Nhu cầu giống cho sản xuất nông, lâm nghiệp hiện nay chưa đáp ứng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư sản xuất giống; sản phẩm nông nghiệp làm ra bị tư thương ép giá, trong lúc giá các loại giống và vật tư tăng cao, biến động thường xuyên
EmailPrintAa
09:14 19/03/2012

Nhu cầu giống cho sản xuất nông, lâm nghiệp hiện nay chưa đáp ứng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư sản xuất giống; sản phẩm nông nghiệp làm ra bị tư thương ép giá, trong lúc giá các loại giống và vật tư tăng cao, biến động thường xuyên; hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều trên thị trường. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý

Trả lời:

- Hiện nay việc cung ứng giống còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hàng năm mới chỉ cung ứng được 2.500 tấn giống lúa (đáp ứng khoảng 30 - 40%). Giống cây lâm nghiệp bình quân hàng năm sản xuất 12 triệu cây (đáp ứng 75%). Giống trâu bò cung ứng đủ nhu cầu theo chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zebu và nâng cao chất lượng giống trâu, giống lợn cung ứng khoảng 620 ngàn con (đáp ứng 70%). Giống thuỷ sản đã sản xuất và cung ứng 30 - 40 triệu con giống thủy sản mặn lợ (đáp ứng khoảng 15%) và 12,4 triệu con giống cá ngọt các loại (đáp ứng khoảng 50%-60%). Số lượng giống còn lại các hộ gia đình dùng giống tự sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất và hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Trước thực trạng đó UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về chất lượng giống; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống đặc biệt là Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND, ngày 9/8/2011 về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến kích phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, trong đó có hỗ trợ giống và các dự án đầu tư về giống, nhằm khuyến khích các đơn vị, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống. Đồng thời, hàng năm trước khi bước vào vụ sản xuất, nhất là trường hợp thiếu nguồn giống do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng giống để cung ứng cho thị trường, không để người dân thiếu giống sản xuất. Ngày 7/6/2010 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1744/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các dự án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản cần đầu tư đến năm 2020, trong đó có 9 dự án đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện, gồm: Dự án Xây dựng, nâng cấp và mở rộng vùng sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh; Dự án Xây dựng trại màu và cây công nghiệp ngắn ngày; Dự án Bảo tồn, nhân giống, khôi phục và phát triển sản xuất bưởi Phúc Trạch theo hướng hàng hóa; Dự án Bảo tồn, nhân giống, khôi phục và phát triển sản xuất cây Cam bù theo hướng hàng hóa; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; Dự án xây dựng nâng cấp, cải tạo vườn ươm cây giống lâm nghiệp Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Dự án Cải tạo vườn ươm Kỳ Trung, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, Dự án Nâng cấp, mở rộng vườn ươm cây giống lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà, Dự án Nâng cấp trại lợn đực giống xã Đức Long, huyện Đức Thọ và đang xúc tiến đầu tư một số dự án giống khác như giống lạc, giống hươu, giống thủy sản,...về lâu dài, UBND tỉnh đang thực hiện Đề án củng cố, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp; trong đó có các Trung tâm giống, nhằm thực hiện việc cung ứng giống được tốt hơn,để mục tiêu đến năm 2020, đối với trồng trọt tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đối với cây lúa đạt 70%-85% và chấm dứt tình trạng các hộ gia đình tự sử dụng thóc thịt làm giống, đối với các cây khác đạt trên 70%; đối với chăn nuôi tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với bò thịt đạt 70%, bò lai đạt 50%, đối với lợn, gia cầm đạt 90%; đối với lâm nghiệp bảo đảm cung cấp 80% giống được công nhận; đối với thủy sản đảm bảo 75% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao.

 - Hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là tiêu thụ qua thương lái nên bị ép giá là thực trạng khó khăn của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm thô như ở tỉnh ta. Để khắc phục tỉnh trạng này UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa, được thể hiện bằng việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch, đề án chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn, như: Quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực, Quy hoạch mạng lưới chế biến nông lâm thuỷ sản, Quy hoạch ngành nghề nông thôn; Quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung, đề án phát triển chăn nuôi lợn,... khuyến khích phát triển sản xuất theo hình thức liên kết “4 nhà” trong đó chú trọng liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất.

 - Để hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các chính quyền địa phương thường xuyên triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, VSATTP, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Các hành vi vi phạm được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Năm 2011 đã phát hiện và xử lý 792vụtrong đó có 57 vụ kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng. Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý chất lượng vật tư hàng hóa; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra vào các thời điểm có khối lượng hàng hóa lưu thông lớn như: đầu vụ sản xuất, các tình huống thiên tai dịch bệnh.., để đảm bảo sản xuất an toàn và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.


    Ý kiến bạn đọc