Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát góp phần thức đẩy phát triển Kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
11:09 31/10/2016

Giám sát là một trong những chức năng chủ yếu của Hội đồng nhân dân (HĐND); thông qua hoạt động giám sát, HĐND có thể kiểm chứng lại tính đúng đắn, sự phù hợp về các quy định của pháp luật đã, đang được áp dụng trong cuộc sống và những chủ trương, biện pháp mà HĐND đã quyết nghị; giúp phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc, những bất cập để thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động. Hoạt động giám sát còn là cơ sở để thực hiện công tác thẩm tra và đi đến quyết định vấn đề một cách chính xác, bảo đảm các Nghị quyết ban hành có chiều sâu, sát thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đặc biệt, thông qua giám sát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.

Công tác giám sát của HĐND huyện Hương Sơn khóa XVIII nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã có nhiều đổi mới về quy mô, phạm vi và hình thức giám sát; kịp thời phát hiện, chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước và kiến nghị các giải pháp để xử lý từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Thông thường, hàng năm HĐND huyện Hương Sơn xây dựng và ban hành nội dung, kế hoạch 13 - 15 cuộc giám sát. Trong đó, giám sát thường xuyên từ 8 - 9 cuộc còn lại là giám sát chuyên đề. Trọng tâm là giám sát việc triển khai các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các Nghị quyết của HĐND huyện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Xin đơn cử một trong những cuộc giám sát đã để lại nhiều ấn tượng trong nhiệm kỳ 2011-2016.

Năm 2015 là một năm để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong việc thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm 2014 khi bàn, lựa chọn các nội dung giám sát năm 2015, nhiều ý kiến đưa ra đều thống nhất nhận định là có một số ý kiến, kiến nghị của cử tri khi yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai xử lý và xem xét trả lời chỉ mới dừng lại ở ghi nhận, chưa có kết quả xử lý cụ thể, nghiêm túc cần phải được đưa vào chương trình giám sát năm 2015. Do đó, Thường trực HĐND huyện ban hành kế hoạch về Giám sát việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, HĐND huyện khóa XVIII. Với việc lựa chọn 3 cơ quan liên quan là UBND huyện, Điện lực, Bảo hiểm xã hội huyện. Kết quả là bằng việc tổ chức giám sát tập thể, theo đến cùng các nội dung mà cử tri quan tâm đã được giải quyết một cách trọn vẹn. Đặc biệt, đối với 2 cơ quan là Điện lực Hương Sơn và Bảo hiểm Xã hội huyện thông qua giám sát giúp tháo gỡ một số nội dung còn vướng mắc như:

Đối với Điện lực Hương Sơn, với các nội dung chính là: Nâng cấp đường dây sau hạ thế, di dời cột điện trong xây dựng nông thôn mới, hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Theo QĐ 162 của Chính phủ) và tinh thần, thái độ phục vụ của công nhân ngành điện.

Đối với Bảo hiểm Xã hội là: Việc hoàn trả tiền mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo năm 2013 có sai sót.

Sau giám sát, Thường trực HĐND huyện có thông báo kết luận, giao thời gian tổ chức thực hiện. Kết quả là đến cuối năm, những nội dung mà thông báo kết luận đều được giải quyết dứt điểm: 418 cột điện được di dời, hạ áp lưới điện nông thôn được cải thiện; 156 triệu đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được hoàn trả đúng hạn, tinh thần, thái độ của công nhân ngành điện được nâng lên; 503 đối tượng hộ nghèo ở 3 xã có sai sót được hoàn trả đầy đủ, đảm bảo quyền lợi của Nhân dân.

Tại kỳ họp thường kỳ năm 2015, khi báo cáo trước đại biểu HĐND huyện, cử tri huyện nhà về những vấn đề nêu trên đã được giải quyết. Đại biểu HĐND huyện, cử tri hết sức bằng lòng, phấn khởi khi thấy những việc mà cử tri có ý kiến đã được giải quyết thấu tình, đạt lý, những kiến nghị của các đại biểu HĐND được tiếp thu, xử lý thỏa đáng. Điện lực Hương Sơn và Bảo hiểm xã hội huyện thấy được những thiếu sót, quyết tâm khắc phục và cảm thấy tự tin hơn trong công việc. Hơn nữa 2 ngành thấy mình có thêm chỗ dựa để thực hiện nhiệm vụ đó là HĐND huyện.

Qua đó cho thấy, trong giám sát nếu biết lựa chọn vấn đề, theo đến cùng sẽ cho ta kết quả tích cực, tạo được vị thế, niềm tin của cử tri đối với hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân huyện nhà chúng tôi thấy trong hoạt động của HĐND nói chung, trong hoạt động giám sát nói riêng cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hơn nữa. Từ thực tiễn hoạt động của mình, chúng tôi xin nêu một số giải pháp để việc giám sát của HĐND trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn:

Một là: Đổi mới phương pháp giám sát của HĐND trong đó chú trọng giám sát chuyên đề. Nội dung hoạt động giám sát chuyên đề phải lựa chọn vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, của các  ngành, các cấp và được cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Việc chuẩn bị tài liệu phục vụ giám sát phải chu đáo tập hợp và  thu thập được các thông tin về giám sát từ nhiều kênh; xây dựng kế hoạch giám sát phải cụ thể, bảo đảm được tính chủ động đối với cơ quan giám sát và các tổ chức, đơn vị được giám sát; bố trí thời gian thỏa đáng để giám sát trực tiếp và đối thoại với người dân, các đối tượng được thụ hưởng các chính sách... Giám sát chuyên đề cần được đổi mới theo hướng kết hợp giữa kiểm tra thực tế với việc xem xét báo cáo và tăng cường đối thoại với các đơn vị, cơ sở, cá nhân. Thông báo kết luận giám sát phải phân tích, đánh giá khách quan về những kết quả, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân. Qua đó, có những kiến nghị, đề xuất xác đáng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn đồng thời ghi rõ thời gian cụ thể để yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan phải giải quyết xong các kiến nghị. Đối với những kiến nghị về các vấn đề quan trọng, bức thiết chưa được giải quyết đúng thời gian quy định hoặc giải quyết chưa dứt điểm, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát của HĐND phải được giải quyết triệt để. Thường trực, các ban HĐND tổ chức tái giám sát hoặc đề nghị đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND.

Hai là: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp. Để bảo đảm việc thực hiện chất vấn có hiệu quả hạn chế những chất vấn mang tính kiến nghị, thông tin và sự việc không rõ; những người bị chất vấn trả lời rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục, không vòng vo, né tránh các nội dung chất vấn, không để vụ việc kéo dài mà phải có biện pháp khắc phục cụ thể, đại biểu tham gia chất vấn phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để làm cho hoạt động chất vấn thực sự có hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, điều hành, thực thi chính sách pháp luật của các cơ quan Nhà nước

Ba là: Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, thông qua đó thu thập, tập hợp các ý kiến kiến nghị của cử tri để yêu cầu các cơ quan Nhà nước trả lời, giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri. Nếu việc giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa thỏa đáng, để cử tri kiến nghị nhiều lần, phải thành lập đoàn giám sát để làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chậm giải quyết.

Bốn là: Tăng cường phối hợp giữa Thường trực, các Ban HĐND với Ủy ban MTTQ trong hoạt động giám sát. Thường trực HĐND, MTTQ cùng cấp cần duy trì, bám sát nội dung Quy chế phối hợp công tác đã ký kết để triển khai thực hiện, chủ động bàn bạc, trao đổi, thống nhất mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức và cơ chế giám sát giữa Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp để việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các Ban Xây dựng Đảng để tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Giám sát của HĐND gồm: Giám sát của HĐND tại kỳ họp, giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ HĐND và các đại biểu HĐND.

Đối tượng giám sát của HĐND bao gồm: Hoạt động của Thường trực HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn của HĐND cùng cấp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, công dân ở địa phương trong việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của HĐND.

Để tổ chức hoạt động giám sát có hiệu quả, HĐND thông qua nhiều hình thức như: Xem xét báo cáo, trả lời ý kiến cử tri, chất vấn, trả lời chất vấn, tổ chức các đoàn giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm...


    Ý kiến bạn đọc