Câu hỏi: Đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất các loại giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phươngđể ốn định bộ giống, phục vụ sản xuất cho Nhân dân; có giải pháp liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trả lời: 1.1. Về nội dung tập trung chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất các loại giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để ổn định bộ giống, phục vụ sản xuất cho Nhân dân:
Hà Tĩnh có tổng diện tích gieo cấy lúa hằng năm trên 100.000ha, nhu cầu số lượng lúa giống khoảng 6.000 tấn/năm.
Trước năm 2012, vụ Đông Xuân sản xuất với 3trà chính, nhưng từ năm 2012, chỉ còn cơ cấu sản xuất trà Xuân muộn. Bộ giống lúa sản xuất trong các năm qua của tỉnh ta giảm dần từ năm 2011 (vụ Xuân 46 giống, vụ Hè Thu 25 giống) đến năm 2014 (vụ Xuân 30 giống, vụ Hè Thu 20 giống) và đến nay cơ bản ổn định (vu Xuân 2018 là 23 giống, vụ Hè Thu 2018 là 20 giống). Trong đó giống chủ lực vụ Xuân là 18 giống, vụ Hè Thu 10 giống; nhóm giống ngắn ngày đã chiếm tỷ lệ trên 95% diện tích gieo cấy trong vụ Xuân; số lượng, chủng loại giống đưa vào sản xuất giảm rõ rệt từ 46 giống vụ Xuân năm 2012 đến vụ Xuân 2018 còn 23 giống.
Bộ giống hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu các địa phương về sinh thái, thổ nhưỡng vùng miền, tập quán canh tác và đáp ứng được yêu cầu thị trường hàng hóa; các giống có thời gian sinh trưởng ngắn sẻ giảm chi phí sản xuất, hạn chế cầu nối sâu bệnh từ vụ Xuân sang vụ Hè Thu, thu hoạch trước mùa mưa bão trong vụ Hè Thu, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất. Hằng năm tiếp tục chọn lọc, đánh giá để loại bỏ một số giống không còn phù hợp và bổ sung một số giống có năng suất, hiệu quả, chống chọi tốt với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, vùng miền của tỉnh ta rất đa dạng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của các đối tượng sâu bệnh gây hại; tâm lý sản xuất của người dân vẫn theo truyền thống tự để giống, có nơi không theo cơ cấu; tính ổn định của một số giống cơ cấu, nhất là các giống mới chưa cao (như giống Thiên ưu 8, VTNA2, HT1, Xi23..); công tác quản lý nhà nước về kinh doanh, buôn bán giống lúa có nơi chưa tốt.... nên bộ giống lúa vẫn còn một số hạn chế, vẫn phát sinh nhiều giống ngoài cơ cấu đưa vào sản xuất, kết quả sản xuất hằng năm vẫn còn xảy ra một số rủi ro, điển hình như thiệt hai do bệnh Đạo ôn cổ bông trên lúa Thiên ưu 8 vụ Xuân 2017.
Thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các Công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tập trung thực hiện một số
giải pháp, đặc biệt chú trọng vào lựa chọn xây dựng bộ giống có chất lượng, có khả năng thích ứng với biến đổi khi hậu, phòng chống dịch bệnh; đồng thời chỉ đạo hướng dẫn người tổ chức sản xuất đảm bảo quy trình kỹ thuật có hiệu quả, cụ thể:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân ý thức, chủ động trong việc sử dụng bộ giống chủ lực của tỉnh;
Yêu cầu UBND cấp huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả bộ giống đã cơ cấu trong đề án sản xuất từng mùa vụ;
- Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực các doanh nghiệp sản xuất giống trên địa bàn để sản xuất và cung ứng đủ giống cho người sản xuất;
- Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn;
- Tiếp tục chỉ đạo Công ty Giống cây trồng Hà Tĩnh và các Công ty giống trên địa bàn, nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm để bổ sung vào Bộ giống của tỉnh một số giống có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh;
- Khuyến khích, kêu gọi, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đưa các giống mới vào sản xuất thử, trình diễn để lựa chọn bộ giống phù hợp với điều kiện khí hậu của Hà Tĩnh.
1.2. Về nội dung có giải pháp liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp:
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, ban hành các chính sách để hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân, THT, HTX. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 9,6% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn).
Điển hình các mô hình liên kết đã mang lại hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân như: Chuỗi liên kết sản xuất, thu mua chè xuất khẩu bền vững của Công ty CP chè Hà Tĩnh; Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lợn giống và lợn thương phẩm với Công ty CP Việt Nam, Tổng Công ty KSTM, gần đây có Công ty Golden Star; Chuỗi liên kết thu mua, bao tiêu ổn định sản phẩm cam, bưởi Phúc Trạch với Công ty Tân Thanh Phong, Công ty Vườn ươm Việt; liên kết sản xuất một số khâu trong cung ứng giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật với các HTX, hộ nuôi tôm trên cát với Tập đoàn CP; liên kết sản xuất, tiêu thụ cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với Công ty CP sữa Vinamilk...
Bên cạnh các mô hình thành công, cũng đã có nhiều mô hình khó khăn, không có hiệu quả hoặc dừng hoạt động, trong đó có nhiều mô hình bị thua lỗ như: Mô hình liên kết cung ứng giống, nuôi trồng, tiêu thụ cá mú, cá bơn, bào ngư với Công ty TNHH Phát triển Fienton; mô hình liên kết sản xuất nguyên liệu cho Dự án chăn nuôi bò Bình Hà; mô hình liên kết chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ; mô hình liên kết trồng cao su tiểu điền; mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả trên đất cát hoang hóa ven biển...
Mặc dù vậy, trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả 10 thực hiện Nghị quyết tam nông và 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã khẳng định, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp với các HTX, THT và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hướng đi đúng, cần phải có các giải pháp, chính sách, cách làm phù hợp để tiếp tục được nhận rộng, phát triển.
Cụ thể, xin báo cáo một số giải pháp chính như sau:
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thương mại, phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vai trò "đầu kéo"; đồng thời thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, lễ hội, kết nối cung cầu các sản phẩm nông nghiệp…;
- Tổ chức thực hiện tốt Đề án mỗi xã một sản phẩm “OCOP” để tạo ra các sản phẩm có thế mạnh, uy tín, chất lượng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
- Đánh giá, rút kinh nghiệm từ các mô hình liên kết sản xuất gặp khó khăn, thất bại và các mô hình liên kết thành công để đưa ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì các mô hình liên kết có hiệu quả bền vững và phát triển nhân rộng các mô hình liên kết mới trong thời gian tới, trong đó phải đánh giá sâu sát từng ngành, lĩnh vực sản xuất để có các giải pháp, cách làm phù hợp.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản để tạo ra các sản phẩm an toàn, có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Tin mới cập nhật
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)