v.v… là một loạt những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Điều đáng ngạc nhiên hơn là vấn đề tái cơ cấu đã được đặt ra  trong một bối cảnh hoàn toàn không có gì rõ ràng như vậy.

 

Các văn kiện, tuyên bố và phát biểu của các cơ quan hữu trách, quan chức và chuyên gia dường như thống nhất ở một điểm rằng tái cấu trúc kinh tế là một sự tổ chức, sắp xếp lại (kèm theo giải thể và sát nhập) cả nền kinh tế, từng ngành kinh tế, từng khu vực doanh nghiệp, từng doanh nghiệp theo hướng nhỏ gọn hơn, “tinh” hơn và có hiệu quả hơn. Cũng không ít người thêm rằng tái cấu trúc bao hàm cả nghĩa đổi mới mô hình cũng như cách thức tăng trưởng và hoạt động của các chủ thể kinh tế.

 

Nhưng nếu như vậy, tái cấu trúc kinh tế về thực chất chỉ là sự cải cách và đổi mới kinh tế, những khái niệm đã quá quen thuộc với chúng ta từ hơn 2 thập kỷ trước đây bắt đầu từ công cuộc đổi mới và mở cửa được chính thức khởi xướng bởi Đại hội Đảng VI năm 1986 và tiếp tục sau đó nhiều năm với hàng loạt cải cách trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội. Bản thân cụm từ cải cách và đổi mới này (và với thực tế những gì đã được thực thi, cũng như đã xảy ra trong những năm tiến hành cải cách và đổi mới) đã phản ánh chính xác nhu cầu đặt cho, và cách hiểu về tái cấu trúc kinh tế đang đặt ra hiện nay. Ngay cả ba lĩnh vực cụ thể sẽ diễn ra tái cấu trúc mà chúng ta đã xác định được là doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, và đầu tư công cũng đều là những lĩnh vực mà trước đây đã diễn ra những cuộc cải cách lớn dựa một phần trên các nguyên lý kinh tế thị trường.

 

Và câu hỏi tất yếu tiếp theo là tại sao chúng ta không dùng, không muốn dùng đến cụm từ cải cách và đổi mới thay cho cụm từ “thời thượng” là tái cấu trúc để mô tả cùng một công việc?

 

Có một số khả năng có thể là nguyên nhân của vấn đề này. Thứ nhất, công cuộc cải cách và đổi mới khởi xướng từ năm 1986 và diễn ra trong những năm sau đó đã bị quên lãng sau khi một số mục tiêu đặt ra ban đầu đã được thực hiện và (được cho rằng) đã đạt kết quả (ví dụ, tạo lập một nền kinh tế nhiều thành phần, tạo lập một hệ thống ngân hàng có ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại hoạt động theo nguyên tắc thị trường). Việc tiếp tục các biện pháp cải cách để duy trì và hoàn thiện những thành quả này hoặc chưa bao giờ được đặt ra (một cách nghiêm túc) hoặc chỉ là những nhu cầu thứ yếu. Thứ hai, cải cách và đổi mới còn nhanh chóng bị quên lãng một cách có chủ ý khi những tác động đến từ bên ngoài lẫn nội tại (ví dụ như khủng hoảng tài chính khu vực hoặc bất ổn vĩ mô trong nước) đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế xã hội Việt Nam. Trước nhu cầu cấp thiết ổn định hóa và bảo vệ nền kinh tế khỏi sự sụp đổ dây chuyền, vấn đề cải cách và đổi mới đã tạm bị gác sang một bên rồi hầu như bị lãng quên hẳn theo thời gian và thứ tự ưu tiên của các mục tiêu. Thứ ba, sau khi được cởi trói, nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ và kéo theo nó là sự hình thành và ngày càng lớn mạnh của hàng loạt nhóm lợi ích khuynh đảo đến tiến trình hoạch định và thực thi chính sách. Sự chống đối mạnh mẽ của các nhóm lợi ích đã làm gián đoạn hoặc gần như ngừng trệ một số chương trình, biện pháp cải cách nào đó (ví dụ như cải cách và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước).

 

Trên hết, cải cách và đổi mới đã không được nhận thức đúng rằng đó không phải là công việc làm một lần là xong rồi thôi, mà là một quá trình thường xuyên và liên tục nhằm hướng tới sự tự hoàn thiện và theo kịp những diễn biến từ bên ngoài và đòi hỏi từ bên trong.

 

Với những lý do như trên và những lý do có thể có khác, việc khởi động chương trình tái cơ cấu kinh tế thay cho việc nối lại và/hoặc tiếp tục các chương trình và biện pháp cải cách, đổi mới (mà về bản chất đã bao hàm cả việc tái cơ cấu) có thể dẫn đến ý nghĩ trong ai đó rằng chúng ta đang không muốn nhắc lại sai lầm đã mắc phải (sao nhãng, làm nửa vời và lãng quên cải cách và đổi mới).

 

Như vậy có thể thấy, việc tiếp tục nối lại công cuộc cải cách và đổi mới kinh tế (với một số điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới) là điều cần thiết hiện nay, thay vì đưa ra một khái niệm mới vẫn còn rất xa lạ, tuy về bản chất thì không khác gì. Và cũng có thể thấy Ts Lê Đăng Doanh đã rất có lý khi nói Việt Nam cần một công cuộc đổi mới lần thứ hai. Người viết thì muốn được mượn ý tưởng của ông để nói cho chính xác hơn là Việt Nam cần tiếp tục công cuộc đổi mới đã bị bỏ bễ hàng chục năm qua.

 

Nhưng dù có dùng khái niệm nào chăng nữa, bài học rút ra từ quá khứ và cả thực tiễn hiện nay cho thấy cải cách và đổi mới hay tái cấu trúc phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, nhất quán, kiên quyết với mục đích tối thượng là làm cho các chủ thể, các lĩnh vực kinh tế ngày càng hoàn thiện, luôn hoạt động lành mạnh theo các nguyên lý thị trường và không bị chi phối, bẻ cong hoặc chấm dứt giữa chừng bởi các nhóm lợi ích. Nếu không xác quyết được điều này thì các kết quả nếu có đạt được chỉ là ngắn hạn.


    Ý kiến bạn đọc