Câu hỏi 3.Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, cử tri đề nghị:
- Kiểm tra, xử lý việc trang trại chăn nuôi lợn của một số hộ dân xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh xả thải làm ô nhiễm nguồn nước Đập Hóa Dục, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên; quan tâm và có giải pháp xử lý tình trạng Đập Đá Hàn bị bồi lắng, nguồn nước có dấu hiệu bị ô nhiễm do ảnh hưởng của dự án rồng cây Cao su, dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà. Cử tri đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết (Cử tri huyện Cẩm Xuyên).
- Kiểm tra và có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước tại đập Khe Lang (Cử tri huyện Đức Thọ).
- Có chính sách hỗ trợ di dời lò mổ gia cầm tại phường Tân Giang, nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm (Cử tri TP Hà Tĩnh).
Trả lời:
3.1. Kiểm tra, xử lý việc trang trại chăn nuôi lợn của một số hộ dân xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh xả thải làm ô nhiễm nguồn nước Đập Hóa Dục, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên; quan tâm và có giải pháp xử lý tình trạng Đập Đá Hàn bị bồi lắng, nguồn nước có dấu hiệu bị ô nhiễm do ảnh hưởng của dự án rồng cây Cao su, dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà:
a. Về việc trang trại chăn nuôi lợn của một số hộ dân xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh xả thải làm ô nhiễm nguồn nước Đập Hóa Dục, xã Cẩm Lĩnh:
Đập Hóa Dục là đập nước nằm trên hồ Đập Dọng, có diện tích khoảng 04ha thuộc địa bàn 02 xã Kỳ Bắc - huyện Kỳ Anh và xã Cẩm Lĩnh - huyện Cẩm Xuyên, có mục đích cấp nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của xã Cẩm Lĩnh.
Theo báo cáo của các địa phương và qua kiểm tra thì trên địa bàn xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh có 02 trang trại chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Châu (quy mô nuôi 600 con lợn nái) và HTX Bình An (quy mô nuôi 117 con lợn nái/ quy mô theo thiết kế là 600 con lợn nái). Tại thời điểm kiểm tra ngày 09/7/2018 cho thấy: tại trang trại của HTX Hoàng Châu bể biogas bị hỏng (bạt phủ có dấu hiệu bị xẹp), phát hiện ống xả nước thải trực tiếp ra đập Hóa Dục từ hồ lắng thứ nhất; tại trang trại của HTX Bình An cũng phát hiện bể biogas có dấu hiệu bị hư hỏng, tuy nhiên lượng nước thải ở hồ lắng thứ 3 ít chưa đủ để thải ra môi trường do HTX giảm quy mô nuôi so với trước đây. Ngoài ra xung quanh đập Hóa Dục còn có đất trồng cây lâm nghiệp và đất trồng lúa của các hộ dân.
Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TNMT phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại kiểm tra, giám sát và có văn bản đôn đốc các trang trại xả thải vào đập Hóa Dục lập hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định, gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ về Sở TNMT để theo dõi, giám sát. Trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến nguồn nước đập Hóa Dục sẽ nghiêm túc xử lý theo quy định của pháp luật.
b. Về ý kiến Đập Đá Hàn bị bồi lắng, nguồn nước có dấu hiệu bị ô nhiễm do ảnh hưởng của dự án trồng cây Cao su, dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà
Hồ Đá Hàn tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên có lưu vực hứng nước khoảng 10 km2, trên lưu vực của hồ có hai khe là nguồn sinh thủy chính của hồ bao gồm: Khe Giữa và khe Gát, lưu vực dòng chảy của hai khe này đều chảy qua diện tích trồng cỏ của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà. Trên lưu vực của hai khe có một số trang trại và gia trại của người dân trong vùng, chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, lợn và trồng rừng.
Năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TNMT kiểm tra, xử lý: Theo kết quả phân tích chất lượng nước tại thời điểm kiểm tra thì nguồn nước chảy qua khu vực dự án chăn nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà không bị ô nhiễm. Chất lượng nguồn nước hồ Đá Hàn cũng chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Riêng đối với mẫu nước mặt tại đầu nguồn khe Gát, trước khi chảy qua dự án của Công ty Bình Hà có 6/13 thông số phân tích vượt giới hạn cho phép, đã yêu cầu UBND huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn, phối hợp với UBND xã Cẩm Quan, UBND xã Cẩm Hưng rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp khu vực đầu nguồn khe Gát, nghiêm cấm mọi hành vi xả nước thải không đạt quy chuẩn vào nguồn nước lưu vực khe Gát. Đồng thời chỉ đạo Chi nhánh nhà máy nước Cẩm Xuyên phải chủ động trong công tác bảo vệ nguồn nước hồ Đá Hàn, tuyên truyền người dân không thả gia súc, gia cầm trên và xung quanh hồ; Công ty CP chăn nuôi Bình Hà tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt; về phía địa phương cần tuyên truyền cho người dân có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, hạn chế các hoạt động chăn thả gia súc, gia cầm xung quanh lưu vực hồ Đá Hàn, có biện pháp hợp lý khi trồng và thu hoạch cây lâm nghiệp như thu dọn vỏ cây sau khi thu hoạch,… để hạn chế tác động tới nguồn nước lưu vực hồ Đá Hàn.
3.2. Về việc kiểm tra và có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước tại đập Khe Lang:
Năm 2017, theo ý kiến phản ánh của cử tri huyện Can Lộc, UBND tỉnh đã chỉ đạo và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện Đức Thọ và UBND Can Lộc kiểm tra, rà soát các nguồn thải vào hồ Khe Lang (hồ nằm trên địa bàn 2 huyện Đức Thọ và Can Lộc) và phối hợp với đơn vị có đủ chức năng lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng nước hồ Khe Lang. Qua kết quả rà soát của các trên địa bàn huyện Can Lộc có 03 trang trại gia súc, 01 trang trại gia cầm và 21 hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình; trên địa bàn huyện Đức Thọ có 03 trang trại chăn nuôi lợn và 01 trang trại chăn nuôi bò là những nguồn thải chính trong lưu vực có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Khe Lang. Ngoài ra, nước mưa chảy tràn cuốn theo chất hữu cơ từ thảm thực bì phân hủy, từ tro bụi do hoạt động đốt thực bì của các hộ khai thác rừng keo, bạch đàn xung quanh hồ cũng có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Khe Lang.
UBND tỉnh đã chỉ đạo và Sở TNMT và UBND các huyện Can Lộc và Đức Thọ triển khai một số nội dung nhằm giảm thiểu tác động đến chất lượng nguồn nước chảy vào lưu vực hồ Khe Lang. Đến nay, trong số 03 trang trại có nguồn thải chính vào hồ Khe Lang nêu trên có 01 hộ đã chuyển sang nuôi gà, 01 hộ đã dừng chăn nuôi; 01 hộ đã giảm quy mô nuôi từ 500 con xuống 250 con lợn thịt; các hộ nuôi nhỏ lẻ cơ bản đã xây dựng nhà ủ phân, bể biogas để xử lý chất thải; tại Đức Thọ có 04 nguồn thải chính thải vào các lưu vực chảy về hồ Khe Lang[1], tuy nhiên khoảng cách các trang trại chăn nuôi này cách xa hồ Khe Lang (khoảng 800m-1000m), vì vậy mức độ ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Khe Lang là không đáng kể.
Ngoài ra, xung quanh hồ Khe Lang có hoạt động đốt thực bì của các hộ khai thác rừng keo, bạch đàn cũng có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện Can Lộc và Đức Thọ tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các trang trại, các hộ chăn nuôi xung quanh lưu vực hồ Khe Lang, yêu cầu các trang trại phải khắc phục các tồn tại theo kết luận của đoàn kiểm tra, thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn về bảo vệ môi trường trước khi thải ra môi trường tiếp nhận; đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân khai thác rừng hạn chế việc đốt thực bì, thu gom, xử lý thực bì theo quy định nhằm hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nước chảy vào hồ Khe Lang.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường theo dõi, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra đối với các trang trại thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; có văn bản đôn đốc các đối tượng này lập hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định, gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ về Sở TNMT để theo dõi, giám sát. Trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Khe Lang sẽ nghiêm túc xử lý theo quy định của pháp luật.
3.3.Có chính sách hỗ trợ di dời lò mổ gia cầm tại phường Tân Giang, nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm:
Về lò mổ gia cầm tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh: Khoảng cách từ lò mổ đến khu dân cư quá gần (khoảng 30m), không đảm bảo theo quy định, vì vậy UBND TP Hà Tĩnh đã đề nghị đóng cửa và di chuyển cơ sở giết mổ này (phương án đề xuất: Xây dựng lò giết mổ mới hoặc mở rộng Lò giết mổ tập trung tại xã Thạch Đồng theo quy hoạch giai đoạn 2 đã được phê duyệt). Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng Lò giết mổ mới và mở rộng Lò giết mổ tại xã Thạch Đồng cần nguồn kinh phí lớn với công nghệ hiện đại, UBND TP đề nghị có chính sách hỗ trợ kinh phí để triển khai việc di dời. Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành không đề cập chính sách hỗ trợ để thực hiện việc di dời cơ sở gây ô nhiễm. Tuy nhiên, tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 65 Luật đất đai 2013 có đề cập việc thu hồi đất ở trong khu vực ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi cơ sở gây ô nhiễm và “Doanh nghiệp chi trả trong trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người do doanh nghiệp đó gây ra; trường hợp doanh nghiệp đã giải thể, phá sản thì tiền bồi thường, hỗ trợ do ngân sách nhà nước chi trả”. Theo đó, để giải quyết vấn đề này (vấn đề hỗ trợ kinh phí di dời cơ sở gây ô nhiễm), thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu giải quyết theo quy định.
[1] Trang trại chăn nuôi bò của Công ty TNHH Khánh Giang (quy mô 500 con) và 03 trang trại chăn nuôi lợn (quy mô 500 con/lứa) của ông Nguyễn Văn Định, ông Phan Đức Quang và ông Phan Văn Huynh
Tin mới cập nhật
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)