Trong những năm qua HĐND các xã, thị trấn của huyện Thạch Hà không ngừng được củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động, đã và đang phát huy vai trò quan trọng của mình trong xây dựng Chính quyền cơ sở vững mạnh toàn diện, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của HĐND ở cơ sở, có những đổi mới về tổ chức và hoạt động, phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt, từng bước giảm dần tính hình thức trong hoạt động của HĐND. Chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên, đảm bảo đúng thời gian và chất lượng, tính dân chủ trong các kỳ họp được phát huy. Các Nghị quyết HĐND ban hành bảo đảm chất lượng, đúng luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hiệu quả của hoạt động giám sát từng bước được nâng lên. Việc gần dân và lắng nghe ý kiến của Nhân dân được tăng cường.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của HĐND xã, thị trấn một số nơi chưa phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, còn tồn tại, hạn chế một số mặt như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nghị quyết của HĐND còn thiếu chủ động; việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương một số nơi còn mang tính hình thức; hoạt động giám sát hiệu quả chưa cao; nhiều kiến nghị thông qua hoạt động giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm giải quyết; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; một số đại biểu HĐND chưa làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử, chưa dành thời gian cho hoạt động của HĐND. Công tác chuẩn bị văn bản, tài liệu cho kỳ họp còn chậm so với quy định. Một số Đại biểu HĐND xã chưa thật sự tích cực trong phát biểu thảo luận tại kỳ họp, nội dung phát biểu chưa sâu, chưa phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, cũng như những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương cần quan tâm chỉ đạo, xử lý. Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm...
Những tồn tại, hạn chế nêu trên, do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính đó là: Trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động của đại biểu còn hạn chế; vai trò trong chỉ đạo điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND chưa kịp thời, thường xuyên; cơ sở vật chất, nguồn kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của HĐND còn hạn chế; Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực năm 2016. Từ những thực trạng nêu trên, để HĐND cấp xã hoạt động có chất lượng và hiệu quả hơn xin được đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, nhất là việc quy hoạch, giới thiệu cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào chức danh Thường trực HĐND, các ban HĐND. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên định hướng nội dung hoạt động, tăng cường công tác phối hợp giữa HĐND với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp và các cơ quan trong hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND và nâng cao vị thế của HĐND, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban HĐND và đại biểu HĐND cấp xã. Thường trực HĐND phát huy tốt vai trò trong việc chỉ đạo, điều hòa hoạt động của các Ban HĐND; phối hợp với Ủy ban MTTQ xã trong giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, nắm bắt tổng hợp các vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm; việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp phải chủ động rà soát kỹ nội dung, đưa ra những vấn đề còn tồn tại vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật để giúp cho đại biểu có thêm thông tin, định hướng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định. Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết HĐND, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp thực hiện. Đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu kỹ các tài liệu, văn bản báo cáo trình kỳ họp để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng.
Ba là, các báo cáo trình kỳ họp phải được chuẩn bị kỹ, có chất lượng, gửi trước cho đại biểu để nghiên cứu. Các báo cáo trình kỳ họp phải được tóm tắt để dành thời gian cho các đại biểu thảo luận , chất vấn; chủ tọa điều hành kỳ họp phải linh động, cần gợi mở để đại biểu mạnh dạn tham gia ý kiến thảo luận nhằm ban hành nghị quyết có tính khả thi cao. Định kỳ sáu tháng, HĐND và đại biểu HĐND xã phải báo cáo công khai với cử tri nơi được ứng cử về công việc đã làm, để cử tri nhận xét, đánh giá.
Bốn là, phải xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể, về nội dung giám sát phải lựa chọn các nội dung có tính thời sự, bức xúc, có ảnh hưởng trực tiếp đến đa số cử tri và Nhân dân để tổ chức giám sát; thu thập thêm thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát; trong giám sát cần trực tiếp tham vấn ý kiến của các tổ chức cá nhân có liên quan, sau giám sát phải có báo cáo kết quả giám sát và các khuyến nghị đề xuất giải pháp thực hiện.
Năm là, phối hợp với Ủy ban MTTQ trong công tác tiếp xúc cử tri, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, báo cáo trình bày tại hội nghị tiếp xúc cử tri phải chuẩn bị ngắn gọn, đi thẳng vào các nội dung cần xin ý kiến đóng góp của cử tri, để dành thời gian nghe cử tri phát biểu; sau tiếp xúc cử tri các đại biểu dành thời gian làm việc với ban công tác mặt trận thôn để nắm thêm về tình hình kinh tế xã hội của các thôn để có thêm thông tin phục vụ thảo luận và chất vấn tại kỳ họp, đồng thời phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân đến với HĐND để góp phần cùng HĐND quyết định đúng đắn những vấn đề quan trọng của địa phương.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)