Tuyên ngôn độc lập - “Bài diễn văn làm thay đổi thế giới”
EmailPrintAa
21:54 01/09/2022

Thật tự hào và cũng như một lẽ đương nhiên, trong 35 bài diễn văn “làm thay đổi thế giới” có bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chiều ngày 2.9.1945. Bài được xếp ở vị trí thứ hai, theo trình tự thời gian.

Lịch sử nhân loại từng chứng kiến những bài diễn văn đánh dấu một kỷ nguyên, thức tỉnh một dân tộc hay làm lay động mọi trái tim. Những bài diễn văn như thế không chỉ tác động trực tiếp đến công chúng đương thời, mà còn có ảnh hưởng lâu dài đến lịch sử, truyền cảm hứng, thậm chí làm ánh sáng soi đường cho các thế hệ sau. Vì thế, chúng xứng đáng được lưu truyền, phổ biến, soi chiếu về nhiều góc độ, từ văn bản, bối cảnh cho đến tác giả, để làm bật nổi ý nghĩa, giá trị và những bài học lịch sử có thể rút ra.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - bức ảnh được chọn in trong sách
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - bức ảnh được chọn in trong sách

Cuốn “Những bài diễn văn làm thay đổi thế giới - từ 1945 đến nay” chính là một nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu nói trên. Cuốn sách gồm 35 bài phát biểu, diễn từ của các chính khách và nhà hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có nhà khoa học, nhà văn, kiến trúc sư, nhà truyền giáo, doanh nhân, người dẫn chương trình trò chuyện trên truyền hình, cả một cô gái, ở tuổi vị thành niên, đã kiên định đấu tranh vì quyền được đi học của trẻ em gái, bất chấp nguy cơ bị những kẻ cực đoan khủng bố.

Những tiếng nói bảo vệ chân lý, thúc đẩy hòa bình, ủng hộ tự do, dân chủ

Được xếp theo trình tự thời gian, cuốn sách bắt đầu với bài phát biểu của Charles de Gaulle trên đài phát thanh ngày 8.5.1945, Tuyên bố Thế chiến II kết thúc. “Cuộc chiến đã thắng lợi” - diễn từ của người đứng đầu Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp mở đầu thật đĩnh đạc nhưng cũng đầy hoan hỉ. Kể cũng dễ hiểu. Thế giới vừa dẹp tan một cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất và cũng tàn bạo vào bậc nhất lịch sử từng chứng kiến. Kẻ thù hung bạo nhất của loài người - chủ nghĩa Quốc xã Đức  - đã bị đánh bại. Mặc dù khắp nơi còn hoang tàn, chưa biết bao giờ cuộc sống mới yên vui trở lại, nhưng chiến thắng đã đem lại tất cả, nhất là niềm tin vào tương lai.

Các tác giả quả đã khéo chọn bài diễn văn đứng ở vị trí mở đầu cho cuốn sách. Để rồi, như một sự ngộ ra, những gì tiếp theo sẽ cho thấy thế giới phức tạp - và cả bất định nữa - hơn nhiều những gì con người ta thường kỳ vọng. Thực tế, đó chính là điều lịch sử thế giới sẽ cho thấy trong suốt những năm sau, cũng như được phản ánh khá xác thực qua những bài tiếp theo trong cuốn sách.

Bìa cuốn “Những bài diễn văn làm thay đổi thế giới - Từ 1945 đến nay”
Bìa cuốn “Những bài diễn văn làm thay đổi thế giới - Từ 1945 đến nay”

Chỉ ít tháng sau lời tuyên bố nói trên của de Gaulle, nhân loại lại đứng trước nguy cơ chia rẽ, khi các nước từng là đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít chia thành hai phe đối đầu nhau trong một cuộc chiến mới, âm thầm nhưng quyết liệt không kém, gọi là Chiến tranh Lạnh. Phong trào giải phóng dân tộc vừa được mở ra - trong đó có Việt Nam - liền bị các nước thực dân, đế quốc, vì quyền lợi ích kỷ của mình tìm cách ngăn chặn, đàn áp. “Một bức màn sắt đã phủ xuống ngang qua hành tinh” nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản - như lời của Thủ tướng Anh Winston Churchill trong một diễn từ đọc ngày 5.3.1946 tại thành phố Fulton nước Mỹ. Kéo theo đó là một cuộc chạy đua vũ trang, và lần này là vũ khí hạt nhân, khiến cho nguy cơ một cuộc thế chiến mới - đồng nghĩa với hủy diệt - luôn đe dọa rập rình.

Không chỉ có vậy. Nửa cuối thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nhân loại còn chứng kiến nhiều vấn nạn khác chưa được giải quyết hoặc có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Có thể kể đến nạn phân biệt chủng tộc, xung đột sắc tộc, sự đói nghèo, trẻ em không được đi học, trẻ em gái bị ngược đãi, và bao trùm lên tất cả, hiểm họa môi trường khiến hành tinh lâm nguy. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực của các nhà hoạt động, các tổ chức, cá nhân nhằm góp tiếng nói bảo vệ chân lý, thúc đẩy hòa bình, ủng hộ tự do, dân chủ, phấn đấu cho sự bình đẳng và công bằng xã hội, trợ giúp những người yếu thế… có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiết thực.

Đó là tiếng nói vững tin của lãnh tụ Cuba Fidel Castro “Lịch sử sẽ giải oan cho tôi”, khi đứng trước phiên tòa của chế độ độc tài Batista xét xử ông về “tội” chống lại chúng. Đó là tiếng nói thiết tha “Tôi có một ước mơ” của mục sư, nhà hoạt động hòa bình bất bạo động người Mỹ Luther King, người không có mong muốn gì hơn là bốn con ông một ngày kia được sống trong một đất nước nơi chúng không bị phán xét theo màu da mà theo phẩm cách của mình. Đó là lời giã biệt của Tổng thống Chile Salvador Allende “Nhân dân… không thể chịu nhục” và “sự hy sinh của tôi sẽ không vô ích” khi ông ở lại cùng những người lính trung thành bảo vệ dinh Tổng thống trong ngày Pinochet làm đảo chính lật đổ chính phủ vì người dân của ông.

Đó là tiếng nói đầy minh triết của nữ doanh nhân người Mỹ Anita Roddick, “Chúng ta không chống lại thương mại. Mà là sự bóc lột và một quyền lực không được giám sát của nó” tại Diễn đàn Quốc tế về toàn cầu hóa, khi bà chỉ ra những mâu thuẫn của sự toàn cầu hóa và đề ra một mô hình kinh doanh mới đặt con người trước lợi nhuận. Là lời chia sẻ đầy thông tuệ của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong chuyến thăm Anh quốc tháng 5.2008: “Chúng ta hãy tìm cách làm cho thế kỷ này thành một thế kỷ của đối thoại. Khi đó sẽ có một khả năng hòa bình thật sự”. Là tiếng nói quyết liệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khi ông cảnh báo cộng đồng quốc tế về hiểm họa biến đổi khí hậu, rằng thực tế, “Chúng ta đang tiến đến bên bờ vực thẳm”, nhưng đồng thời cũng vững tin “Không quá muộn để thay đổi chiều hướng này!” nếu tất cả các chính phủ đều nỗ lực hành động vì môi trường…

Ánh sáng soi đường cho nhân dân Việt Nam, nguồn cổ vũ các dân tộc bị áp bức

Thật tự hào và cũng như một lẽ đương nhiên, trong 35 bài diễn văn “làm thay đổi thế giới” ấy có bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chiều ngày 2.9.1945. Bài được xếp ở vị trí thứ hai, theo trình tự thời gian.

Theo cơ cấu của cuốn sách, mỗi bài đều gồm một trang giới thiệu về tác giả, và tối đa ba trang đăng nội dung văn bản, trong đó có một góc dành cho “lý lịch trích ngang” của “nhân vật”. Ngoài ra là hai trang ảnh, tất cả đều khổ lớn, đặc tả chân dung nhân vật và phản ánh sự kiện. Văn bản Tuyên ngôn Độc lập, do dung lượng, phải bỏ bớt một đoạn, điều cũng xảy ra với nhiều bài diễn văn khác. Còn cơ bản là được giữ nguyên. Từ câu mở đầu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” đến câu cuối: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Chúng ta, những người đọc Việt đã qua cấp học phổ thông, đều thông thuộc văn bản này do đã được học trong chương trình Văn lớp 12. Chúng tôi thiết nghĩ không cần trích dẫn thêm).

Tuyên ngôn độc lập - “Bài diễn văn làm thay đổi thế giới”
Bức ảnh được chọn in trong cuốn “Những bài diễn văn làm thay đổi thế giới - từ 1945 đến nay”

Hình ảnh là một phần nội dung đặc biệt quan trọng của cuốn sách. Nhiều bức ảnh về các nhân vật và sự kiện thực sự có thể coi là những tác phẩm không chỉ đẹp về nghệ thuật mà còn có nội dung tư tưởng sâu sắc. Với phần về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác giả cuốn sách đã thật khéo chọn hai bức ảnh của Người. Một là bức chân dung Chủ tịch với ánh nhìn soi rọi, khi nơi mỗi con ngươi như có hai đốm sáng mang tất cả tinh anh. Bức thứ hai là hình ảnh Bác gặp gỡ bà con nông dân ngay giữa cánh đồng lúa chín sau chín năm kháng chiến, như một minh chứng rõ nét nhất những gì mà Tuyên ngôn Độc lập đã đem lại: Người Việt Nam hoàn toàn có quyền hưởng ấm no, có cơm ăn áo mặc, khi họ quyết đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, tự giành lấy quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình.

Vô hình trung, tất cả đã làm toát lên một thông điệp: bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc, không chỉ là ánh sáng soi đường cho nhân dân Việt Nam trên bước làm chủ vận mệnh của mình, mà còn là nguồn cổ vũ các dân tộc bị áp bức trong phong trào giành độc lập những năm 1950 - 1960, nổ ra như một phản ứng dây chuyền được kích hoạt bởi tấm gương Việt Nam - Hồ Chí Minh. Điều mà nhiều nhà lãnh đạo các nước Á - Phi luôn ghi nhận…

VP

    Ý kiến bạn đọc