Cử tri đề nghị tỉnh cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm đảm bảo về chất lượng
EmailPrintAa
14:00 30/03/2012

Câu hỏi: Cử tri đề nghị tỉnh cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm đảm bảo về chất lượng; kiểm tra, giám sát tư cách pháp nhân, hoạt động của các tổ chức liên doanh liên kết đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, giới thiệu việc làm, môi giới, tư vấn xuất khẩu lao động trên địa bàn; đánh giá lại loại hình liên kết đào tạo, có quy định bắt buộc gắn đào tạo với giải quyết việc làm nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế của địa phương, khắc phục đào tạo tràn lan như hiện nay

Trả lời:

- Hiện nay, trên toàn địa bàn tỉnh có 35 cơ sở dạy nghề, gồm 33 đơn vị trực thuộc địa phương và 02 đơn vị trực thuộc Trung ương; trong đó có 02 trường cao đẳng nghề và 01 phân hiệu cao đẳng nghề; 05 trường trung cấp nghề; 12 trung tâm dạy nghề; 03 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tham gia dạy nghề và 12 cơ sở giáo dục khác có hoạt động dạy nghề. Số cơ sở dạy nghề ngoài công lập 5 đơn vị. Tổng quy mô đào tạo gần 27.000 người; số lượng tuyển sinh năm 2010 là 23.897 người, trong đó cao đẳng nghề 1.328 người, chiếm 5,56%,trung cấp nghề 5.148 người chiếm 21,54%,sơ cấp nghề 17.421 người chiếm 72,90%.

Năm 2010, UBND tỉnh giao Sở LĐ - TB và XH phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhất là lao động nông thôn trên toàn tỉnh;  tổ chức khảo sát thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động tại các dự án trọng điểm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để từ đó định hướng, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch về số lượng, ngành nghề đào tạo theo hướng tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, có trên 90%  học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề được giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

- Công tác quản lý nhà nước về dạy nghề ngày càng được củng cố, từng bước nâng cao. Việc thành lập cơ sở dạy nghề và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề được thực hiện đúng quy định hiện hành của nhà nước. Tỉnh đã giao Sở LĐ - TB và XH tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở dạy nghề trong các hoạt động từ quá trình tuyển sinh, quá trình đào tạo, đến công tác tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề hàng năm và việc thực hiện các chính sách trong hoạt động dạy nghề,… đối với các cơ sở dạy nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề theo Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21/8/2009 của Chính phủ quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi hoạt động dạy nghề ngày càng phát triển thì đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề cấp tỉnh vẫn còn hạn chế, đặc biệt độ ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dạy nghề cấp huyện chưa được bổ sung; công tác quản lý nhà nước về dạy nghề tại cấp huyện và cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác này.

- Việc liên kết đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh được thực hiện với các cơ sở đào tạo thuộc các Bộ, ngành Trung ương và đã có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề do Tổng cục Dạy nghề cấp, đối với các ngành nghề liên kết đào tạo và chỉ thực hiện đối với ngành nghề mà các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh chưa đào tạo được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện tại, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, Trường Cao đẳng nghề Việt Đức đang liên kết đào tạo 800 sinh viên hệ đại học tại chức các ngành: Xây dựng cầu đường, Hệ thống điện, Kế toán, Quản lý đất đai, Luật. Các đơn vị dạy nghề như Trường Cao đẳng Công nghệ, Trường Trung cấp nghề, Trường Trung cấp nghề Mitraco, Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật đang liên kết với các trường cao đẳng thuộc các bộ, ngành trung ương đào tạo 808 sinh viên trình độ cao đẳng các nghề May công nghiệp, Khai thác mỏ, Luyện kim.

Ngoài ra, hệ thống các trung tâm GDTX, trung tâm KTTH - HN liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề với các cơ sở dạy nghề ngoại tỉnh cho các đối tượng học sinh hệ BTVH - học nghề với số lượng hàng năm trên 3.000 người.  Trong thời gian tới, khi Nghị định 49/2010/NĐ-CP được thực hiện, tỉnh sẽ có chỉ đạo cụ thể về liên kết đào tạo đối với các nghề mà các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa đào tạo được.

 Nhìn chung, các cơ sở dạy nghề đã tuân thủ các quy định, hướng dẫn về liên kết đào tạo của nhà nước, các lớp liên kết đào tạo đều có ý kiến đồng ý, cho phép của cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn và UBND tỉnh. Sở LĐ - TB và XH xây dựng kế hoạch, phối hợp các Sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức đào tạo. Vì thế, cơ bản các lớp liên kết đào tạo đã đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đầu ra và cam kết giải quyết việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo


    Ý kiến bạn đọc