Một số ý kiến góp ý về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
EmailPrintAa
09:40 10/09/2021

Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thiết thực và có hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Số lượng và chất lượng các phong trào thi đua được nâng cao rõ rệt, bảo đảm tính thiết thực, sát hợp với thực tiễn. sự tham gia tích cực, có hiệu quả của người lao động trong phong trào thi đua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, việc tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều giữa các vùng miền và các thành phần kinh tế. Công tác tuyên truyền, cổ động, triển khai các hoạt động đưa phong trào thi đua tới mọi nhà, mọi người dân còn hạn chế về mặt địa lý cũng như cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, phong trào thi đua ở những khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng chưa có được sự quan tâm chỉ đạo tổ chức đúng mức. Ở một số nơi, phong trào thi đua còn hình thức, đối phó, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; chưa gắn kết thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị; nội dung, tiêu chí thi đua chưa cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động; chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ để khen thưởng. Phạm vi điều chỉnh rộng lớn của pháp luật thi đua, khen thưởng dẫn đến một số danh hiệu thi đua chưa bao quát hết các phong trào từ cơ sở; quy định về thẩm quyền trong xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, không hợp lý, thực tế còn nhiều vướng mắc khi thực hiện ở cơ sở. Đặc biệt ở một số tổ chức, cơ quan có bộ máy tổ chức phức tạp, nhiều cấp trung gian, mối quan hệ giữa các cấp theo thẩm quyền hành chính không đồng bộ với thẩm quyền xét tặng thì việc phân cấp, phân quyền là rất khó khăn. Ngoài ra, quy định tiêu chuẩn của một số danh hiệu thi đua chưa phù hợp; trong đó có việc xác định căn cứ để xét tặng các sáng kiến của người lao động cũng chưa rõ ràng, chưa nhất quán giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Từ những hạn chế nêu trên, dự kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Qua nghiên cứu Dự thảo, để góp phần hoàn thiện dự án luật này, xin góp ý một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất , trên phương diện chung, Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định của Luật chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ, Luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng trong cả nước (công nhân, nông dân, trí thức…).

Luật cũng quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo Luật thì lại mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Thực tiễn hiện nay, việc khen thưởng đối với đại biểu dân cử chủ yếu vẫn là cơ quan hành chính nhà nước khen thưởng.

Thứ hai , đối với một số Điều, Khoản cụ thể, trong Dự thảo Luật cần bổ sung thêm một vài điểm như: Đối với Khoản 1, 2,3, Điều 3 nên bổ sung đối tượng là “gia đình”. Khoản 2, Điều 4, đề nghị bổ sung cụm từ “Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước vào sau cụm từ “Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ”; các Khoản 1, 2, 3 nên bổ sung đối tượng là “gia đình”. Khoản 1, Điều 6, đề nghị bổ sung nguyên tắc “dân chủ”.

Tại Khoản 5, Điều 8, cần tách riêng hình thức khen thưởng Kỷ niệm chương, Huy hiệu là hai hình thức khen thưởng khác nhau để thống nhất với Điều 70, Điều 71 trong Dự thảo Luật. Khoản 3, Điều 12, đề nghị bỏ cụm từ “đề nghị sai”. Khoản 1, Điều 19, cần sửa đổi “có hai lần liên tục” thành “có hai lần liên tục hoặc ba lần kế tiếp”. Khoản 2, Điều 22, đề nghị bổ sung thêm đối tượng được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” là “lực lượng công an xã, lực lượng dân quân tự vệ” để đảm bảo sự công bằng, rộng rãi đối với việc khen thưởng.

Bên cạnh đó, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 52, để giảm bớt các hình thức khen thưởng nhà nước theo quan điểm của Bộ Chính trị, đề nghị chưa bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Mặt khác đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến (Bằng khen, Huy chương kháng chiến, Huân chương kháng chiến…), trong đó bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong nếu đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn của từng hình thức khen thưởng.

Trên đây là một số ý kiến của cá nhân về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về nội dung này./.

Nguyễn Việt Dũng

    Ý kiến bạn đọc