Cử tri Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê
EmailPrintAa
14:03 30/03/2012

Câu hỏi: Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo; có biện pháp hướng nghiệp, dạy nghề, cân đối nguồn nhân lực, giải quyết đầu ra cho con em tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, THCN và dạy nghề, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên tuyển dụng, thu hút nhân tài

Trả lời:

Sau 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, kịp thời. Đặc biệt là quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Bằng nhiều nguồn: từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, nguồn tài trợ của các chương trình dự án… đã góp phần quan trọng xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp các ngành học, cấp học đảm bảo điều kiện giảng dạy. Nhờ vậy sự nghiệp giáo dục Hà Tĩnh ngày càng phát triển, nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một trong những tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Tuy vậy, do kinh tế tỉnh nhà còn khó khăn, mặc dù đã rất cố gắng nhưng so với tình hình chung của cả nước thì mức đầu tư còn hạn chế. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa để sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng tốt hơn, xứng tầm với địa phương có truyền thống hiếu học.

Về công tác hướng nghiệp dạy nghề: Công tác giáo dục hướng nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, được cụ thể hoá trong Chỉ thị số 33/2003/CT-BGDĐT, trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm của Bộ GD và ĐT. Có nhiều hình thức giáo dục hướng nghiệp, trong đó có tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông. Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, hàng năm, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD và ĐT, trường THPT tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông theo chương trình chính khoá và tài liệu hướng dẫn, sách giáo khoa của Bộ GD và ĐT. Việc làm này được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, góp phần tích cực giúp học sinh có định hướng cơ bản về nghề các em sẽ chọn lập nghiệp sau khi tốt nghiệp hoặc chọn trường đăng ký dự tuyển ĐH, CĐ hay TCCN phù hợp năng lực, điều kiện bản thân và nhu cầu việc làm của xã hội.

Về cân đối nguồn nhân lực, giải quyết đầu ra cho con em tốt nghiệp đại học: UBND tỉnh đã có chủ trương để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, con em diện chính sách về tỉnh công tác. Tuy nhiên, do truyền thống hiếu học, học giỏi của người Hà Tĩnh, hàng năm, số lượng con em người Hà Tĩnh tốt nghiệp ĐH, CĐ rất lớn. Trong khi đó, Hà Tĩnh là vùng quê nghèo, quy mô dân số nhỏ, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực không lớn, một số con em tốt nghiệp ra trường phải tìm việc ở các địa phương khác. Mặt khác đào tạo nguồn nhân lực nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu cho các ngành kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước, không chỉ riêng cho tỉnh nhà và cũng không chỉ riêng  cho cơ quan hành chính nhà nước; đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí theo yêu cầu của nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội nâng cao trình độ và có việc làm phù hợp. Do đó, chúng ta không thể cân đối giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chỉ trên địa bàn Hà Tĩnh.

Mạng lưới trường lớp được quy hoạch khá hợp lý. Đến nay Hà Tĩnh đã có đủ các loại hình trường học từ giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Mạng lưới trường học đã đáp ứng được nhu cầu học tập cho nhân dân, trong đó có công tác dạy nghề, hướng nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Để tạo công ăn việc làm cho người lao động nhằm phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã kêu gọi được nhiều dự án đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế,... để thu hút nguồn nhân lực, tạo việc làm cho con em nhân dân.

Để thu hút đội ngũ trí thức có chất lượng cao, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 822, Quyết định 10, Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND,... . Trong những năm qua đã thu hút được một đội ngũ tri thức khá đông đảo về công tác trong các ngành, các cấp của tỉnh; riêng năm 2011 đã có 252 hồ sơ thạc sỹ, đại học loại giỏi đăng ký.


    Ý kiến bạn đọc