Câu hỏi 3: Đề nghị tỉnh có khuyến cáo, giải pháp để người dân hiểu rõ tác hại và hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu bệnh bừa bãi làm ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ ở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trả lời:
3.1. Về kiến nghị đề nghị tỉnh có khuyến cáo, giải pháp để người dân hiểu rõ tác hại và hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu bệnh bừa bãi làm ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân trên địa bàn.
Thuốc bảo vệ thực vật là loại vật tư thiết yếu trong sản xuất trồng trọt, dùng để phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng. Qua khảo sát, hàng năm người sản xuất trên địa bàn tỉnh sử dụng trung bình khoảng 220 tấn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các đối tượng dịch hại trên cây trồng, gồm: Thuốc trừ cỏ khoảng 81 tấn, thuốc trừ sâu khoảng 65 tấn, thuốc trừ bệnh khoảng 67,5 tấn, thuốc trừ chuột khoảng 6 tấn và chất điều hòa sinh trưởng 0,5 tấn .
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu, ban hành các đề án sản xuất, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm; cấp 498 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quản lý nhà nước, như Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/4/2019, số 501/QĐ-BNN-BVTV ngày 12/02/2019, số 3435/QĐ-BNN-BVTV ngày 28/8/2018, số 03/QĐ-BNN-BVTV ngày 03/01/2017, số 278/QĐ-BNN-BVTV ngày 8/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cấm sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật trên lãnh thổ Việt Nam. Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, từ đó khuyến cáo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở sản xuất và người dân triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, trong đó hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng phương pháp, đúng thời điểm). Hiện nay, cơ bản các cơ sở kinh doanh và người sản xuất đã hiểu biết và nhận thức sâu sắc về tác dụng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ người sản xuất chưa tuân thủ kỹ thuật sử dụng thuốc theo quy định.
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất đối với sức khỏe cộng đồng, hạn chế tác hại của thuốc đối với môi trường, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trọng tâm sau:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cấp chứng chỉ chuyên môn và giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết toàn diện về thuốc bảo vệ thực vật cho người sản xuất; từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ; triển khai áp dụng sản xuất theo VietGAP, hữu cơ, các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, thâm canh lúa cải tiến…
- Làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, nắm chắc diễn biến của các loài dịch hại trên đồng ruộng, chủ động đưa ra cảnh báo và các giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ kỹ thuật, từng bước hiện hại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo dịch hại.
- Cũng cố, nâng cao năng lực chuyên môn của Tổ bảo vệ thực vật ở các Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi tại các huyện, thành phố, thị xã và lực lượng bảo vệ thực vật cơ sở tại các xã.
- Xây dựng đề án sản xuất mùa vụ, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa hình, vùng sinh thái, thổ nhưỡng; thực hiện các giải pháp về luân canh, bảo vệ lực lượng thiên dịch trên đồng ruộng và duy trì cân bằng hệ sinh thái.
3.2. Về kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ ở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm
Những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp nói chung, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nói riêng. Hàng năm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành, địa phương triển khai thực hiện; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức các quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, thị trường thuốc bảo vệ thực vật trong tỉnh tương đối ổn định, có 498 cơ sở kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu do các doanh nghiệp có uy tín cung ứng như: Công ty Bảo vệ thực vật 1 Trung ương, Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc trời, Công ty khử trùng Việt Nam, Công ty TNHH Việt Thắng, Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn...; qua kiểm tra, từ năm 2017 đến nay không phát hiện thuốc giả, thuốc ngoài danh mục trên địa bàn tỉnh; các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành tốt các quy định (kết quả thanh tra, kiểm tra 3 50 cơ sở, phát hiện 07 cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh đã xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn khắc phục).
Mặc dù vậy, thị trường hàng hóa luôn có những biến động, nhất là đối với hàng hóa có tính chất đặc thù như thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
- Bám sát các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục bảo vệ thực vật để chủ động tham mưu và thông tin, hướng dẫn kịp thời các quy định liên quan về sản xuất, kinh doanh, sử thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục phổ biến đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt đến tận cơ sở và người sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật, các quy định trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc; các chế tài xử lý trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thưc vật.
- Thực hiện việc niêm yết và công khai thông tin các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương để người dân nắm và lựa chọn trong quá trình giao dịch; kịp thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sai phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo đinh kỳ và đột xuất, chú trọng trong thời điểm đầu vụ, thời điểm dịch phát sinh gây hại nặng; tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật tại cơ sở, phát huy tinh thần giám sát cộng đồng để chủ động phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tin mới cập nhật
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)