Câu hỏi:
Vụ sản xuất Xuân 2017, người dân bị thiệt hại nặng nề do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra trên giốnglúaViệt Hương Chiếm vàThiên Ưu 8. Đề nghị tỉnh sớm kết luận về nguyên nhân gây bệnh và có chính sách hỗ trợ nhân dân
Trả lời:
Năm 2017, bệnh đạo ôn cổ bông đã gây thiệt hại cho lúa vụ Xuân với diện tích 20.782,8ha (chiếm 35,3% tổng diện tích lúa cả tỉnh), trong đó thiệt hại từ 30-70% là 7.633,3ha, thiệt hại trên 70% là 13.149,5ha. Các giống bị thiệt hại so với diện tích gieo cấy: Thiên ưu 8: 17.856,8/18.338ha (97,4%), Khang dân18, khang dân đột biến: 1.780,9/10.449,7ha (17%), P6: 73,2/2.305ha (3,2%), Vật tư Nghệ An 2: 252,1/4.764,6ha (5,3%), Việt Hương Chiếm (giống sản xuất thử) 93,6/93,6 (100%), giống khác: Nhị ưu 838, HT1, nhóm X..: 726,2/22.887,4ha (3,17%).
Một số phân tích, nhận định về nguyên nhân để xảy ra bệnh đạo ôn cổ bông UBND tỉnh đã giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn của Đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII.
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Bảo vệ thực vật đã có 03 văn bản trả lời nguyên nhân bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa vụ Xuân 2017 ở Hà Tĩnh(Văn bản số 1009/BVTV-TV ngày 16/5/2017, Văn bản số 1220/BVTV-TV ngày 14/6/2017, Văn bản số 5121/BNN-TT ngày 21/6/2017), cụ thể:
- Về khách quan:
+ Diễn biến thời tiết vụ Xuân 2017 vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 liên tục xuất hiện các đợt không khí lạnh kèm theo mưa kéo dài, ẩm độ 90-92%, nhiệt độ trung bình 21,6-22,90C. Do tác động của các đợt không khí lạnh nên nhiệt độ giảm, độ ẩm cao, kết hợp gió mùa Đông Bắc phổ biến cấp 3, 4 đã tạo điều kiện cho bào tử nấm nảy mầm và phát tán lây lan đồng loạt trên diện rộng. Thời gian này trùng với thời kỳ trổ bông của các trà lúa chín (trà trổ từ ngày 15-20/4 với diện tích 12.200ha (20,8% tổng diện tích); trà trổ từ 20-25/4: 38.000ha (64,6%); trổ sau 25/4: 8.585ha (14,6%)), nên mức độ xâm nhập, gây hại càng cao, trong khi hiệu quả phòng trừ thấp do tác động của các đợt mưa kéo dài.
+ Giống lúa Thiên ưu 8 qua các vụ đưa vào khảo nghiệm sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy là giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đây là giống có đặc điểm trổ nhanh, thời gian từ lúc bắt đầu đến kết thúc trổ chỉ trong vòng 5-7 ngày và trổ tập trung vào thời điểm 20-25/4/2017 đúng vào thời điểm thời tiết thuận lợi cho nấm phát sinh gây hại[1].
- Về chủ quan:Tập quán canh tác một số vùng còn gieo cấy dày, bón phân không cân đối, bón nặng đạm giai đoạn thúc đòng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Phần lớn sản lượng lúa vụ Xuân nông dân dùng làm lương thực cho gia đình; nhiều hộ dân không muốn phun thuốc trừ bệnh vào giai đoạn lúa trổ bông, vì gần tới ngày thu hoạch sẽ ảnh hưởng tới an toàn sản phẩm.
b) Bên cạnh trả lời của Bộ Nông nghiệp và PTNT về nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch bệnh đạo ôn cổ bông,UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT nhận thấy còn có một số nguyên nhân chủ quan khác, như:
- Do tính kháng của giống Thiên ưu 8 thấp đối với bệnh đạo ôn cổ bông trong điều kiện biến đổi khí hậu thể hiện rõ trong vụ Xuân 2017.
- Nhiều năm qua sản xuất lúa liên tục được mùa, cơ bản các đối tượng sâu bệnh đều được kiểm soát, nên ngành chuyên môn và các địa phương có phần chủ quan trong công tác chỉ đạo sản xuất, phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, do bệnh đạo ôn trong vụ Xuân năm nay phát sinh gây hại trên diện rộng, khác với quy luật nhiều năm, nên không lượng hóa được tình hình, dẫn đến công tác chỉ đạo phòng trừ chưa thật sự quyết liệt.
- Thực tiễn nhiều năm qua, việc xây dựng và triển khai Đề án sản xuất các vụ trong năm đang chủ yếu mang tính định hướng tổng thể diện tích lúa theo kế hoạch sản xuất và cơ cấu giống chủ lực trong từng mùa vụ, nên việc quản lý nhà nước về tỷ lệ các giống lúa gieo cấy chưa khoa học, chặt chẽ, không kiểm soát được diện tích sản xuất của từng giống trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như giống lúa Thiên ưu 8, mặc dù mới đưa vào cơ cấu sản xuất từ vụ Hè thu 2015, tuy việc mở rộng quá nhanh là do nhu cầu của người sản xuất, nhưng có trách nhiệm trong quản lý nhà nước về cơ cấu giống của Ngành Nông nghiệp và PTNT.
c) Trong vụ Xuân 2017 giống lúa Thiên ưu 8 ở các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa đều bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, tuy nhiên ở Hà Tĩnh bị trên phạm vi rộng, mức độ gây hại của bệnh rất nghiêm trọng, khác với diễn biến các năm trước. Vì vậy, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng phối hợp chỉ đạo để xác định rõ nguyên nhân một cách khách quan, khoa học, đến nay:
- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật và Học viện Nông nghiệp Việt Nam giám định nòi (chủng sinh lý) của nấm gây bệnh đạo ôn hại lúa vụ Xuân tại Hà Tĩnh, Cục Bảo vệ thực vật trả lời tại Văn bản số 2050/BVTV-TV ngày 1/9/2017:
"(1) Kết quả giám định từ mẫu bệnh đạo ôn cổ bông gồm các giống Khang dân 18, Thiên ưu 8, P6, Xi23, thu thập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xác định 4 nòi nấm gây bệnh đạo ôn cùng xuất hiện, gây hại.
(2) Các nòi nấm gây bệnh đạo ôn ở Hà Tĩnh đã xác định khác nòi mà nhóm tác giả Takahito Nodo, Nagao Hayashi, Phạm Văn Dư, Hoàng Đình Định, Lai Van E đã công bố năm 1999 trên Tạp chí Anh. Phytophatho.Soc.Jpn.65:526-530 (1999).
(3) Trên một giống có thể bị nhiều nòi của nấm gây bệnh đạo ôn cùng gây hại; một nòi có thể gây hại trên nhiều giống khác nhau".
d) Mặc dù Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản trả lời về nguyên nhân bệnh đạo ôn cổ bông, tuy nhiên để đánh giá khách quan, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng xác định nguyên nhân gây bệnh đạo ôn trên lúa Thiên ưu 8 trong vụ Xuân 2017 (tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 03/7/2017).
Ngày 09/10/2017, UBND tỉnh đã tổ chức họp nghe Hội đồng báo cáo bước đầu kết quả xác định nguyên nhân bệnh đạo ôn trên lúa Thiên ưu 8, mời đại diện các các cơ quan chuyên môn, cơ quan khoa học của Trung ương gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng dự cho ý kiến. Do đang còn nhiều ý kiến đánh giá, nhận định khác nhau nên UBND tỉnh đang chỉ đạo Hội đồng tiếp tục soát xét, tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến của các cơ quan Trung ương, làm rõ thêm một số nội dung trong báo cáo của Hội đồng để có kết luận cuối cùng đảm bảo chính xác, khách quan, khoa học, đúng với thực tế. Khi có kết luận chính thức của Hội đồng về nguyên nhân gây bệnh, UBND tỉnh sẽ thông báo kịp thời cho cử tri, Đại biểu HĐND tỉnh; đồng thời sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
[1]Nếu so sánh với điều kiện của một số địa phương khác trong vùng có thể thấy thời gian trổ của giống Thiên ưu 8 có sự sai khác với thời gian trổ tại Hà Tĩnh. Ví dụ ở Quảng Bình, thời gian trổ của giống Thiên ưu 8 từ 10-18/4. Quảng Trị từ 10-15/4, trong khi các đợt không khí lạnh xuất hiện từ 20-22/4.
Tin mới cập nhật
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)