Tìm hiểu tư tưởng Nguyễn Công Trứ
EmailPrintAa
15:03 24/10/2018

Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778-1858), quê tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được lịch sử ghi nhận như là một đặc thù. Ông không chỉ là người toàn tài mà phải nói ông là một biệt tài trên tất cả các lĩnh vực: văn hoá, kinh tế, chính trị xã hội, quân sự, ngoại giao. Chúng ta nhìn nhận ông không những là một con người có tính cách riêng rõ rệt, mà toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông còn toát lên những tư tưởng lớn cần được đi sâu khám phá.

1. Tư tưởng quyết chí lập thân, lập công, hết lòng vì nước vì dân

Cũng như nhiều nho sĩ khác dưới thời đại ông, Nguyễn Công Trứ cũng không có con đường lập thân, lập nghiệp nào hơn là theo nghiệp bút nghiên, khoa cử. Nhưng ở ông ý chí và nghị lực thành đạt kiên trì bền bỉ đến mức lạ lùng. Vốn sáng dạ, thông minh từ nhỏ, lại được cha rèn luyện nên sớm trở thành một con người tài hoa khoáng đạt. Là con nhà nho thanh bần, ông mong ước thi cử đậu đạt để “mở mày mở mặt”, được ra làm quan để ra tay kinh bang kế thế. Nhưng phải chờ mãi đến năm 1807 (khi ông đã 29 tuổi) triều Nguyễn mới mở khoa thi Hương đầu tiên, kỳ thi này ông không đỗ. Đến năm 1813, ông đã 35 tuổi, những tưởng: “Miếng khoa giáp ăn xanh phường sĩ tử” thì ông cũng chỉ trúng sinh đề. Mãi đến năm 1819, khoa thi Hương lần thứ 3 ông mới dành được thủ khoa (lúc này đã 41 tuổi). Mặc dù thi cử lận đận, nhưng ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời, tin tưởng mãnh liệt vào khả năng thành đạt của mình.

Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ

Mấy chục năm đeo đẳng sách đèn, dùi mài kinh sử, ông đã phấn đấu thực hiện được ước mơ hoài bão đỗ đạt thành tài để ra phò vua giúp nước, giúp dân. Ông hăm hở ra làm quan để được thực thi trách nhiệm của kẻ sĩ trước thời cuộc. Ông đã từng giữ 26 chức vụ khác nhau, từ chức hành tẩu đến Bộ binh thượng thư, từng lĩnh chức tổng đốc Hải An, làm chánh nhị phẩm; ba lần ông được cử đi chấm thi Hương; bốn lần làm tướng cầm quân. Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc chức trách được giao. Ông thực sự là một ông quan có đủ đức tính trung, dũng, nhân, trí, tín, luôn có tư tưởng nhập thế, luôn hành động vì cuộc đời, vì con người. Công lao của ông đã từng được vua Minh Mạng ban thưởng: Một “Toà bạch ngọc hình núi”, một “Con ngựa bằng mã não”, một chiếc Kim khánh khắc bốn chữ “Lao năng khả tướng”. Thế mà ba lần ông bị vu cáo là “ma trại”, là buôn lậu, là làm phản, bốn lần ông bị giáng chức xuống từ một đến bốn cấp, có khi bị cách chức tuốt xuống làm lính thú. Có lần phải chịu án “trảm giam hậu”. Vào thời đó nhiều ông quan lâm vào cảnh như thế đã buồn nản cáo quan về nghỉ; thậm chí có người đứng ra chống lại triều đình, nhưng Nguyễn Công Trứ đã không làm như vậy. Dù lâm vào hoàn cảnh nào ông vẫn tận tuỵ với công việc được giao, dù làm việc gì ông cũng nén chịu những oan ức để giữ lấy đạo “vị thân”, giữ lấy lòng trung thành với nước, với vua. Tư tưởng của ông là quyết chí lập thân, lập công để được gánh vác những việc quốc gia đại sự chứ không phải để “vinh thân phò gia”. Quyết chí đỗ đạt thành tài và được làm quan là để có điều kiện cống hiến tài năng, sức lực cho nước cho dân được nhiều hơn. Lẽ sống của ông đầy trách nhiệm với đời, với non sông đất nước: “Đã mang tiếng ở trong trời đất, / phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh). Nghiệp lớn với núi sông, với dân với nước là phương châm hành động, là tư tưởng xuyên suốt cuộc đời ông.

2. Tư tưởng nhân văn cao cả, đi đến những khởi xướng cách tân vượt trước thời đại

Cuộc đời làm quan của Uy Viễn Tướng công lắm thăng trầm, nhiều cay đắng, nhưng với tư tưởng cách tân táo bạo, ông dã làm được nhiều việc lớn, có ích cho đời, được Nhân dân mến yêu, kính phục. Ông thực sự là một ông quan mẫn cán, một nhà quân sự có tài, một nhà kinh tế lỗi lạc, một nhà nho xuất sắc. Thật khó hiểu với một ông quan trung với vua và luôn lấy đạo đức nho giáo làm đầu, mà có lúc dám chống lại lệnh vua. Vua phái đi dẹp “bọn nghịch loạn”, bảo sau khi dẹp xong phải tàn sát tất cả, thì ông không tuân theo, mà còn dám tâu rằng: “Phần đông những bọn nghịch loạn ấy là những dân nghèo vô tội bị áp bức cùng quẫn mới nổi lên như vậy; phải cứu lấy dân lành, mở đường sống cho dân”. Vì dân, ông sẵn sàng nhận lỗi trước vua, không những thế ông còn gửi sớ lên tâu vua xin cấp tiền của cho dân nghèo khai khẩn đất hoang, lập cơ nghiệp để yên dân. “Trước kia thần đã qua phủ Thiên Trường thấy huyện Giao Thuỷ và huyện Châu Định đất hoang phế rộng mênh mông... nếu cấp tiền gạo của công... chiêu tập dân nghèo mà khai phá thì nhà nước không tốn kém bao nhiêu mà cái lợi thì lâu dài mãi mãi”. Tư tưởng lớn khai hoang lập ấp, sau khi dẹp xong khởi nghĩa của Phan Bá Vành là tư tưởng vì dân. Chủ trương hợp lòng người nên dân nghèo các nơi kéo đến đào mương đắp đập, đắp đê ngăn mặn, dựng nhà dựng cửa, sẻ ruộng san vườn... Chỉ trong mấy năm với chủ trương đúng, cách làm sáng tạo, khoa học ông đã chiêu tập dân nghèo làm nên kỳ tích khai hoang lấn biển, lập nên được hai huyện mới: Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) với những công trình về thuỷ lợi và bố trí dân cư, ruộng đồng còn có giá trị đến nay. Uy Viễn Tướng công là một nhà kinh tế lỗi lạc, không chỉ việc khai hoang lập ấp mà còn là người khởi xướng nhiều chính sách kinh tế - xã hội mới mẻ vào thời đó. Trong những năm lãnh đạo Nhân dân khai hoang lấn biển, lập nên các làng: quê trù phú ở Tiền Hải, Kim Sơn, ông đã nhiều lần dâng sớ lên vua xin “được đặt nhà học, được mời thầy về dạy con trẻ” ở các làng ấp, xin miễn thuế một số mẫu ruộng để lấy tiền chi học phí và định lệ trẻ con đến tuổi phải tới trường học tập. Thực sự ông đã có tầm nhìn xa trông rộng, lo việc học tập cho con em dân nghèo, nhằm mở mang nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đền thơ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ

Cũng trong những thời gian này, ông đề xướng những chính sách kinh tế, quản lý xã hội táo bạo. Ông đã nhiều lần làm sớ xin được đặt “xã thương” ở mỗi cấp, mỗi làng để mua bán, tích trữ thóc gạo, nhằm ổn định đời sống Nhân dân, ổn định xã hội... “khi nào giá gạo cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thuỷ nạn, thiên tai thì đem cấp cho người thiếu, khi được mùa thì thu lợi đủ để chứa trữ cho nhà nước”. Phải chăng, khởi xướng này của ông cách đây đã gần 200 năm mà nay vẫn còn mang tính thời sự đáng để cho chúng ta quan tâm, nghiên cứu, góp phần hoạch định chính sách lương thực, chính sách giá cả, ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân.

Ông đã táo bạo gửi sớ lên vua, cần phải trừ tệ quan lại, cường hào tham nhũng, để giữ vững kỷ cương, phép nước. Định kỳ hàng năm phải kiểm tra hàng ngũ quan lại để đào thải những kẻ non kém, bất lực, tham nhũng ra khỏi bộ máy chính quyền Nhà nước. “Ba năm một lần, người nào thanh liêm mẫn cán thì cho thăng chức, người nào khinh nhờn pháp luật, bất cần việc lớn nhỏ, tang vật nhiều hay ít đều bắt tội cả khiến ai cũng biết giữ mình, người tham ô có thể biến thành người thanh liêm”. Tiếc rằng, những khởi xướng ích quốc lợi dân của ông tâu lên vua hầu hết không được triều đình chấp nhận, mà có khi còn bị một số quan lại, cận thần tìm cách hãm hại.

Tư tưởng nhân văn cao cả với những đề xướng cải cách táo bạo trong cuộc đời làm quan của mình đã thể hiện rõ ông là người tiên phong cho tư duy mới của những kẻ sĩ không cam chịu với chế độ đương thời của triều đình nhà Nguyễn. Ông muốn cải cách đổi mới sự cai trị bằng những khởi xướng cách tân tiến bộ vượt qua hạn chế lịch sử đương thời.

3. Phát huy truyền thống dân tộc, gìn giữ độc lập và quan hệ tốt với ngoại bang là nét mới của tư tưởng Nguyễn Công Trứ thời bấy giờ

Dân tộc ta phát triển không ngừng, gắn liền với công cuộc khai phá mở mang đất mới và chiến đấu dũng cảm tự bảo vệ. Tổ tiên cha ông ta đã tạo nên sự nghiệp sáng ngời trên phương diện đó, nhưng điểm lại những người có công khởi xướng, chỉ huy tổ chức khai phá để lập nên hai huyện như là Tiền Hải, Kim Sơn ngày nay đang thành vựa lúa quan trọng của 2 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình như Nguyễn Công Trứ, quả thật hiếm hoi trong lịch sử.

Tinh thần dân tộc còn thể hiện qua thơ ca của ông. Ông là một nhà thơ xuất sắc nhưng Nguyễn Công Trứ không định làm thơ để trở thành một thi nhân. Ông làm thơ là để gửi gắm, giải bày tâm sự với đời. Là một vị giải nguyên giỏi chữ Hán nhưng làm thơ thì toàn thơ Nôm (trừ một bài Tự thọ). Ngôn ngữ dân dã được đưa vào thơ đã làm cho thơ ông đi vào quần chúng quảng đại. Ông khai thác thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ đường luật... nhưng nhiều nhất là ca dao tục ngữ, làm câu đối và đặc biệt là thể loại ca trù. Nguyễn Công Trứ thật sự là nhà thơ có công làm cho ca trù trở thành thể thơ hoàn chỉnh, linh hoạt, nhiều âm sắc, tạo thêm phong phú về nội dung, đề cập đến nhiều vấn đề xã hội. Nâng ca trù lên thành một thể loại thơ ca của dân tộc, phải chăng là công đầu thuộc về Nguyễn Công Trứ.

Vua Minh Mạng và triều đình nhà Nguyễn thấy rõ Uy Viễn Tướng công có tài năng nhiều mặt và lòng trung thành với nước, với vua cao độ, nên cử ông sang trấn Tây Thành để trấn giữ. Ông đã từng giữ chức “Tán lý cổ vụ” sau được thăng chức “Tham tán đại thần” (chức lớn thứ 2 ở trấn Tây Thành). Sau những năm tháng chỉ huy quân đội trấn giữ và đánh dẹp, ông đã thấy cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh này và cảm nhận những nỗi đau thương mất mát của Nhân dân hai nước... Trong ông dần dần nảy sinh, hình thành tư tưởng lớn: Tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia và chống xâm lược áp bức dân tộc, điều mà từ xa xưa đến lúc đó chưa có nho sĩ nào dám nói thẳng ra. Uy Viễn Tướng công với tấm lòng vì nước vì dân, đã dám chịu trách nhiệm, dám chịu tội trước vua, trước triều đình nhà Nguyễn xin được kéo quân về nước canh giữ biên cương, lập mối bang giao hữu hảo với nước láng giềng. Những đề xuất của ông về quan hệ đối ngoại không được Vua Thiệu Trị chấp nhận. Ông đã bị triều đình nhà Nguyễn kết tội chém, nhưng giam lại đợi lệnh... May sao nhờ các trung thần can ngăn và thực tiễn đã chứng minh lời đề xuất của ông là đúng, nên Nhà vua đã xoá án cho ông.

Ý thức vì độc lập dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn luôn thôi thúc ông hành động. Đỉnh cao sáng người của ý thức dân tộc là khi được tin quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng (1858), mặc dù đã 80 tuổi, Uy Viễn Tướng công vẫn tha thiết dâng sớ lên Vua Tự Đức xin đi đánh giặc để giữ gìn độc lập của Tổ quốc. Ông nói: “Thần nay như cái màn, cái lọng rách cũng không hề nản chí - còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay”. Đáng tiếc thay tháng 11 năm đó, Nguyễn Công Trứ qua đời.

Nêu lên vài điều suy nghĩ về Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ thật là chưa đủ đối với toàn bộ sự nghiệp và tư tưởng lớn của ông. Dẫu sao đây cũng là một hướng tìm tòi, mong được tiếp tục nghiên cứu để ngày càng hoàn chỉnh, đầy đủ và công bằng đối với một vĩ nhân toàn tài có tư tưởng lớn, hướng tới sự cách tân, vượt khỏi sự gò bó trong tầm vóc của thời đại ông.


    Ý kiến bạn đọc