Truyền thống giáo dục của gia đình là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hình thành phẩm chất cách mạng của V.I.LêNin
EmailPrintAa
07:29 22/04/2023

Vladimir Ilych Lenin (V.I.Lênin) sinh ngày 22/4/1870 tại Simbirsk (nay là Ulianovsk, nước Nga). Xuất thân trong một gia đình trí thức Nga tiến bộ. Cả sáu anh chị em của ông được gia đình nuôi dưỡng, giáo dục theo quan điểm bố mẹ hướng dẫn, gợi mở còn bản thân phải tự chủ, độc lập trong tư duy và hành động. Chính hoàn cảnh xuất thân, nền tảng giáo dục của gia đình đã tạo nên cơ sở hình thành những phẩm chất cách mạng của Vladimir Ilych Lenin về sau này.

V.I.Lênin  (Ảnh: Internet)

Bố ông - Ilya Nikolaevich Ulyanov là giáo viên toán học và vật lý, về sau chuyển sang làm thanh tra của ngành giáo dục. Với tư cách là một nhà hoạt động ở lĩnh vực giáo dục, ông Ilya Nikolaevich Ulyanov rất say sưa, đam mê với nghề nghiệp; luôn trăn trở để làm sao mở rộng nền dân chủ và giáo dục đại chúng miễn phí đến tất cả người dân Nga. Mẹ của Vladimir Ilyich Lenin là người có những phương pháp giáo dục con rất đặc biệt. Bà Maria Alexandrovna đã hướng cho con mình tiếp cận các thứ tiếng khác nhau theo một cách thức riêng nhưng lại rất hiệu quả. Bà đã tự tay làm công cụ học ngoại ngữ cho con bằng cách ghi phía sau các bức tranh nhỏ là các từ vựng của các nước khác nhau. Đồng thời đặt ra nguyên tắc là tất cả các thành viên của gia đình sẽ cùng sử dụng một thứ tiếng vào các ngày quy định, ai vi phạm sẽ chịu hình phạt cụ thể. Qua sự hướng dẫn học tập, thực hành từ người mẹ mà cả sáu người con đều thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau trong đó V.I.Lênin rất giỏi tiếng Latinh và Hy Lạp. So với các thành viên khác, ông có khả năng vượt trội hơn hẳn về việc ghi nhớ các từ mới và đọc sách ngoại ngữ. Bên cạnh đó, người anh cả - Alexander Ulyanov là người luôn hăng hái, nhiệt tình trong những hoạt động ở phong trào sinh viên đã ảnh hưởng rất nhiều đến V.I.Lênin. Ông luôn cố gắng, nỗ lực học tập theo tấm gương của anh mình. Thông qua gia đình và người thân, Lênin được đón nhận. tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ độc tài Nga hoàng một cách tự nhiên.

Ngay khi còn trẻ tuổi,V.I Lênin đã lựa chọn đi theo con đường cách mạng, theo chủ nghĩa Marx. Bởi lẽ, năm 1887 Vladimir Ilyich Lenin vừa tốt nghiệp phổ thông trung học ở thành phố Simbirsk, được tuyển thẳng vào đại học cũng là thời điểm anh trai Alexander Ulyanov (sinh viên trường Đại học Tổng hợp St. Petersburg) bị bắt và bị xử tử vì kế hoạch ám sát Sa hoàng Alexander III. Khi Alexander bị kết án và bị xử tử, cả gia đình V.I.Lênin phải nhiều lần chuyển chỗ ở rồi mới đến sống ở ngôi nhà gỗ ở Kazan vào giữa năm 1887. Đối với Lênin, anh trai Alexander Ulyanov là người mà ông ngưỡng mộ lúc còn nhỏ, lớn lên chứng kiến sự hy sinh của anh mình đã nhen nhóm trong lòng chàng trai Vladimir Ilyich Lenin về định hướng chính trị cho tương lai. Tháng 8/1887, V.I Lenin được nhận vào học năm thứ nhất Khoa Luật Đại học Tổng hợp Kazan. Trong thời gian này, ông tham gia vào một nhóm Marxist. Môi trường sinh viên đã tạo ra những yếu tố giúp V.I.Lênin bộc lộ thiên hướng cách mạng, ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về các vấn đề chính trị. Nhưng vào 04/12/1887, hội trường Đại học Tổng hợp Kazan đã bùng nổ cuộc phản kháng, hưởng ứng làm sóng đấu tranh của sinh viên trên toàn nước Nga với sự tham gia của hơn 300 sinh viên. Chỉ vài ngày sau đó, Vladimir Ilyich và những sinh viên đã viết đơn xin thôi học bị bắt và đầy đến làng Kokushkino. Chính trong quãng thời gian lưu đày tại Kokushkino, ông bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu một cách có hệ thống văn học xã hội và chính trị, đặc biệt là các tác phẩm của các nhà dân chủ cách mạng Nga. Chernyshevsky là một tác giả được Lênin tìm đọc từ đó tiếp cận gần hơn với chủ nghĩa duy vật, với triết học. Và cũng thời gian từ tháng 12/1887 đến tháng 9/1888 ở Kokushkino, ông đã nỗ lự tự học để hoàn thành chương trình Luật 4 năm, để vào năm 1891, V. I. Lênin trả thi xuất sắc để tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Tổng hợp St. Petersburg. Đến năm 1893 trở thành người lãnh đạo nhóm mácxít ở Saint Petersburg và một năm sau đó thì gia nhập vào Đảng Xã hội Dân chủ Nga, trờ thành một trong những nhà tổ chức, lãnh đạo cách mạng Nga. Ông tốt nghiệp đại học luật với thành tích vượt trội là điều kiện thuận lợi để có một công việc phù hợp vừa có địa vị danh vọng cũng như tiền bạc. Tuy vậy, ông đã lựa chọn con đường hoạt động cách mạng như anh trai mình với mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc cho đông đảo quần chúng nhân dân. Vi sự lựa chọn ấy nên dù có bao nhiêu khó khăn, đày ải trong cuộc đời cách mạng vẫn luôn vẹn nguyên cốt cách người cộng sản.

Ông là người đã có công lao to lớn trong cho việc bảo vệ và phát triển học thuyết Chủ nghĩa Mác bằng những hoạt động lý luận cũng như những hoạt động thực tiễn cách mạng. Một trong những cống hiến to lớn của V.I.Lênin đối với sự nghiệp phát triển của học thuyết Mác, với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân là đưa ra lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Đồng thời V.I.Lênin là người mácxít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Ông đưa ra những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết, đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP) đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, giúp chính quyền Xô viết non trẻ có thể đứng vững và hồi sinh nước Nga xã hội chủ nghĩa .

V.I. Lênin qua đời ngay 21/4/1924 lúc mới 54 tuổi nhưng chặng đưởng 30 năm hoạt động cách mạng và hơn 9.000 tác phẩm của ông để lại vô cùng quý giá cho nhân loại. Hiện nay thi hài của ông vẫn được bảo quản, cất giữ trong lăng Lênin trên Quảngtrường Đỏ, Mátxcơva đồng thời tên 01 tỉnh của Nga được đặt theo tên ông là Leningrad, gần cố đô Saint Petersburg - nơi V.I.Lênin lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười; thành phố quê hương ông thì được đặt tên là Ulyanovsk. Thời gian đã trôi qua, thời đại và xã hội cũng biến đổi mau chóng nhưng những giá trị từ kho tàng di sản đồ sộ về tư tưởng, lý luận, tinh thần và chính trị thực tiễn của V.I.Lê-nin đối với cách mạng thế giới, những bài học về đạo đức cách mạng của ông vẫn vẹn nguyên. Tấm gương về xác lập lập bản lĩnh cách mạng, vững vàng về nguyên tắc tính đảng, về tư duy chiến lược và về đạo đức trong sáng cộng sản chủ nghĩa ở V.I.Lênin phần nào được hình thành nhờ sự hấp thụ truyền thống giáo dục từ gia đình. Việc xây dựng văn hóa đạo đức của gia đình và văn hóa đạo đức xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Xác định rõ điều đó lần đầu tiên nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam được đưa vào trong nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhằm thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Và qua đó cũng cho chúng ta nhận thức rõ và vận dụng tốt việc phát huy vai trò của gia đình đối với về hình thành môi trường giáo dục đạo đức cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

Tài liệu tham khảo

1. Viện Mác - Lê-nin (1990), Chủ nghĩa Lê nin và công cụộc đổi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội 1990.

2.  V. I. Lê-nin (2005), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1

3. Hồ Chí Minh (1977), Về Lê-nin và chủ nghĩa Lê-nin, Nxb. Sự thật, H.1977, tr. 73

Phan Thị An Phú

    Ý kiến bạn đọc