Trả lời:
Hiện nay ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đang là vấn đề gây bức xúc cho nhân dân và chính quyền địa phương các cấp. Mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh khá lớn (260.000 tấn/năm), tuy nhiên lượng rác thải thu gom và xử lý còn thấp (ở đô thị mới đạt 65-70%, ở nông thôn mới đạt 35-40%), một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom xử lý gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Khó khăn nhất hiện nay là hệ thống các khu xử lý chất thải rắn còn rất thiếu, chưa đủ kinh phí để đầu tư. Việc thành lập các tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ thu gom và xử lý; nhiều huyện thị các bãi rác đang trong tình trạng tạm bợ, chủ yếu là nơi đổ rác, vì vậy nguy cơ gây ô nhiễm là rất cao.
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách về thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 132/2010/NQ-HĐND ngày 13/10/2010 phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng những năm tiếp theo; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 09/12/2008 về phê duyệt quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cho các đô thị tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng Nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên; đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng khu xử lý chôn lấp rác thải tại xã Hồng Lộc - huyện Lộc Hà và thị trấn Nghèn - huyện Can Lộc và xem xét chuẩn bị đầu tư một số nhà máy chế biến phân vi sinh, xử lý chất thải rắn tại Nghi Xuân, KKT Vũng Áng và huyện Kỳ Anh,...
Song song với việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường, ban hành hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; khuyến khích nhân rộng mạng lưới các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường thông qua các hoạt động, như trang bị xe đẩy tay bổ sung phương tiện cho các HTX môi trường, hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện để mua xe ô tô vận chuyển rác; lựa chọn các mô hình HTX điển hình tiên tiến xuất sắc để có các chính sách hỗ trợ phù hợp và tổng kết nhân rộng, đồng thời có các chính sách hỗ trợ khác về cơ chế hoạt động, về đất đai,... Đến nay toàn tỉnh đã có 38 tổ chức thu gom chất thải rắn, UBND tỉnh đã trích 500 triệu đồng, Sở TN và MT trích hơn 300 triệu đồng để mua xe đẩy tay hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường, có thêm trang thiết bị hoạt động. Tổ chức tập huấn và triển khai các đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường xuống các địa phương tham gia hoạt động thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn.
Ngoài vấn đề rác thải, hiện nay vấn đề thoát nước thải và quy hoạch xây dựng các khu nghĩa trang khu vực đô thị và nông thôn cũng đang được các địa phương hết sức quan tâm. Theo chủ trương quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tinh thần Nghị quyết 132/2010/NQ-HĐND, tất cả các xã, phường, thị trấn đều phải quy hoạch nghĩa trang và bãi rác hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải, khu nghĩa trang, hệ thống thoát nước là hết sức khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang kêu gọi các nguồn vốn(Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp), tranh thủ tối đa các nguồn viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức phi Chính phủ và các nguồn tài trợ quốc tế khác để đầu tư các công trình xử lý môi trường. Hà Tĩnh đang được hỗ trợ từ nguồn vốn ADB thông qua các dự án "Hỗ trợ kỹ thuật cấp nước và vệ sinh nông thôn các tỉnh miền Trung" và Dự án Cải thiện môi trường đô thị miền Trung; Nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên đang áp dụng công nghệ bằng vốn vay ODA - Vương quốc Bỉ; xưởng chế biến phân vi sinh từ rác thải tại xã Thạch Hạ đang được đầu tư xây dựng với sự tài trợ của tổ chức UNESCAP... Hiện tại tỉnh đang kêu gọi Công ty Đại Việt Mỹ và Công ty CP Đầu tư và PT Tâm Sinh Nghĩa đầu tư nhà máy phân vi sinh từ rác thải tại các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong việc huy động các nguồn lực xây dựng các khu xử lý chất thải, hệ thống thoát thải, quy hoạch xây dựng nghĩa trang gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải cùng với ý thức tự giác của mỗi người dân trong công tác vệ sinh môi trường thì vấn đề ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ sớm được khắc phục.
Tin mới cập nhật
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII ( 26/09)