Vai trò của Hội nhà báo Hà Tĩnh trong tham gia quản lý, chỉ đạo báo chí trên địa bàn
EmailPrintAa
14:30 04/07/2018

Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, có vai trò tích cực trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí nước ta không ngừng phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước yêu cầu mới của cách mạng, tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của báo chí là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để công tác quản lý báo chí góp phần thúc đẩy báo chí phát triển đòi hỏi phải  có sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, của các cơ quan chức năng trong giám sát thực thi pháp luật về báo chí. Hội Nhà báo, với những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định rõ tại Điều 8 Luật Báo chí 2016 đã thực sự có một hành lang pháp lý rõ ràng để phát huy vai trò của mình trong phối hợp làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo báo chí.

Đôi điều về Báo chí Hà Tĩnh dưới góc nhìn quản lý nhà nước về báo chí

Hà Tĩnh có 7 cơ quan báo chí địa phương, gồm: Báo Hà Tĩnh, Đài PT - TH, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Thông tin - Tư tưởng, Tạp chí Khoa học, Đặc san - Hà Tĩnh người làm báo; có 5 văn phòng đại diện, 11 phóng viên thường trú, 9 phóng viên, 1 cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh bạn có thông báo hoạt động trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 242 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, 141 phóng viên, biên tập viên được cấp thẻ Nhà báo.

Nhà báo tác nghiệp

 

Nhìn chung, các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân; bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng Nhân dân, phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế; góp phần làm chuyển biến nhận thức, tạo được sự đồng thuận, giúp tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Báo chí cũng đã tập trung phản ánh những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, từ đó có những phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, không ngừng nâng cao hiệu lực của pháp luật và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Có thể khẳng định, báo chí Hà Tĩnh đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành cùng sự lớn mạnh của quê hương, đất nước, góp tiếng nói nhiệt thành và trung thực của mình vào việc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh nhà.

Bên cạnh việc đề cao điển hình, cổ vũ cái mới, đấu tranh cho cái mới thắng lợi, báo chí Hà Tĩnh cũng đã dành một phần đáng kể cho chủ đề đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Có thể nói, bằng tấm lòng vì nghĩa cả, cái tâm trong sáng của những người cầm bút, các nhà báo đã không nề hà gian khổ, thâm nhập thực tế để tạo nên những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, có thể nhận thấy, những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hóa trong một bộ phận nhà báo. Đó là sự tha hóa về đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng.

Ở Hà Tĩnh, việc cùng một thông tin được đưa trùng lắp trên nhiều tờ báo đã trở thành vấn đề đáng bàn, đặc biệt là với những thông tin vụn vặt. Một số vụ án được “xới xáo” nhiều lần để câu bài, câu view. Nhiều thông tin được đưa lên khi chưa tìm hiểu kỹ, chưa có ý kiến nhiều chiều của các bên liên quan. Có nhiều đơn từ khiếu nại, tố cáo được “đưa thẳng” lên báo mà không cần tìm hiểu thông tin trong đơn đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Có thông tin được đưa lên báo từ những nhà báo “salon”, do vậy, nhiều thông tin ban đầu là “con chuột”, đã trở thành “con voi” trên mặt báo. Một số phóng viên còn “săn tin” trên các mạng xã hội để đưa lên báo mà không có sự kiểm chứng... Đây là những việc làm hết sức thiếu trách nhiệm.

Trong môi trường báo chí như hiện nay, một vài tờ báo đang có xu hướng “lá cải hóa”, “thương mại hóa”, có dấu hiệu đi chệch tôn chỉ, mục đích. Chưa bao giờ trên mặt báo các hiện tượng tiêu cực của xã hội lại dày đặc như hiện nay, sự xác tín của lượng thông tin giảm. Bên cạnh những thông tin được cập nhật kịp thời, nhanh nhạy là những tin vụn vặt, câu khách, phản cảm. Một số người viết thiếu bản lĩnh, không làm chủ được ngòi bút, đã buông lỏng, xuôi dòng theo diễn biến của một số sự việc, có xu hướng đồng lõa và tha hóa trước cái xấu. Nhiều bài báo chỉ “nhăm nhăm” khai thác chuyện “hở”, “lộ” của người nổi tiếng, sa đà vào miêu tả tỉ mỉ cảnh giết người rùng rợn, những câu chuyện không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam. Và cuối cùng, người phải chịu đựng sản phẩm đó chính là độc giả.

Một số báo không thực hiện nghiêm luật báo chí, có những trường hợp đưa tin sai không cải chính hoặc cải chính chiếu lệ làm phương hại đến uy tín, danh dự cán bộ, đảng viên và đội ngũ người làm báo, gây tác động xấu đến dư luận xã hội.

Hội Nhà báo tham gia hiệu quả công tác quản lý báo chí trên địa bàn

Để tạo môi trường dân chủ, minh bạch, công khai cho báo chí khi đến làm việc với các địa phương, đơn vị, tạo sự chủ động cho các địa phương, đơn vị khi tiếp xúc, làm việc với báo chí, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2009/ QĐ-UB ngày 06/10/2009 về Quy chế phát ngôn, cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND ngày 29/12/ 2009 về Quy định quản lý hoạt động các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú các báo trung ương và tỉnh bạn trên địa bàn, thông báo số 3761/ UBND-VX ngày 02/11/2011 về việc thông báo danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh; văn bản số 244/STTTT-BCXB ngày 16/10/2012 hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong việc tiếp xúc, làm việc với phóng viên và nhà báo, phóng viên tác nghiệp ở cơ sở theo đúng các quy định của pháp luật; danh sách phóng viên các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú trên địa bàn (6 tháng cập nhật 1 lần). Đây là những quy chế, quy định cụ thể của UBND tỉnh nhằm gắn kết hơn mối quan hệ của báo giới đối với mọi mặt đời sống xã hội, tạo điều kiện về nguồn thông tin, phản hồi thông tin, tạo cơ sở vững chắc hơn để thực hiện đúng Luật báo chí và tôn chỉ, mục đích của các tờ báo. Trang cơ sở dữ liệu trên website của Hội Nhà báo tập hợp đầy đủ tất cả các thông tin trên để phục vụ công tác quản lý và phục vụ hội viên, người làm báo cũng như bạn đọc.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo đã công khai danh sách hội viên (họ tên, số thẻ, số điện thoại, đơn vị công tác...) trên website và trang cơ sở dữ liệu hội viên của Hội cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí cho các hội viên, phóng viên, các đơn vị cơ sở. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thông tin về công tác quản lý báo chí, về sự phát triển của lĩnh vực thông tin, báo chí được cập nhật và chuyển tải đến các Chi hội, đến đội ngũ lãnh đạo các ban, ngành ở các huyện, thị xã, thành phố.

Hội Nhà báo Hà Tĩnh luôn quán triệt với hội viên: Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo chân chính. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, tình hình chính trị, an ninh của đất nước nên đòi hỏi trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn. Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi phóng viên báo chí hiện nay. Khác với báo chí trong cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa, báo chí của chúng ta phải làm tốt chức năng thông tin giáo dục vận động và tổ chức quần chúng thực hiện những nhiệm vụ của Đảng. Nhà báo phải năng động trong nền kinh tế thị trường, phấn đấu tăng nguồn thu nhưng không hạ thấp tính chiến đấu của báo chí; tích cực và chủ động hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ vững bản sắc người phóng viên báo chí cách mạng. Chính vì thế, bên cạnh các lớp Tập huấn về kỹ năng nghề nghiệp, Hội chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên và người làm báo, tăng cường giáo dục về đạo đức nghề báo, 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Xin được nêu lại một sự kiện: Ngày 27/7/2014, Báo Lao động số 172 đăng tải bài: “Gặp người sống sót trong đơn vị của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” của tác giả Giang Thùy Linh ghi lại lời kể của bà Trần Thị Bích Thao (SN 1942, quê xã Vĩnh Lộc, Can Lộc) hiện sống tại tỉnh Thái Nguyên, là cựu Thanh niên xung phong từng công tác tại Ngã ba Đồng Lộc. Nội dung của bài báo có nhiều chi tiết trái ngược so với những thông tin, cứ liệu lịch sử được công bố từ trước đến nay, gây thắc mắc trong các tầng lớp Nhân dân cũng như sự bức xúc cho các cựu Thanh niên xung phong đã từng sống, chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc. Nhất là chi tiết chiều 24/7/1968, khi 10 nữ Thanh niên xung phong hy sinh thì người được tìm thấy sau cùng không phải Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc mà là Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần. Trước những thông tin đó, BTV Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức xác minh với sự tham dự của đông đảo các nhân chứng từng là cựu Thanh niên xung phong cùng Đại đội 552 và Tiểu đội 4 (thời điểm ngày 24/7/1968) sống và chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc. Hội Nhà báo đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TTTT và BTV Tỉnh đoàn theo sát sự kiện và quá trình này. Các nhân chứng sau đó  đã khẳng định những thông tin này hoàn toàn sai sự thật. Tỉnh đoàn cũng đã có cuộc làm việc tại Thái Nguyên với chính nhân vật trong bài báo, nhân vật đã thừa nhận nhiều thiếu sót, sai lệch trong trí nhớ của mình. Một sự kiện khác, Hội Nhà báo đã cùng Thanh tra Sở TTTT phối hợp chặt chẽ xác minh và đề xuất các biện pháp xử lý kỷ luật dẫn đến sự kiện Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật ra quyết định kỷ luật tạm dừng hoạt động 6 tháng đối với nhà báo Dương Chí Sỹ vì có hành vi dọa dẫm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc. Ông Dương Chí Sỹ đã gây áp lực, dọa dẫm Ban Giám hiệu nhà trường bằng việc kể về các bài báo đã viết hạ bệ người khác, nêu cách “viết báo theo tâm trạng cá nhân”, có ý dọa viết “không tốt”... để gây mất uy tín của nhà trường đối với tỉnh, huyện Can Lộc và Nhân dân xã Vượng Lộc. Hiện nay, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo Việt Nam, Hội đã và đang phối hợp với Thanh tra Sở TTTT, Phòng PA 83 Công an tỉnh xử lý một số thông tin liên quan đến tác nghiệp của người làm báo trên địa bàn nhằm làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Giao ban báo chí định kỳ hàng tháng chính là một công cụ để thực hiện công tác quản lý. Thông qua hội nghị giao ban (mà Hội Nhà báo là một trong 3 đơn vị phối hợp gồm Hội Nhà báo - Ban Tuyên giáo - Sở Thông tin và Truyền thông), các cơ quan báo chí trên địa bàn được cung cấp thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội, định hướng tuyên truyền cũng như các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng được nghe báo giới phản ánh những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhiều thông tin trên báo như: thông tin sai sự thật, thông tin thiếu khách quan, thông tin một chiều, thông tin không mang tính xây dựng, thông tin vụn vặt gây phản cảm, thông tin giật gân, câu khách, xu hướng thương mại hoá báo chí.. đã được nêu lên để kịp thời chấn chỉnh tại các Hội nghị giao ban; nhiều vấn đề thời sự báo chí nêu được phân tích, trả lời, xử lý theo thẩm quyền, tạo được lòng tin trong Nhân dân và đội ngũ người làm báo. Giao ban báo chí định kỳ hàng tháng đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa báo giới và cấp uỷ, chính quyền ở Hà Tĩnh.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những yếu tố tiêu cực của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới cùng với những khó khăn trước mắt về kinh tế - xã hội trong nước, trong tỉnh đã và đang tác động mạnh mẽ đến các mặt đời sống xã hội. Vì thế, hơn lúc nào hết, báo chí cần tiếp tục giữ vững, phát huy cao độ bản chất cách mạng, là công cụ công tác tư tưởng của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo; hoạt động theo định hướng của Đảng, tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta. Những yêu cầu khách quan đó, đòi hỏi hoạt động báo chí phải hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, từng bước xây dựng con người mới, lối sống mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Phát huy vai trò của báo chí cách mạng và tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay.

 


    Ý kiến bạn đọc