Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là một vườn cam trĩu quả, chín vàng óng ánh gợi lên cảm giác ngọt lành; trang trại có nhiều công nhân đang chăm chỉ làm việc, hái cam, chọn quả đóng gói để bàn giao cho các chủ xe chở về thành phố và đi ra các tỉnh bạn. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, chị Hiền vui vẻ kể chuyện: Chắc là các anh ngạc nhiên lắm, vì đây là nơi xa nhất, sâu nhất của vùng thượng Can Lộc, nơi mà xưa nay gắn liền với những tên gọi “ma thiêng nước độc”, “khỉ ho cò gáy”. Em vào đây đã hơn 20 năm rồi; thời đó, bố mẹ chồng là công nhân lâm nghiệp nên đã định cư ở đây. Những năm 1992, 1993 vào đây sợ lắm, chỉ là vùng rừng núi hoang sơ, hẻo lánh, rất ít người qua lại, nghe nói có hổ báo, có voi đàn, có lợn rừng thường xuất hiện. Vợ chồng em đều là công nhân cao su Hà Tĩnh, những năm tháng khó khăn nhất chúng em đã cùng với bố mẹ cải tạo vườn đồi, phát quang rừng rậm, trồng các loại cây hoa màu như khoai, sắn, đậu, lạc để lo cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học; thời gian đầu dân cư thưa thớt, khó khăn, buồn chán nhiều lúc muốn bỏ về xuôi. Nhưng rồi được bố mẹ và mọi người động viên nên tiếp tục ở lại...
Vậy anh chị bắt đầu trồng cam từ khi nào? Chúng tôi xen vào câu chuyện, chị Hiền nhớ lại: Đó là vào những năm 1992, khi Quyết định 327 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọ, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước. Được Nhà nước hỗ trợ, các gia đình ở vùng thượng can bắt đầu trồng các loại cây ăn quả. Thế nhưng, những năm đầu không mấy hiệu quả vì do cây giống, phân bón không đảm bảo chất lượng, trôi nổi trên thị trường, kỹ thuật trồng trọt còn sơ sài, chưa có kinh nghiệm. Bắt đầu vào những năm 2009, 2010 thì cây cam ở đây mới thực sự cho thu nhập, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhiều đơn vị ở trong tỉnh, ngoài tỉnh đến thu mua.
Câu chuyện của chị Hiền càng lúc càng cuốn hút chúng tôi khi nghe chị giải thích: Phải mất hàng chục năm quan sát, tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm, em mới tìm ra được giống cam thích hợp với vùng đất Thượng Lộc này, đây là một thành công ngoài sức tưởng tượng.
Chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục và khen chị chịu thương, chịu khó, chính chị là người đã bỏ công sức mày mò, tìm hiểu, đi về các vùng trồng cam nổi tiếng và đã tìm ra một sự thật: cây cam vùng thượng chưa bén duyên ở lại vì... cây giống. Và chị đã lai thành công giống cam thích hợp với vùng đất này, có năng suất cao, quả chín mọng và thơm, múi cam ngọt và xen lẫn vị chua. Đây là thành quả không những mang lại niềm vui cho chị mà cho cả bà con trồng cam ở vùng thượng can này.
Chị Hiền thành thật: Em chưa được học hành chi nhiều, nhờ ở kinh nghiệm và ý chí “cái khó ló cái khôn”, về sau này khi đã thành lập HTX, được các tổ chức quan tâm, hỗ trợ ghi nhận, được đi tập huấn, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nên càng tự tin hơn để phát triển sản xuất.
Vườn cam của chị hiện nay có diện tích hơn 2,5ha, với trên 1.500 gốc cam nhưng mới chỉ có khoảng dưới 50% loại cây cho thu nhập. Hàng năm doanh thu trừ các chi phí đạt từ 700 - 800 triệu. Hiện tại HTX có từ 3-5 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương từ 3 - 4, 5 triệu đồng và mùa vụ thì có đến vài chục người.
Chuyện về người phụ nữ trồng cam qua lời chị kể thật đáng khâm phục, trong khi chồng phải tập trung cho công việc ở công ty cao su, chị một mình chăm sóc bố mẹ và nuôi hai con ăn học, hiện một cháu đã tốt nghiệp Đại học, về thành lập công ty chế biến gỗ trên chính mảnh đất quê hương, mục đích mà mẹ con chị đặt ra là giúp bà con thu mua gỗ keo, tràm và các loại cây đang gặp khó khăn về đầu ra ngay tại địa phương.
Hiện nay, chị Hiền là đại biểu HĐND huyện Can Lộc nhiệm kỳ 2016 - 2021. Khi được hỏi về trách nhiệm của một người đại biểu, chị Hiền tâm sự: thật vinh dự cho tôi và bà con các xã vùng thượng can này, được cử tri tín nhiệm bầu vào HĐND huyện khóa mới, tôi rất lo là làm sao để hoàn thành được trọng trách của mình. Vì thế, thời gian qua tôi không chỉ tiếp thu ý kiến của cử tri tại nơi mình được bầu mà thông qua các chuyến đi thực tế tại các xã khác tôi đã tranh thủ thời gian lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con, nhất là những hộ dân đang sản xuất kinh doanh và trồng cây có múi ở vùng Thượng can này. Tôi sẵn sàng tư vấn và giúp các gia đình, các hộ trồng cam về cây giống, về kỹ thuật, giới thiệu người bao tiêu sản phẩm cho bà con; đồng thời liên kết để thành lập thêm nhiều HTX tại các địa phương, nhằm phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn và đóng góp vào ngân sách cho địa phương và tỉnh nhà.
Trước khi tới đây, ông Đặng Trần Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Can Lộc đã cho chúng tôi biết: Chị Hiền là một tấm gương sáng về hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền được Lãnh đạo tỉnh và huyện về thăm và ghi nhận. Đặc biệt chị được vinh danh trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Hà Tĩnh và hiện là đại biểu HĐND huyện Can Lộc. Chị Hiền thật sự là tấm gương sáng về lao động, về trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ đối với địa phương.
Mùa xuân đang theo những chuyến xe chở đầy cam Thượng Lộc đi về thành phố và các khu chợ trung tâm, lòng chúng tôi thật vui khi nghĩ về người chủ nhiệm HTX trồng cam Thanh Hiền, đúng là: Cam chị Hiền bén duyên Thượng Lộc.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)