Trận núi Nài ngày 26/3/1965, thắng lợi mở đầu của quân dân Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ
EmailPrintAa
10:31 25/03/2019

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Nhân dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược cũng có bước phát triển mới. Những đòn tiến công của bộ đội chủ lực trong Đông - Xuân 1964-1965 đã đẩy cuộc “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam đến nguy cơ bị thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đổ quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam để tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ”, đồng thời chuẩn bị tích cực cho việc mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá tiềm lực kinh tế quốc phòng, phá công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc, từ miền Bắc vào miền Nam, uy hiếp tinh thần, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ của Nhân dân ta ở hai miền đất nước.

Ngày 05/8/1964, sau khi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc như sông Gianh (Quảng Bình), Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh).

Ngày 7/02/1965, lấy cớ trả đũa việc Quân giải phóng miền Nam tiến công doanh trại Mỹ ở Pleiku, Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Vĩnh Linh)... chính thức gây ra cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

Trận địa dưới chân Núi Nài

Sau thất bại nặng nề trong 2 chiến dịch “Mũi lao lửa” và “sấm rền” ở trận tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị) và vĩ tuyến 19 trở ra, đặc biệt là sau những trận thua đau từ các phi vụ đánh phá miền Bắc, giới cầm quyền Mỹ cho rằng sự tổn hại của không lực Hoa Kỳ vừa qua chính là do hệ thống Ra - đa của Bắc Việt Nam. Bởi vậy, Tổng thống Mỹ Giôn - Xơn quyết định mở chiến dịch trở lại oanh tạc miền Bắc, chú trọng việc phá hoại hệ thống Ra - đa, thần kinh điện tử đầu não của Bắc Việt, trong đó có hệ thống Ra - đa khu vực miền Trung - nhịp cầu nối giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam.

Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có Trạm Ra của Quân chủng Phòng không - Không quân bố trí tại Núi Nài, thuộc thị xã Hà Tĩnh, nay là phường Đại Nài - thành phố Hà Tĩnh.

Trạm Ra - đa Núi Nài nằm ở độ cao gần 80m so với mặt nước biển, án ngự phía Đông Nam thị xã Hà Tĩnh, cách không xa với quốc lộ 1A, tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam, gần Cầu Phủ bắc qua Sông Phủ - vị trí chiến lược xung yếu trên tuyến giao thông huyết mạch của cả nước. Từ vị trí và đặc điểm trên, Trạm Ra - đa Núi Nài đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ thị xã cũng như bảo đảm huyết mạch giao thông của hậu phương ra tiền tuyến. Từ đó Trạm Ra - đa Núi Nài cũng đã trở thành mục tiêu quan trọng mà kẻ địch thường xuyên chú ý và quyết tâm xoá bỏ.

Quyết tâm của ta là phải bảo vệ bằng được Trạm Ra - đa Núi Nài để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu của các đơn vị lực lượng vũ trang và bảo đảm giữ vững tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh.

Trong các ngày từ 13 đến 23 và ngày 24/3/1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục loạt máy bay chiến đấu tấn công vào Trạm quan sát Hải quân, Đồn Công an vũ trang 112 ở Đèo Ngang, Kỳ Anh và Trạm ra - đa Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh), Trạm Ra - đa Đồng Hới (Quảng Bình).

Ngay sau khi 2 trạm ra - đa Vĩnh Chấp, Đồng Hới bị tấn công, Bộ Tư lệnh Phòng không đã lệnh cho chỉ huy Trung đoàn 290 Ra - đa đóng tại Nghệ An vào phối hợp cùng Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh xây dựng phương án tác chiến đánh máy bay địch, bảo vệ Trạm Ra - đa ở Núi Nài.

Công tác chuẩn bị chiến đấu diễn ra rất khẩn trương. Hệ thống Ra - đa trên Núi Nài được kịp thời di chuyển đến nơi an toàn (Cồn Cồ, xã Thạch Quý), vị trí lắp đặt Ra đa cũ trên Núi Nài được thay thế bằng cụm Ra - đa giả được thiết kế bằng gỗ nhằm nhử cho máy bay địch lao xuống oanh tạc để tiêu diệt.

Công việc chuẩn bị làm Ra - đa giả ngay lập tức được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan Tác chiến, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh và sự tham gia tích cực của tự vệ, công nhân xí nghiệp gỗ (có sự tham gia của các thợ mộc có tay nghề giỏi của xã Thái yên, Đức Thọ) cùng dân quân xã Đại Nài. Từ đêm 24/3 đến 12h trưa ngày 25/3 trạm Ra - đa giả đã được chế tác hoàn tất và được dựng lên tại Núi Nài. Nhân dân tại các khu vực trọng điểm của thị xã được sơ tán đến nơi an toàn.

Được quân khu tăng cường lực lượng, tỉnh đã tổ chức 5 cụm trực chiến trong khu vực thị xã và 7 cụm chiến đấu ở các xã phụ cận như Thạch Yên, Đại Nài, Thạch Phú, Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Quý, Thạch Hưng. Lực lượng tham gia chiến đấu trực tiếp bảo vệ Ra - đa ở Núi Nài gồm các đơn vị: Đại đội pháo cao xạ 37 ly của tỉnh mới được thành lập, do đồng chí Trần Mai (quê ở Bình Định) làm Đại đội trưởng, đồng chí Dương Chí Uyển (quê ở Thạch Hội, Thạch Hà) làm Chính trị viên; Trung đội súng máy cao xạ của dân quân tự vệ thị xã Hà Tĩnh cùng các Trung đội dân quân của các xã Thạch Yên, Đại Nài, Thạch Phú, Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Quý, Thạch Hưng. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân điều Tiểu đoàn 8, học viên Trường Sĩ quan phòng không từ Quảng Bình ra và 1 Trung đội 12 ly 7 từ Nghệ An vào tăng cường hoả lực chiến đấu cho Hà Tĩnh. Ngành Bưu điện cùng Ban Thông tin của Tỉnh đội được giao nhiệm vụ đảm bảo công tác thông tin liên lạc và chỉ huy chiến đấu. Hệ thống thông tin chỉ huy được nối với hệ thống truyền thanh trên toàn khu vực thị xã để vừa chỉ huy chiến đấu vừa hướng dẫn Nhân dân sơ tán. Công tác đảm bảo chiến đấu như tiếp đạn tải thương, hậu cần cơ động trên trận địa giao cho lực lượng dân quân tại chỗ.

Ngay sau khi nhận được lệnh của cấp trên về việc kẻ địch chuẩn bị đánh phá Ra - đa ở Hà Tĩnh, lệnh sẵn sàng chiến đấu từ Sở Chỉ huy đặt ở Ban Chỉ huy quân sự tỉnh được nhanh chóng phổ biến đến tận các cụm chiến đấu và các lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Thế trận đã sẵn sàng chờ đợi địch.

Đúng như nhận định và sự chuẩn bị của ta, vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 26 - 3 - 1965, đế quốc Mỹ đã huy động 26 chiếc máy bay chiến đấu gồm: AD6, F105, F4H, F8U... chia thành nhiều tốp bay vòng lên phía Tây rồi vòng lại thi nhau lao xuống bắn phá xối xả Núi Nài và khu vực xung quanh bằng 2 đợt công kích, mỗi đợt kéo dài trên 20 phút. Chúng điên cuồng trút bom đạn xuống Núi Nài và các vùng lân cận. Khi đó cả thị xã rung chuyển, mọi thứ đều bao phủ bởi bụi mù. Chỉ riêng Núi Nài ở dưới chân núi chỉ thấy những cuộn khói đen xen lẫn với khói vàng. Hàng trăm quả bom, đạn rốc két và liên tiếp các loạt đạn 20 ly của địch bắn xuống các trận địa. Đặc biệt, khi phát hiện hoả lực của Đại đội pháo 27 pháo cao xạ, chúng tập trung tấn công dồn dập. Thị xã Hà Tĩnh rung chuyển trong tiếng bom rền, đạn réo, khói bụi mù mịt cùng với lưới lửa đỏ trời của hệ thống phòng không của ta, bao gồm súng trường, tiểu liên, đại liên và pháo cao xạ. Đại đội trưởng, chính trị viên, pháo thủ, trắc thủ của Đại đội 27 bị thương, nhưng không một ai rời vị trí chiến đấu. Dưới làn đạn của địch, dân quân các xã, tự vệ xí nghiệp mộc, xí nghiệp bánh kẹo, các cháu thiếu nhi xóm Thành Đông, học sinh và thầy giáo trường cấp 3 Phan Đình Phùng đã nhanh chóng có mặt, chạy qua lại như những con thoi tiếp đạn, tải thương, sửa chữa, nguỵ trang công sự trận địa phục vụ chiến đấu.

Sau hơn 40 phút giao tranh quyết liệt, quân dân thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ. Bị thất bại thảm hại tại trận địa Núi Nài, chúng lại tiếp tục kéo nhau vào đánh phá khu vực Đèo Ngang (Kỳ Anh). Lực lượng chiến đấu tại chỗ của ta đã anh dũng chiến đấu ngoan cường, tiếp tục bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay Mỹ bị quân, dân Hà Tĩnh bắn rơi trong chiều ngày 26/3/1965 lên 12 chiếc.

Sau trận đầu thắng lớn này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã gửi điện cho Tỉnh uỷ Hà Tĩnh với nội dung: “Hoan nghênh tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân Hà Tĩnh đã đánh tốt, thắng to trận đầu”. Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cũng gửi thư khen ngợi và tuyên dương công trạng của quân dân Hà Tĩnh.

Chiến thắng trận đầu đánh Mỹ 26 - 3 - 1965 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cao trào chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần giải toả tâm lý hoang mang sợ Mỹ, ngại hy sinh gian khổ trong một bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân.

Thắng lợi trận đầu đánh Mỹ còn minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, sức mạnh đoàn kết phối hợp chiến đấu, khả năng chuẩn bị lực lượng và thế trận, lựa chọn phương thức đánh máy bay địch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và trên hết là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Hà Tĩnh trong một thế trận không hề tương quan giữa ta và địch. Chiến thắng ấy đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ đúng như cảm nhận của nhà thơ Duy Thảo: “Quê hương ơi! chiều nay nghe náo nức/Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng/Hà Tĩnh quê ta trận đầu thắng Mỹ/Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng...”.

Cuộc chiến đấu của quân dân thị xã Hà Tĩnh và Đèo Ngang đã diễn ra nhanh chóng và quyết liệt, địch bị đánh đau, ta giành thắng lợi lớn và ít tổn thất. Thắng lợi của trận 26-3-1965 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta và tinh thần đoàn kết, hợp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa ba thứ quân, giữa quân và dân trong tỉnh. Đây cũng là thắng lợi của công tác tuyền truyền, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm, chuẩn bị lực lượng, thế trận, lựa chọn phương thức tác chiến đánh máy bay địch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thị ủy thị xã Hà Tĩnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang.


    Ý kiến bạn đọc