Trò chuyện với "liệt sỹ sống" Điện biên phủ
EmailPrintAa
10:01 07/05/2014

Ngày 7/5/1954, khi lá cờ Tổ quốc phất cao trên nóc hầm tướng Đờ - cát - tơ - ri (De Castries), đánh dấu chiến thắng của quân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ - Một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 60 năm sau, những người lính từng làm nên chiến thắng lịch sử đó đến nay nhiều người đã mất, số còn lại cũng đã bước sang “tuổi xưa nay hiếm”, tuy nhiên ký ức về chiến thắng ngày ấy vẫn vang mãi trong tâm trí của mọi người. Nhân kỷ niệm 60 năm, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ chúng tôi đã tìm và gặp được một trong những chiến sỹ Hà Tĩnh đã cùng quân ta chiến đấu tại đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ để nghe ông kể lại những kỷ niệm năm xưa…

Nghe tiếng gọi cửa, bác sỹ Mậu niềm nở ra tận cổng mời khách vào nhà. Bác tự tay rót nước mời khách rồi ân cần hỏi han sức khỏe, quê quán, hoàn cảnh gia đình... Cử chỉ, lời nói của ông nhẹ nhàng, thân mật, tạo cho người đối diện cảm giác dễ chịu và vơi bớt nỗi lo âu. Đã nhiều năm rồi, người dân Thành phố Hà Tĩnh biết ông, mỗi khi bị ốm đau, bệnh tật thường hay tìm đến Bác sỹ Mậu để được ông tư vấn, giúp đỡ và chăm sóc sức khỏe.

Ngoài là bác sỹ được nhiều người biết đến, ông còn là một Cựu Chiến binh, thương binh, năm nay đã 81 tuổi, một chiến sỹ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù đã bước qua tuổi 80, nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn, ông có thể kể ra rất nhiều loại thuốc chữa bệnh, cả Đông y, Tây y kết hợp đặc trị cho những loại bệnh phổ biến ở người già như bệnh Tiểu đường, Thần kinh, viêm khớp... Đặc biệt, khi biết tôi muốn hỏi chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ thì giọng ông sôi nổi hẳn lên: Hồi đó chúng tôi còn trẻ lắm, tuổi 18, đôi mươi, nghe theo tiếng gọi của Đảng lên đường đánh Pháp. Tôi là lính của Đại đoàn 316, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1.

Đồi A1 có vị trí quan trọng đặc biệt trong phòng tuyến bảo vệ cứ điểm của Tập đoàn Đờ - cát - tơ - ri. Muốn tiến vào sào huyệt của địch thì trước hết phải đánh chiếm được đồi A1. Do vậy, quân Pháp đã xây dựng đồi A1 trở thành cụm đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật, vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai. Đại đoàn chúng tôi đã tổ chức 2 đợt tấn công nhưng chỉ mới chiếm được một nửa quả đồi. Khó khăn, nguy hiểm, thương vong nhiều nhưng anh em không hề nản chí, thức cả đêm bí mật đào hào, vận chuyển vũ khí, quyết chiến đấu với kẻ địch. Phải đến đợt tấn công lần thứ 3 vào ngày 6 tháng 5 năm 1954 và nhờ khối bộc phá nặng hơn 1 tấn được bí mật đưa vào lòng đồi mới phá sập được hệ thống hầm ngầm của địch. Ngay sau khi khối thuốc nổ kích nổ, Đại đoàn mới làm chủ được đồi A1, đồng thời mở rộng cánh cửa để các lực lượng khác tiến vào đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của quân địch, bắt sống tướng Đờ cát tơ ri, kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ…

Kể đến đó, giọng ông tự nhiên nghẹn ngào, nức nở. Ông tháo kính dụi dụi đôi mắt ngấn lệ, rồi thổn thức: “Thương anh em đồng đội quá, người còn sống thì giờ đều đã ngoài 80, người nào mất thì cũng đã 60 năm rồi. Vị tổng tư lệnh chiến dịch cũng vừa mới ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, chiến sỹ. Khi biết tin Đại tướng mất, những người lính Điện Biên Phủ hồi đó đã khóc, tôi phải nhờ con cháu dìu vào tận Vũng Chùa để viếng mộ Đại tướng…”.

Chờ cho ông qua những giây phút xúc động, tôi gặng hỏi: Dạ, thưa bác sỹ Mậu, được biết bác là một thương binh nặng hạng 1/4, bác có thể kể về trận chiến đấu cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại: Trong đợt tấn công lần thứ 3 để giải phóng đồi A1, tiểu đội của ông vinh dự cùng với một số đơn vị nhận nhiệm vụ vận chuyển khối bộc phá hơn 1 tấn vào vị trí bí mật. Do anh em ốm đau nhiều nên có khi ông phải cáng trên đôi vai của mình hàng tạ thuốc nổ. Sau đó, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đột phá và trực tiếp châm ngòi cho quả bộc phá nặng hơn 1 tấn phát nổ rung chuyển cả đồi A1. Trong khi cùng tiểu đội xông lên, ông bị địch bắn thủng phổi và làm gãy 6 xương sườn, máu ra nhiều rồi nằm bất tỉnh. Do chiến trường đang diễn ra ác liệt, nên ông được bộ phận cứu thương băng bó và đưa về tuyến sau. Đến chiều tối mồng 6/5/1954, đồi A1 được hoàn toàn giải phóng, đơn vị kiểm tra quân số và báo lên cấp trên: đồng chí Ngô Sỹ Mậu đã “hy sinh”. Giấy báo tử sau đó được đơn vị gửi về địa phương (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - PV).

Sau hơn 1 năm điều trị tại trại an dưỡng, vết thương của ông tuy chưa lành, nhưng vẫn được đơn vị cho về phép thăm nhà. Vừa bước vào nhà, Ông sững sờ và ngạc nhiên khi thấy tấm bằng “Tổ quốc ghi công” với cái tên: Liệt sỹ Ngô Sỹ Mậu, được gia đình treo cẩn thận giữa nhà. Bố, mẹ, anh em ruột thịt, bà con làng xóm thấy ông trở về đầy xúc động, không tin là ông còn sống trở về. Sau giây phút đoàn tụ gia đình, làng xóm, ai ai cũng cố gắng bắt ông kể về những tháng ngày chiến đấu gian khổ nhưng đầy hào hùng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Không ai không xúc động khi được nghe về những chiến tích oanh liệt mà những người lính cụ Hồ đã làm được tại chiến trường. Xúc động hơn nữa, khi nghe ông kể về quyết tâm của quân ta, những gương anh dũng hi sinh để làm nên chiến thắng lịch sử ấy. Đêm đầu tiên trở lại mái nhà xưa, nơi ông lớn lên không phải là đêm nằm nghỉ, mà là đêm ông đã kể lại những chiến công của những gương anh dũng trong chiến đấu, những kỳ tích của quân đội ta đã khắc sâu vào tâm trí của mọi người... Ông bồi hồi nhớ lại những ánh mắt lo lắng khi đồng đội gặp phải những khó khăn; bừng sáng tự hào khi chúng ta giành chiến thắng; những giây phút đó, những ánh mắt đó đến tận bây giờ ông vẫn không quên. Tự hào bao nhiêu, ông lại thấy thương đồng đội, những gương anh dũng đã hi sinh tại chiến trường; cũng thấy mình may mắn khi còn quay lại quê hương và nhìn thấy những gương mặt thân quen; cũng đêm đó ông thầm quyết tâm phải sống cho thật tốt, cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn. Đó cũng là niềm tin, là động lực để ông vững bước trên con đường đi tới.

Về nhà một thời gian, “Liệt sỹ sống” ở Điện Biên Phủ được đơn vị quan tâm cho đi học y tá, rồi tiếp tục được đào tạo thành y sỹ, Bác sỹ. Ở cương vị nào, thời điểm nào, ông cũng luôn chăm lo rèn luyện, giữ vững phẩm chất Anh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ông chia sẽ: “Tôi đã trải qua rất nhiều đơn vị công tác, từ y tá rồi phấn đấu học tập trở thành Bác sỹ, chữa bệnh bằng phương pháp Đông, Tây y kết hợp giúp cho nhiều người bệnh giảm bớt được chi phí và điều trị có hiệu quả. Tôi luôn tự hào mình là người lính trực tiếp chiến đấu trên đồi A1, được Bác Hồ tặng huy hiệu Điện Biên Phủ. Tôi thường dặn con cháu hãy luôn nhớ về lịch sử để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn với công lao của thế hệ cha anh. Tội mong mình có sức khỏe thật tốt để còn tiếp tục phục vụ cho bà con nhân dân và đồng đội của tôi…”.


    Ý kiến bạn đọc