Thực hiện tốt chính sách cán bộ - giải pháp động lực góp phần đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
EmailPrintAa
08:25 19/06/2012

TCTG)- Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra bốn nhóm giải pháp lớn. Trong những nhóm giải pháp đó, có nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, mà quan trọng hàng đầu là chính sách cán bộ. Ý nghĩa sâu xa cũng như trực tiếp của nhóm giải pháp này là ở chỗ, đây là giải pháp động lực, góp phần ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

1. Chính sách cán bộ trong tầm nhìn chiến lược

Để giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra bốn nhóm giải pháp lớn. Trong những nhóm giải pháp đó, có nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, mà quan trọng hàng đầu là chính sách cán bộ.

Ý nghĩa sâu xa cũng như trực tiếp của nhóm giải pháp này là ở chỗ, đây là giải pháp động lực, góp phần ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nhận thức đúng và thực hiện tốt chính sách cán bộ trong mối liên hệ không tách rời với các chính sách khác, với các giải pháp khác là đảm bảo cho Đảng ta là một Đảng cách mạng chân chính, Đảng chiến đấu, Đảng hành động vì dân, luôn làm tất cả để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, để thực sự phát huy quyền làm chủ của dân, củng cố bền vững mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Dân tin Đảng vì Đảng không có lợi ích nào khác, ngoài việc tranh đấu cho lợi quyền của dân. Chân lý đó giản dị mà vĩ đại, là cội nguồn sâu xa làm nên sinh mệnh của Đảng và sự bền vững của chế độ.

Lịch sử đấu tranh cách mạng quang vinh hơn 80 năm qua của Đảng, trong đó Đảng ở vị trí Đảng cầm quyền đã 67 năm nay, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng thực chân lý đó. Đảng là người khởi xướng tư tưởng và đường lối đổi mới, lãnh đạo toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới hơn 1/4 thế kỷ nay càng tỏ rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đoàn kết và sáng tạo của nhân dân. Đó là mặt cơ bản, bản chất của Đảng.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, trong điều kiện kinh tế thị trường với những tác động mặt trái và những hệ lụy xã hội phức tạp của nó, trong nội tình của Đảng đã xuất hiện tình trạng suy thoái nghiêm trọng, đặt sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ trước những thách thức hiểm nghèo.

Tình trạng suy thoái này là nghiêm trọng cả về tính chất, mức độ và hậu quả. Nghiêm trọng về tính chất, bởi sự suy thoái này đụng chạm trực tiếp tới những yếu tố căn bản nhất của nền tảng tinh thần của một Đảng cách mạng, đó là tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống. Nghiêm trọng về mức độ, bởi nó xảy ra không phải số ít mà là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đáng lo ngại là cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt mà suy thoái, hư hỏng thì làm hỏng chính sách, làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng. Nghiêm trọng về hậu quả do sự suy thoái sinh ra bởi nó làm suy giảm, thậm chí đánh mất niềm tin, lòng tin của đảng viên, của nhân dân với Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng đã chỉ rõ: Tình trạng này nếu không được sửa chữa, sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Mấu chốt là vấn đề con người, ở đây là gần bốn triệu đảng viên, cán bộ đối với gần 90 triệu người dân của mình. Chất lượng cán bộ gắn liền với sức mạnh tổ chức, quyết định sự trong sạch vững mạnh của Đảng. Để tạo ra những đảm bảo cốt yếu đó, phải ra sức khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém của chính sách. Phải đổi mới chính sách, phải tạo ra động lực, đột phá từ chính sách để vượt qua những điểm nghẽn của phát triển, mà điểm nghẽn quan trọng là về chính sách, đặc biệt chính sách cán bộ, chính sách dùng người, nhất là người có tài, nhân tài, hiền tài. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy.

Xưa nay, thế nước yếu và suy chỉ vì yếu kém hoặc lụi tàn nguyên khí này. Đất nước, quốc gia dân tộc nếu trọng trí thức hiền tài thì hưng thịnh, ngược lại, “phi trí bất hưng”. Ông cha ta, từ Thân Nhân Trung đến Lê Quý Đôn đã tổng kết như vậy. Hồ Chí Minh ý thức rõ điều đó, Người có thư gửi quốc dân đồng bào, đề nghị đồng bào giúp đỡ Chính phủ, phát hiện trọng dụng người tài. Kháng chiến kiến quốc cần có rất nhiều nhân tài.

Đảng cầm quyền phải thường xuyên chăm lo tới điều hệ trọng đó.

Sự suy thoái nghiêm trọng như đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự bất ổn của chính sách. Nếu có chính sách đúng lại biết thi hành cho tốt thì tình hình sẽ chuyển biến tích cực. Chính sách là một trong những công cụ của quản lý, là động lực thúc đẩy phát triển, đó là chính sách hợp lòng dân, thuận với thời thế và tuân theo quy luật.

Có những chính sách ở tầm chiến lược, tác động và ảnh hưởng tới xu thế phát triển của đất nước, tới số phận của cả dân tộc, tới triển vọng cuộc sống của dân. Chính sách đó ở tầm của đường lối chính trị, liên quan tới vận Đảng, vận nước, mà tiêu biểu là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Có những chính sách cụ thể, ở từng lĩnh vực, tạo ra ổn định, phát triển, “quốc thái dân an”. Lại có chính sách tổng hợp và quy tụ mọi chính sách, đó là chính sách cán bộ, chính sách về tổ chức cán bộ. Đây là chính sách phát triển nhân lực, chính sách về vốn người, là tài nguyên đặc biệt, quan trọng và quyết định nhất của vốn xã hội. Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: công việc đầu tiên là công việc với con người. Chính sách cán bộ là cả một tập hợp lớn, một phức hợp hệ thống nhằm phát triển con người, cái chìa khóa của phát triển xã hội, tác động sâu xa nhất, quyết định nhất tới sức mạnh, sức sống, sự bền vững của Đảng. Có thể nói, chính sách cán bộ là một trong những điểm nhấn trong hệ giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng.

2. Chính sách cán bộ với vấn đề xây dựng Đảng hiện nay

Nêu lên vấn đề chính sách và cơ chế, trong đó có chính sách cán bộ như một giải pháp chiến lược, Nghị quyết Trung ương lần này thể hiện nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn xây dựng Đảng và sự phát triển của đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh, phải “khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ” (1). Nghị quyết cũng xác định, “trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ” (2).

Trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, Đảng ta còn đề cập tới nhiều vấn đề khác có liên quan tới quản lý đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm tra giám sát cán bộ theo chức trách, thẩm quyền quản lý của từng cấp.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là Nghị quyết đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng và cơ quan đơn vị. Áp dụng chế độ đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt có trọng trách lãnh đạo quản lý các cấp, thực hiện từ lãnh đạo cấp cao, ở Trung ương, làm từ trên xuống dưới, từ cá nhân tới tập thể cấp ủy và thường vụ cấp ủy. Nghị quyết còn đề cập tới vấn đề thể chế luật pháp, thực hiện nghiêm luật công chức, viên chức, đồng thời với việc thực hiện các văn bản pháp luật khác có liên quan tới công tác cán bộ (3); Nghị quyết cũng xác định rõ vai trò và trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, quy định chế độ báo cáo thường niên về kết quả thực hiện của cán bộ trong việc chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong công tác cán bộ, cần phải chú trọng hoàn thiện thể chế luật pháp và nghiêm chỉnh thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương và cơ sở (4).

Trong điều kiện kinh tế thị trường, cán bộ lãnh đạo, quản lý, các công chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thường liên quan tới tài sản, công quỹ, tiền vốn, vật tư. Nhiều người được giao quản lý những nguồn lực rất lớn. Đó là môi trường, mà nếu không có kiểm tra, giám sát chặt chẽ, lại không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và bản lĩnh chính trị thì rất dễ dẫn tới tham ô, tham nhũng, vụ lợi và trục lợi; dẫn tới tha hóa, biến chất, làm tổn hại tới lợi ích của nhân dân, của Nhà nước và xã hội.

Đây là một thực tế đã xảy ra với không ít tình huống nhức nhối. Vì vậy, trong chính sách cán bộ, không chỉ là đánh giá, sử dụng cán bộ mà còn phải thường xuyên quan tâm phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện thoái hóa, hư hỏng, làm giàu phi pháp, bất minh, bất chính. Kiểm tra giám sát là phương thức hữu hiệu để bảo vệ tổ chức, bảo vệ cán bộ. Như vậy, vấn đề đặt ra, không chỉ là đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, sử dụng mà còn phải tăng cường pháp luật, kỷ cương, giám sát, kiểm tra và xử lý. Quản lý cán bộ là một mắt khâu trọng yếu của công tác cán bộ.

Đồng thời với việc đổi mới chính sách, cơ chế, hoàn thiện pháp luật, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tạo ra một nền hành chính công minh bạch, phục vụ đời sống của người dân, tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân ở mọi thành phần kinh tế.

Muốn thực hiện có kết quả những chủ trương lớn và quan trọng đó, phải đặc biệt đề cao trách nhiệm và chế độ trách nhiệm, không chỉ của tập thể mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong quan hệ giữa tập thể và cá nhân.

Ngoài ra, trong nhóm giải pháp này, Nghị quyết còn nêu rõ yêu cầu cải cách chế độ tiền lương, nhà ở, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ (5). Ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết này, năm 2012, Đảng ta chủ trương ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, đối với tổ chức Đảng, chính quyền các cấp (6). Xây dựng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng và thực hiện cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (7).

Đó là những điểm căn bản, chủ yếu toát lên từ năm giải pháp cụ thể trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách nêu trong Nghị quyết, có tác dụng rất thiết thực trong xây dựng Đảng hiện nay. Cần lưu ý rằng, công tác cán bộ là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, liên quan tới tổ chức bộ máy, thể chế và chính sách chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề quy hoạch, càng không chỉ giới hạn ở việc lựa chọn, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, dù đội ngũ cán bộ chủ chốt này là rất quan trọng, đặc biệt là cán bộ cấp Trung ương. Hơn nữa, với trọng trách lãnh đạo và cầm quyền, Đảng không chỉ lo bố trí cán bộ trong hệ thống Đảng mà còn phải lãnh đạo công tác cán bộ trong các tổ chức công quyền (Nhà nước) và đội ngũ cán bộ của Mặt trận và các đoàn thể của hệ thống chính trị. Như Hồ Chí Minh đã xác định, đây là công việc gốc của Đảng, là mặt trận xung yếu của xây dựng Đảng về tổ chức. Cũng như vậy, chính sách cán bộ không giản lược vào chính sách tiền lương. Đổi mới chính sách cán bộ bao quát một nội dung toàn diện, nhiều mặt chứ không chỉ là vấn đề tiền lương, các quy định về chế độ đãi ngộ.

Phải đặt chính sách cán bộ trong hệ thống các chính sách phát triển, trực tiếp nhất là chính sách phát triển kinh tế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội và chăm lo an sinh xã hội, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Hạt nhân của các chính sách là vấn đề lợi ích. Vai trò động lực của chính sách thể hiện ở việc thực hiện lợi ích và giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích.

Nguyên lý nền tảng trong xây dựng và thực hiện chính sách là tính công bằng, công khai và minh bạch, tức là dân chủ. Chỉ như vậy, ý nghĩa động lực của chính sách mới thực hiện được. Ngược lại, chính sách sẽ mất tác dụng, thậm chí trở thành lực cản đối với phát triển. Lợi ích phải được phân phối công bằng và đem lại sự thụ hưởng thực tế cho mỗi người, tương ứng với những đóng góp và cống hiến của họ. Công bằng xa lạ với chia đều, bình quân dẫn tới triệt tiêu động lực phát triển. Sâu xa hơn, trong đổi mới và dân chủ hoá đời sống xã hội, trong nền kinh tế thị trường với cơ chế thị trường có cạnh tranh, phân hoá và vượt trội, cần phải đảm bảo công bằng và bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi thành viên chứ không phải chỉ giới hạn công bằng trong lĩnh vực phân phối lợi ích theo kết quả lao động. Đó là chưa nói tới, trong nền kinh tế đa sở hữu, vận động theo quy luật thị trường thì cũng tồn tại sự đa dạng của các hình thức, phương thức phân phối lợi ích. Điều quan trọng là, luật pháp và chính sách phải tác động và điều tiết sao cho lợi ích chính đáng của cá nhân và của cộng đồng xã hội được đảm bảo hài hoà, không để những kẽ hở trong thể chế và những yếu kém trong quản lý dẫn đến sự biến dạng, biến tướng bởi lợi ích nhóm, thường núp dưới danh nghĩa vì cộng đồng, vì xã hội, nhân danh xã hội, nhưng trên thực tế chỉ đem lại lợi ích cho một số ít, cho một nhóm nhỏ một cách bất công, bất minh. Đó là con đường đi của tham nhũng mà các nghiên cứu đã vạch ra: ở đâu thiếu vắng sự minh bạch và trách nhiệm giải trình thì ở đó có tham nhũng. Bởi vậy để ngăn chặn sự biến dạng của các quan hệ lợi ích, dẫn tới lợi ích nhóm thì phải gắn liền kiểm soát quyền lực với công khai minh bạch trong kiểm toán, giám sát và kiểm soát tài chính. Dư luận xã hội với sức mạnh của thông tin phải lên tiếng phê phán mạnh mẽ tình trạng đó. Luật pháp và các chế tài đủ mạnh kèm theo phải tỏ rõ sức mạnh của pháp quyền trong xử lý. Chỉ như vậy mới bảo vệ được sự trong sạch, liêm khiết của nền chính trị dân chủ, của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ được Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó cũng là cách tốt nhất để lập lại trật tự công bằng và thực hiện công bằng xã hội trong mọi chính sách, nhất là chính sách cán bộ. Đây là vấn đề bức xúc, nhức nhối trước tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Để giải pháp về chính sách cán bộ cũng như các giải pháp khác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng thực sự, tạo ra sự chuyển biến tích cực, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, cần phải thống nhất nhận thức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động trong toàn Đảng, toàn dân; phải chuyển quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, từ Đảng và Nhà nước tới nhân dân; huy động sức mạnh của Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị vào cuộc vận động thực hành dân chủ, vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ dân. Như đã nói ở trên, công tác cán bộ không chỉ là quy hoạch cán bộ, chính sách cán bộ không chỉ là chính sách tiền lương, dù đây là những vấn đề “thời sự” trực tiếp. Đó là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Phải chú trọng toàn diện các khâu, các mặt trong công tác cán bộ, từ phát hiện, đánh giá đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt đến điều động luân chuyển, giáo dục rèn luyện, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật, chính sách cán bộ và chế độ đối với cán bộ, trong đó có chế độ đãi ngộ. Đảng lãnh đạo công tác này, cấp uỷ các cấp chịu trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực thi, thực hiện. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kể cả việc chấp hành các nguyên tắc, các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí phải được tuân thủ, theo tinh thần dân chủ hoá, công khai hoá, đảm bảo “chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên” như Lênin đã đề ra và chú trọng cả đức lẫn tài, mà đức là gốc, chú trọng đãi ngộ xứng đáng, thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời, thấu lý, thấu tình như Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn.

Theo tinh thần đó, việc giáo dục rèn luyện, huấn luyện đào tạo cán bộ là hết sức quan trọng. Tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới ngày càng cao, càng phức tạp và nặng nề, cho nên phải xây dựng một đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có trình độ học vấn, chuyên môn đủ sức đảm đương nhiệm vụ, lại phải có động cơ trong sáng, biết vì dân chứ không vì mình, biết đặt lợi ích của dân lên trên hết, cho nên phải có dũng khí và bản lĩnh chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, vượt qua những cạm bẫy của đồng tiền trong kinh tế thị trường, làm chủ được mình, không bị nô lệ, tha hoá bởi danh và lợi một cách bất chính, bất minh, bất liêm. Lời dạy của Hồ Chí Minh, dân chủ chứ không biến thành “quan” chủ, đầy tớ của dân chứ không lên mặt “quan” cách mạng, mãi mãi có tính thời sự.

Cán bộ và đội ngũ cán bộ thời đổi mới phải có tư tưởng đổi mới, đấu tranh cho cái mới tiến bộ, phê phán và vượt qua cái cũ lỗi thời, lạc hậu, có năng lực sáng tạo, có dũng khí tự phê phán, tự chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đặc biệt ở cấp Trung ương phải có tầm nhìn và hành động chiến lược, do đó phải có năng lực, trình độ lý luận, biết dùng lý luận sáng tạo như một phương pháp để tổng kết thực tiễn, biết tổ chức công việc, biết làm việc với các chuyên gia, tôn trọng, tin cậy và tin dùng người có tài vì lợi ích chung. Đó thực sự là nhãn quan văn hoá chính trị.

Đánh giá cán bộ là một mắt xích cực kỳ quan trọng, nó là khởi đầu quyết định toàn bộ các mặt khác của tổng thể công tác cán bộ. Phải công tâm, khách quan, không thành kiến, định kiến, không vị kỷ, vụ lợi mới có thể đánh giá đúng cán bộ, do đó mới bố trí đúng, phát huy tài năng, sở trường của cán bộ.

Đánh giá cán bộ, cả tín nhiệm và bất tín nhiệm, là một việc cần kíp, không chỉ công khai, không chỉ lắng nghe tiếng nói từ phía người dân, từ dư luận xã hội mà phải chính xác hoá, công khai hoá, minh bạch hoá sự đánh giá đó. Nghiêm minh, sáng suốt, thận trọng trong xử lý cũng hết sức cần thiết. Cũng lại cần thiết phải thấu tình đạt lý, bởi đây là con người, là uy tín, danh dự và cả cuộc sống của họ và các quan hệ xã hội của họ. Công tâm, khách quan là chuẩn mực, là nguyên tắc quan trọng nhất cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ cũng như xử lý cán bộ khi họ mắc khuyết điểm, sai lầm.

3. Thực hiện chính sách cán bộ trong cuộc sống

Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI, lần đầu tiên nêu rõ:

- Bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực, phẩm chất cán bộ.

- Thí điểm việc nhất thể hoá chức danh Đảng và chính quyền (từ cấp tỉnh trở xuống).

- Đổi mới cơ chế bầu cử, đảm bảo dân chủ, lựa chọn đúng người có đức, có tài.

- Thí điểm việc tiến cử, tập dượt công tác lãnh đạo, kèm theo trách nhiệm.

- Thay thế kịp thời những cán bộ phải thay thế, không đợi hết nhiệm kỳ, không đợi đến tuổi nghỉ hưu.

- Phải loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Đó là những điểm rất mới, tỏ rõ thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Đảng để làm trong sạch đội ngũ, làm cho cán bộ và đội ngũ cán bộ ngày càng đủ tài, đủ đức để tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Chính sách cán bộ trên tất cả mọi lĩnh vực, phương diện, cung bậc phải xuất phát từ đó, từ chủ thể xã hội là Dân, từ vai trò chủ thể con người trong phát triển. Trong mọi chính sách, như đã nói, phải quan tâm tới lợi ích, nhu cầu hợp lý chính đáng của con người, trong đó phải đổi mới, cải cách căn bản chế độ tiền lương. Phải dùng công cụ này để góp phần đẩy lùi tham nhũng. Lương không chỉ là lợi ích vật chất, lương còn là đánh giá xã hội về người hưởng lương. Lương phải có sự phân hoá, phải chú trọng vào tính chất, đặc thù lao động nghề nghiệp, phải tỏ rõ sự quý trọng, tôn vinh tài năng.

Lợi ích không chỉ là vật chất mà còn là các giá trị tinh thần, nhất là với giới trí thức tinh hoa. Các chính sách khen thưởng, tôn vinh các danh hiệu phải đảm bảo đánh giá đúng. Việc xử lý kỷ luật phải rất công bằng, nghiêm minh, kể cả sự trừng phạt của luật pháp.

Tóm lại, đã đi vào kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, không lảng tránh những mặt trái, những hệ luỵ của nó, thì phải dựa vào luật pháp và đạo đức. Đó là hai cột chống đỡ của chế độ, của xã hội để làm cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đủ mạnh, đủ vững. Điều đó gợi ý rất nhiều cho việc xây dựng và thực hành văn hoá Đảng hiện nay, để Đảng trong sạch, vững mạnh bởi cán bộ đảng viên đủ đức, đủ tài, bởi thể chế, luật lệ, kỷ cương nghiêm minh, bởi chính sách đúng đắn, hợp lý và bởi có sức hỗ trợ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Đảng của mình./.

GS. TS. Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

-----------------

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, khoá XI, Ban Chấp hành Trung ương, tr.33-35.


    Ý kiến bạn đọc