Tuyên ngôn độc lập và lời thề giữ nước thiêng liêng
EmailPrintAa
06:59 03/09/2013

Ngọn gió lành từ mùa Thu cách mạng và lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 68 năm trước đang dào dạt thổi khắp một dải non sông gấm vóc...

Mùa thu năm 1945, tổng khởi nghĩa thành công, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, trên lễ đài Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp đã qua, hàng ngàn năm các triều đại phong kiến chấm dứt. Một nước Việt Nam mới ra đời. Kể từ đó, mùa thu được gọi là mùa Thu cách mạng.

Tuyên ngôn độc lập và lời thề giữ nước thiêng liêng

Tuyên ngôn độc lập là một áng văn bất hủ, tiếp nối truyền thống bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính lời lẽ của tổ tiên người Mỹ, người Pháp đã ghi trong 2 bản Tuyên ngôn độc lập (1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1789): “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cách nói như thế vừa khéo léo, vừa kiên quyết. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Khi kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đọc lời thề: “Toàn thể nhân dân Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ!”, cả biển người đồng thanh hô vang: “Xin thề!”.

Lời thề thiêng liêng và tinh thần bất diệt của mùa Thu cách mạng là ngọn gió mát lành đến với khắp dải non sông yêu dấu. Tuy nhiên, niềm vui độc lập không kéo dài, nhà nước cộng hòa non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ lại phải bước tiếp vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập. Một tối mùa đông năm 1946, khi công nhân Nhà máy điện Yên Phụ cắt điện làm hiệu lệnh thì những khẩu pháo của ta tại Pháo đài Láng đã gầm vang, báo hiệu cuộc kháng chiến mới của dân tộc bắt đầu. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” một lần nữa làm bùng cháy ngọn lửa yêu nước trong trái tim toàn thể dân tộc Việt Nam. Cả nước lại cầm gươm, cầm súng để giữ gìn những giá trị thiêng liêng, giữ gìn phẩm giá của công dân một đất nước độc lập, tự do. Tổ quốc những ngày tháng bi hùng ấy, các phố phường, làng mạc đều trở thành chiến lũy ngăn bước quân thù, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp; cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện kéo dài suốt 9 năm.

Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp thất thủ trước sức tấn công như vũ bão của những người nông dân mặc áo lính Việt Nam. Nhưng rồi, cả nước lại phải bước vào cuộc thử lửa mới, đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 21 năm tiếp theo là thời gian ròng rã cả nước chung lòng giành lại sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng. Trong rừng sâu, giữa biển cả, dưới mưa bom bão đạn, cả nước hướng về thủ đô yêu dấu, nơi ấy có Trung ương Đảng, có Bác Hồ, nơi từng vang lên lời thề giữ vững nền độc lập, kể từ mùa Thu cách mạng. Vì mục tiêu, lý tưởng thiêng liêng ấy, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, trước khi ngã xuống trước bom đạn quân thù, vẫn thiết tha mong muốn “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của khát vọng độc lập dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là chiến thắng của sự gắn kết mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đại thắng mùa xuân 1975 đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH.

Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập, giao lưu với bạn bè năm châu, chúng ta hiểu rằng, đấy là quá trình đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Thế giới hiện nay chưa phải là yên ổn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vì hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn. Bên cạnh đó, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang... đang đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định các quốc gia, các khu vực. Không ít thế lực bên ngoài đang ngày đêm rình rập, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta không được một phút lơ là, mất cảnh giác. Nghìn năm hào khí thiêng liêng của kỷ nguyên độc lập từ thuở Ngô Quyền; trăm năm oanh liệt đánh bại những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất trong thế kỷ XX, giải phóng đất nước, thu non sông về một mối; gần 30 năm một vóc dáng Việt Nam thật sự khởi sắc thanh xuân trong thời đổi mới, tự tin và vững vàng đi lên khi thế nước mở ra trong cuộc hội nhập khu vực và toàn cầu.

Ngọn gió lành từ mùa Thu cách mạng và lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 68 năm trước đang dào dạt thổi khắp một dải non sông gấm vóc. “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Đây cũng chính là tuyên ngôn của nhân dân ta, của Đảng và Nhà nước ta trước thế giới hôm nay. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự tỉnh táo và sách lược khôn ngoan. Song chúng ta vững tin vào con đường đi tới, con đường hợp lòng người, đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng hưởng ứng và thực hiện sáng tạo. Đúng như nhận định của Bác Hồ: “Công việc tuy nhiều và khó khăn, nhưng lực lượng của chúng ta mạnh, vì chúng ta đoàn kết nhất trí, vì chúng ta có quyết tâm, vì nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ chúng ta, cho nên chúng ta nhất định thắng lợi”...

 

    Ý kiến bạn đọc