Chuyển dịch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
EmailPrintAa
16:00 11/05/2023

Chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Hà Tĩnh đang tập trung ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, chuyển dịch từ sử dụng năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đoàn khảo sát Trung tâm điều độ của Công ty Điện lực Hà Tĩnh

Đồng thời, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện khảo sát, nghiên cứu, đầu tư các dự án nguồn điện LNG, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời trên địa bàn đã được đề cập trong dự thảo Quy hoạch điện VIII và các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) nhằm phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương.

Và khảo sát tại phòng điều hành Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa

Các dự án phát triển năng lượng đều cơ bản đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước để thực hiện các dự án; nhu cầu sử dụng đất các dự án năng lượng nói chung và các công trình lưới điện đều được định kỳ kiểm tra, bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.

Các nhà máy nhiệt điện đã tiến hành xử lý nước thải thường xuyên, nước thải nhiễm dầu, chất thải rắn, chất thải rắn nguy hiểm, khí thải và bụi thải một cách nghiêm ngặt. Bụi và khí thải phát sinh trong quá trình vận hành được xử lý qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống lọc bụi túi, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống khử Nox, do đó khói thải được đo đạc, lấy mẫu và phân tích đảm bảo theo Quy chuẩn quy định. Tro, xỉ khoảng được vận chuyển thủy lực đến bãi chứa xỉ, hiện được sử dụng một phần làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng.

Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi phát huy hiệu quả tận dụng nguồn nước từ công trình thuỷ lợi

Nguồn điện năng lượng mặt trời trên địa bàn mới chỉ phát triển những năm gần đây; do vậy, chưa phát sinh các vấn đề, yêu cầu về thu gom xử lý các chất thải, tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng trong sản xuất năng lượng mặt trời.

Áp dụng khoa học , công nghệ trong phát triển năng lượng

Những cơ chế chính sách về phát triển khoa học công nghệ của tỉnh ban hành đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đổi mới dây chuyền công nghệ, chuyển dịch sang sử dụng những nguyên, nhiên vật liệu thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất, giảm việc phụ thuộc vào sử dụng những nhiên liệu hóa thạch truyền thống, giảm ô nhiễm môi trường góp phần đảm bảo phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng, áp dụng đồng bộ các giải pháp trong quản lý kinh doanh, kỹ thuật, vận hành hệ thống điện để giảm tổn thất lưới điện; thực hiện hóa lưới điện thông minh; các trạm biến áp có cấp điện áp từ 110kV trở lên thực hiện công tác vận hành điều khiển từ xa; triển khai tự động hóa lưới điện phân phối nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; các thiết bị đo đếm được thay thế và sử dụng bằng công tơ điện tử có kết nối từ xa, ứng dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; sử dụng các thiết bị mới vào công tác quản lý vận hành, kiểm tra các tuyến đường dây; sử dụng thiết bị bay không người lái, hệ thống giám sát thiết bị nhất thứ; áp dụng rộng rãi các chương trình phần mềm quản lý như các chương trình ERP, quản lý kỹ thuật, phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu đo đếm từ xa và theo dõi, phân tích truyền tải điện;…

Tại các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đã lắp đặt camera và các thiết bị quan trắc tự động để thực hiện việc quan trắc, giám sát trực tuyến; kết nối, cập nhật số liệu quan trắc tại công trình vào hệ thống giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm đến công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với việc tuyên truyền sâu rộng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu, đôn đốc các địa phương, các sở, ban, ngành và người dân thực hiện nghiêm túc việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tích cực tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất, treo băng rôn, khẩu hiệu, chương trình thi đua gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm điện trong trường học, ngày môi trường thế giới..., qua đó góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn.

Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm kế trước, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 01/02 theo quy định.

Về việc thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành công nghiệp trọng điểm theo quy định của Bộ Công Thương: Hà Tĩnh hiện có 06 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan phải thực hiện quy định về định mức tiêu hao năng lượng. Hằng năm, các cơ sở đều đã được hướng dẫn thực hiện báo cáo tính toán suất tiêu hao năng lượng, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng để đảm bảo suất tiêu hao nhỏ hơn định mức tiêu hao năng lượng theo quy định cho giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.

Lĩnh vực phân phối điện: Hệ thống điện phân phối được bố trí đầu tư cơ bản đồng bộ, phù hợp quy hoạch phát triển điện lực được cấp thẩm quyền phê duyệt; lưới điện phân phối có tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2021 là 7,28% (giảm 1,91% so với năm 2016). Hằng năm, đều có các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm thông qua các hoạt động như: hưởng ứng Chiến dịch giờ trái đất, Chương trình gia đình tiết kiệm điện,….

Về việc tuyên truyền, vận động, định hướng doanh nghiệp chuyển đổi thiết bị, công nghệ từ sử dụng năng lượng than sang sử dụng năng lượng sạch: Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, UBND tỉnh đã có các văn bản trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng III chuyển từ sử dụng điện than sang sử dụng khí LNG và nâng công suất từ 2.400MW lên 4.500MW.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại buổi giám sát, làm việc với Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường chỉ đạo, khuyến khích việc đầu tư xây dựng các dự án và đưa vào sử dụng vật liệu không nung, nhất là các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước, từng bước hạn chế, xóa bỏ dần các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng lớn lượng than, chuyển sang định hướng sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

Trong lĩnh vực công nghiệp: Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiến trúc nhà xưởng nhằm sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát; khuyến khích các cơ sở sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng bố trí sản xuất kinh doanh vào giờ thấp điểm, hạn chế tối đa sử dụng điện vào các giờ cao điểm, cải tiến quy trình công nghệ, chuyển đổi nhiên liệu, từng bước loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp. Tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Xây dựng quy hoạch hệ thống thủy lợi hợp lý, tối ưu hóa hệ thống hồ chứa, kênh mương, tận dụng dòng chảy tự nhiên; vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm công suất tổ máy trong các trạm bơm tưới tiêu của hệ thống thủy lợi. Khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ cho mục đích tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh, tích hợp trong quản lý, vận hành các hệ thống giao thông vận tải; mở rộng ứng dụng nhiên liệu thay thế xăng dầu. Áp dụng năng lượng mặt trời trong phát triển các hệ thống tín hiệu giao thông. Thực hiện nghiêm công tác kiểm định các phương tiện giao thông, loại bỏ phương tiện vận tải quá thời hạn sử dụng, không đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông để hạn chế tiêu hao năng lượng của các phương tiện, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực xây dựng: Nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các công trình xây mới, sửa chữa cải tạo, công trình xây dựng có sử dụng vốn Nhà nước phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các giai đoạn thực hiện dự án.

Trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng: Từng bước được hiện đại hóa, sử dụng hệ thống đèn led, đèn tiết kiệm điện, thiết bị thông minh, tiết kiệm năng lượng thay thế cho bóng đèn truyền thống, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, thiết bị điều khiển tự động đóng cắt, trung tâm điều khiển chiếu sáng hợp lý theo thời gian để tiết kiệm điện.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc