Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
EmailPrintAa
09:40 03/03/2023

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Người là sự kết tinh giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, đạt đến tầm cao của tri thức và có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền văn hóa dân tộc cũng như văn hóa nhân loại.

L ấy hạnh phúc của n hân dân làm cơ sở

T rong suốt quá trình hoạt động cách mạng cũng như sau này, khi đã ở cương vị cao nhất của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng quan tâm đến các hoạt động văn hóa nói riêng, ngành văn hóa nói chung và luôn mong muốn sự nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển theo hướng đậm đà bản sắc dân tộc vốn có.

	Nghệ sĩ Trà Giang chụp cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 - Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ Trà Giang chụp cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 - Ảnh tư liệu

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập nước, trong khi còn rất nhiều việc đang chờ Người xử lý, ngay 5 giờ chiều ngày 7.9.1945, Người đã đến làm việc với Ban Quản trị lâm thời Đoàn Văn hóa Bắc Bộ đang họp tại Nhà Văn hóa (Hội Khai trí Tiến Đức cũ). Tại cuộc họp này, Người đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong việc giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới. Người nói: “Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng những dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường thì các ngài có thể ngồi trong tháp ngà mà sáng tác được không?”.

Người căn dặn các thành viên Ban Quản trị rằng: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn cho đất nước một văn hóa mới và phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới. Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, tranh đấu cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”.

Người rất mừng khi nghe Ban Quản trị báo cáo dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc. Nhờ có sự quan tâm của Người, ngày 24.11.1946, dù đất nước đang trong thời kỳ khó khăn, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của các đại biểu từ Bắc chí Nam, thể hiện sự thống nhất trọn vẹn trong lĩnh vực văn hóa của giới trí thức toàn dân tộc. Khai mạc Hội nghị , Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập.

Người đánh giá cao vai trò của v ăn a khi khẳng định: “ Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

	Bác Hồ chụp ảnh với các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam bộ năm 1968 - Ảnh tư liệu
Bác Hồ chụp ảnh với các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam bộ năm 1968 - Ảnh tư liệu

Văn hóa phải ở trong kinh tế và chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Người chỉ rõ: “Văn hóa là một mặt trận, người hoạt động văn hóa là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng thời, “dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Vì vậy, văn hóa cũng là một chiến trường mà mỗi người hoạt động văn hóa là một chiến sỹ với ngòi bút là cây súng.

Đối với Người, “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề chú ý đến; cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Người nhấn mạnh đến việc cần xây dựng một n ền văn hóa mới với nhiệm vụ xóa bỏ những lạc hậu và xây dựng nội dung mới của nền văn hóa cách mạng. Trong tác phẩm Đời sống mới 1947, Người vạch rõ con đường để mỗi người phấn đấu: “Nếu mỗi người đều tốt thì thành làng tốt nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định sẽ phú cường” .

	Đoàn Ca múa Nhân dân chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ - Ảnh tư liệu
Đoàn Ca múa Nhân dân chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ - Ảnh tư liệu

Người có sự quan tâm đặc biệt đối với di sản văn hóa nói chung. Ngày 23.11.l945, Người đã ký Sắc lệnh số 65 “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong toàn cõi Việt Nam. Các bài báo, bài viết của Người cũng thường xuyên nhấn mạnh đến việc phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Đối với ngành văn hóa, Người luôn nhắc nhở phải có sự chăm lo đến sự nghiệp phát triển của ngành. Mỗi cán bộ của nhà nước nói chung, cũng như cán bộ ngành văn hóa nói riêng đều phải phấn đấu để trở thành những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, vừa giỏi về nghề, vừa có đức yêu nghề, cống hiến với nghề nghiệp của mình thì mới hoàn thành tốt công việc.

Người còn có những đóng góp quan trọng trong việc “thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau” giữa các dân tộc, đặc biệt là hiểu biết về văn hóa. Việc này tạo môi trường quan trọng để có sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn hóa trên thế giới, phù hợp với xu thế giao lưu, hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, và đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của văn hóa thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1923, nhà thơ Xô Viết Ôxíp Manđenxtam đã nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai".

daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc