Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản;
EmailPrintAa
09:33 19/03/2012

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản; chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra và xử lý kiên quyết những vi phạm trong cấp giấy phép, khai thác, chế biến, tiêu thụ, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ và hoàn trả môi trường sau khai thác.

Trả lời:

Nội dung này thời gian qua, đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 123/NQ-HĐND ngày 30/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở TN và MT và các Sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đẩy mạnh công tác thanh tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về khai thác, chế biến, tiêu thụ và bảo vệ môi trường trong và sau khai thác. Cụ thể:

 

* Về công tác quản lý nhà nước:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ dân và doanh nghiệp trong quản lý và khai thác khoáng sản.

Từ năm 2010 đến nay, Sở TN và MT đã tổ chức 02 hội nghị phổ biến Luật Khoáng sản cho đại diện các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương (huyện, xã) nơi có mỏ và các tổ chức hoạt động khai thác mỏ; Sở Công thương tổ chức 02 hội nghị giới thiệu các văn bản pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp và hướng dẫn chuyên môn về vật liệu nổ công nghiệp cho các đơn vị hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở TN và MT còn phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở trang mục về tài nguyên môi trường.

Vừa qua, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức gặp mặt đối thoại nhằm làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp đồng thời giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các đơn vị khai thác khoáng sản.

- Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-UBND ngày 13/6/2008. Tuy nhiên để phục vụ cho các công trình, các dự án trọng điểm đang triển khai nên nhu cầu VLXD trên địa bàn tỉnh tăng cao; căn cứ đề xuất của chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã giao Sở TN và MT phối hợp với các cơ quan liên quan, đơn vị tư vấn thu thập tài liệu, số liệu lập Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên.

Về Quy hoạch "Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh" UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở TN và MT tiếp tục hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2012.

- Để cụ thể hóa Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực khoáng sản phục vụ công tác quản lý; từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 01 Chỉ thị, 01 Quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn (Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 13/4/2011 về việc tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 về quy chế quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công văn số 2600/UBND-CN1 ngày 04/8/2011 về việc giải quyết hồ sơ cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh,...)

Ngoài ra, Sở TN và MT đã ban hành  210 văn bản để đôn đốc, hướng dẫn và triển khai công tác quản lý, hoạt động khoáng sản, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương cũng đã ban hành các văn bản để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định về lập thiết kế mỏ, quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho công nhân và an toàn lao động,...

- Chỉ đạo công tác điều tra, thăm dò địa chất phục vụ công tác cấp phép hoạt động khoáng sản: Thực hiện chủ trương khai thác gắn với chế biến sâu, đa dạng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị khoáng sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư khi đề nghị cấp phép phải thực hiện thăm dò, đánh giá trữ lượng; yêu cầu tất cả các đơn vị đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nhưng chưa đầu tư thăm dò, trước ngày 30/3/2012 phải hoàn thành việc thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản trong diện tích được cấp phép.

* Về chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra và xử lý những vi phạm trong hoạt động khoáng sản:

Việc thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm đã được các ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc. Ngoài thanh tra, kiểm tra định kỳ còn tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể:

- Năm 2010, Sở TN và MT đã tiến hành kiểm tra việc khai thác đá của 15 tổ chức trên địa bàn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản 243,5 triệu đồng và tham mưu UBND tỉnh thu hồi 03 giấy phép, thông báo hết hiệu lực 08 giấy phép. Đoàn kiểm tra liên Bộ gồm Bộ Công Thương (chủ trì), Bộ LĐ - TB và XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã kiểm tra hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh; Thanh tra Bộ LĐ - TB và XH kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các mỏ đá

- Năm 2011, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra việc chấp hành các qui định của pháp luật trong quá trình hoạt động về công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ tại 61 cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng. UBND tỉnh đã tạm dừng khai thác một phần diện tích mỏ đá của 02 đơn vị do khai thác không đúng quy trình, quy phạm; tạm đình chỉ khai thác 02 mỏ do không ký hợp đồng thuê đất, chưa có quyết định bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ và khai thác khi giấy phép đã hết hạn; tạm ngừng sử dụng VLNCN 02 đơn vị do giấy phép hết hạn và chưa đăng ký lại giấy phép VLNCN với cơ quan nhà nước có thẩm quyền,... Tháng 10/2011, liên Bộ TN và MT, Công Thương, Xây dựng, LĐ - TB và XH đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình cấp phép hoạt động khoáng sản vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, hàng năm Thanh tra Sở TN và MT phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (PC 36) và các đơn vị liên quan kiểm tra việc khai thác khoáng sản trái phép. Cụ thể: khai thác đất tại các xã Kỳ Tân, Kỳ Long, Kỳ Liên (huyện Kỳ Anh), xã Sơn Bình (huyện Hương Sơn); khai thác cát tại xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà), các xã Kỳ Lạc, Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh), các xã Thịnh Lộc, An Lộc (huyện Lộc Hà). Kiểm tra việc tàng trữ trái phép khoáng sản Ilmenite ở xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh) và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác, vận chuyển kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra đã được các cấp, ngành triển khai thường xuyên, tuy nhiên tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn trong khai thác khoáng sản còn lớn. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 123/NQ-HĐND ngày 30/7/2010 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

+Sau khi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 được ban hành, giao Sở TN và MT phối hợp với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam triển khai việc tập huấn đến toàn thể các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã và tất cả các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

          + Chỉ cấp phép khai thác đối với khu vực đã được thăm dò, đơn vị xin cấp phép phải có vốn chủ sở hữu bằng 30% hoặc 50% trong đề án thăm dò và dự án đầu tư, có giấy chứng nhận đầu tư, có ĐTM đối với các dự án khai thác khoáng sản rắn có sử dụng VLNCN; chỉ  cấp phép ở những khu vực đã được Quy hoạch.

          +  Giao sở TN và MT rà soát tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết thu hồi giấy phép được cấp nhưng không triển khai, hoặc triển khai không đúng các quy định trong giấy phép và trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt; đình chỉ đối với các trường hợp khai thác ngoài diện tích giấy phép, vượt quá sản lượng cho phép, không có thiết kế mỏ, giám đốc điều hành mỏ, không có hợp đồng thuê đất và báo cáo đánh giá tác động môi trường, không ký quỹ phục hồi môi trường, không bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường; đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp xin cấp phép để chuyển nhượng không đúng quy định. Đối với các mỏ đã khai thác xong, yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm túc quy trình đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.

+Các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 30/12/2009 của UBND tỉnh về việc phân bổ phí bảo vệ tài nguyên môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

          + Ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan, chính quyền các cấp trong việc giải quyết thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

+ Các sở, ngành có liên quan tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, giải quyết kịp thời cho các doanh nghiệp, đặc biệt là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất.


    Ý kiến bạn đọc