Giải pháp nâng cao chất lượng các quyết định Ngân sách địa phương
EmailPrintAa
07:44 02/11/2016

Chất lượng các quyết định ngân sách có ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực khác của mỗi địa phương. Quyết định ngân sách đúng đắn, đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, phù hợp với thực tế tình hình địa phương và các quy định của pháp luật về ngân sách sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển bền vững; ngược lại, quyết định sai lầm sẽ gây lãng phí nguồn lực, kìm hãm và gây hậu quả về kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng quyết định phân bổ ngân sách địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nói chung và của huyện Vũ Quang nói riêng.

Thời gian qua, HĐND huyện Vũ Quang đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách, giải pháp, kế hoạch để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Việc thực hiện nhiệm vụ quyết định ngân sách của HĐND đã được quan tâm, năng lực quyết định của mỗi đại biểu đã được cải thiện. Các Nghị quyết do HĐND huyện ban hành đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, trở thành những căn cứ pháp lý quan trọng để chính quyền tổ chức thực hiện trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhất định thì chất lượng và hiệu quả của một số quyết định ngân sách địa phương vẫn còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, thiếu công bằng, thiếu tính chiến lược. Cùng với đó, vai trò quyết định của HĐND huyện trong lĩnh vực tài chính ngân sách còn mang tính hình thức; chất lượng quyết định dự toán, phân bổ, phê chuẩn ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; hoạt động giám sát trên lĩnh vực tài chính ngân sách cũng còn nhiều hạn chế, hiệu lực, hiệu quả chưa cao...

 

Có nhiều nguyên dân dẫn tới thực trạng này, nhưng chủ yếu là do nhận thức của nhiều đại biểu về lĩnh vực tài chính ngân sách, về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong giám sát và quyết định ngân sách địa phương còn hạn chế. Trong quá trình tham gia hoạt động, một số đại biểu HĐND chưa thực sự phát huy được tinh thần trách nhiệm của mình, chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của những người đại biểu dân cử trước cử tri và nhân dân, còn mang tư tưởng cá nhân và cục bộ địa phương. Điều này được biểu hiện khá rõ trong việc đại biểu rất ít phản biện hay thảo luận các vấn đề có liên quan đến ngân sách, tài chính tại các kỳ họp của HĐND, chủ yếu là phát biểu kiểu “đồng ý như tờ trình, báo cáo và các dự thảo nghị quyết do UBND trình kỳ họp”. Thỉnh thoảng có những ý kiến đề cập đến lĩnh vực quan trọng này thì cũng chỉ là đòi hỏi tăng phân bổ ngân sách cho ngành mình, địa phương mình mà chưa có cái nhìn tổng thể, chưa vì lợi ích chung của cả địa phương.

 

Để khắc phục những hạn chế đó, từng bước nâng vai trò, vị thế của HĐND trong việc quyết định, phân bổ ngân sách hàng năm, nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực của địa phương trong thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

 

Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức của đại biểu HĐND về vai trò, vị trí của ngân sách địa phương đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Ngân sách địa phương là tổng thể các nội dung và giải pháp về tài chính - tiền tệ của mỗi địa phương. Tài chính không chỉ có nhiệm vụ nuôi dưỡng, phát triển khai thác các nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn mà còn phải quản lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm lực của địa phương để nâng cao lợi thế so sánh của địa phương cả trước mắt cũng như lâu dài. Phân phối nguồn lực tài chính có mục tiêu cụ thể, rõ ràng, có căn cứ, vì sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ là yếu tố quyết định cho phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức đúng vai trò vị trí của ngân sách địa phương sẽ giúp cho đại biểu nêu cao trách nhiệm của mình trong bàn thảo và tham gia quyết định ngân sách một cách đúng đắn.

 

Thứ hai, phải nâng cao năng lực thẩm tra dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách cho đại biểu HĐND. Ngân sách là vấn đề trọng yếu của quốc gia và của mỗi địa phương, vì vậy trước khi quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán cần phải được thẩm tra dự toán, phân bổ và quyết toán do UBND trình. Năng lực đại biểu là yếu tố quyết định vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của HĐND. Trong việc quyết định ngân sách, đại biểu HĐND đóng vai trò hết sức quan trọng vì quyết định của HĐND chính là hoạt động quyết định của các đại biểu. Vì vậy, việc nâng cao năng lực của đại biểu HĐND trong thẩm tra dự toán và quyết toán ngân sách sẽ góp phần nâng cao chất lượng các quyết định ngân sách địa phương của HĐND. Ngoài việc tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho đại biểu HĐND thì mỗi đại biểu cần trang bị cho mình những hiểu biết về Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nắm vững các nội dung phải thẩm tra, quy trình xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách, quy trình thẩm tra dự toán và quyết toán ngân sách để tham gia quyết định và giám sát ngân sách một cách khoa học, khách quan, hợp lý và trách nhiệm.

 

Thứ ba, công khai các quy trình cũng như kết quả lập, thẩm tra và quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương những năm trước, thời kỳ trước; công khai các kết luận thanh tra, kiểm toán về lĩnh vực tài chính ngân sách để mỗi đại biểu và các cơ quan của HĐND có thể tiếp cận và tìm hiểu thông tin, từ đó phát huy vai trò giám sát của mình. Thông qua hoạt động giám sát về tài chính ngân sách, các đại biểu HĐND xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về tài chính ngân sách, tính hiệu lực, hiệu quả và tính thực tiễn của các chủ trương, giải pháp được UBND trình kỳ họp. Đồng thời xem xét, đánh giá tình hình chấp hành ngân sách, kỷ luật ngân sách; đánh giá quy mô, cơ cấu thu, chi ngân sách của địa phương. Đại biểu phải có thông tin thì mới có thể giám sát được, có giám sát được thì mới có quyết định đúng đắn, có chất lượng.

 

Thứ tư, các tờ trình và dự thảo nghị quyết của HĐND cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình và phải được gửi đến đại biểu đảm bảo thời gian quy định để đại biểu nghiên cứu. Thực tế là ngân sách địa phương còn phụ thuộc phân bổ ngân sách cấp trên nên các kỳ họp HĐND cấp huyện, cấp xã còn phải chờ đợi kết quả phân bổ của ngân sách cấp trên, vì vậy còn bị động, thường không gửi được tài liệu cho đại biểu một cách kịp thời, chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND cũng còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, UBND cần phối hợp tốt với cơ quan tài chính và kế hoạch đầu tư cấp trên để chủ động xây dựng dự toán, báo cáo và dự thảo nghị quyết gửi Thường trực và các Ban HĐND theo đúng thời gian quy định. Thường trực HĐND cần điều hòa, phối hợp, đôn đốc nhắc nhở các cơ quan, đơn vị có liên quan để tờ trình, báo cáo, dự thảo nghị quyết về tài chính ngân sách trình HĐND đảm báo đúng quy trình, thời gian và chất lượng.

 

Thứ năm, Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện là cơ quan làm việc trực tiếp và cho ý kiến thẩm tra, đánh giá báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết của HĐND về lĩnh vực tài chính - ngân sách địa phương. Đây là căn cứ để Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến để trình HĐND thảo luận, quyết định. Vì vậy, Ban kinh tế - xã hội cần chủ động bố trí thời gian để mỗi thành viên của Ban nghiên cứu và tổ chức thẩm tra. Thường trực HĐND cần phải điều hòa, phối hợp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, nhân lực và thông tin dữ liệu để Ban làm việc có hiệu quả. Sau khi đã có kết quả thẩm tra của Ban Kinh tế - Xã hội, Thường trực HĐND cần sớm tổ chức họp để cho ý kiến trước khi trình HĐND.

 

Thứ sáu, trong điều hành kỳ họp, chủ tọa kỳ họp cần có những định hướng, gợi ý thảo luận và cung cấp thêm thông tin về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách trước khi phân tổ thảo luận để các đại biểu tập trung suy nghĩ và tham gia thảo luận có tính hướng đích nhưng đồng thời đảm bảo dân chủ và phát huy được trí tuệ tập thể trong việc quyết định các vấn đề về ngân sách.

Thứ bảy, đa dạng hóa các hình thức và đối tượng tiếp xúc cử tri để đại biểu có những thông tin đa chiều, đa đối tượng, từ đó phát hiện đúng và trúng vấn đề, lựa chọn hướng quyết định đúng đắn.

 

Tóm lại, chất lượng các quyết định ngân sách địa phương phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và trách nhiệm đại biểu HĐND nói chung, đồng thời phụ thuộc vào từng cơ quan, từng công đoạn của quy trình quyết định ngân sách. Để nâng cao chất lượng các quyết định ngân sách địa phương thì từng cơ quan của HĐND phải đề cao trách nhiệm của mình, phân công, phối hợp nhịp nhàng, thực hiện đúng quy trình quy định. Đặc biệt, mỗi đại biểu HĐND cần phải nhận thức đúng vai trò, vị thế của mình, không ngừng học hỏi, tích cực hoạt động, rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức để có các phẩm chất cần thiết nhằm tham gia có hiệu quả vào các quyết định ngân sách địa phương, góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới.


    Ý kiến bạn đọc