Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý về Luật xây dựng Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
EmailPrintAa
17:02 12/09/2024

Để chuẩn bị cho nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 12/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trần Đình Gia và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đậu Tùng Lâm chủ trì cuộc làm việc

Đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trần Văn Kỳ; Chánh án Tòa án  nhân dân tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu và đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị địa phương.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 chương, 68 điều, quy định hoạt động công nghiệp công nghệ số; bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến công nghiệp công nghệ số. Dự thảo Luật được xây dựng bám sát 2 nhóm chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua, đó là: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và Bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dương Văn Tuấn trình bày báo cáo về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Tại hội nghị, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự án Luật có một số nội dung liên quan đến Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Dữ liệu (đang được các Bộ liên quan xây dựng). Vì vậy, cơ quan chủ trì (Bộ TT&TT) cần phối hợp với các Bộ, ngành để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, tránh chồng chéo.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Xuân Từ phát biểu

Các đại biểu đồng tình thông tin dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu. Cho ý kiến liên quan tới nội dung bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động công nghiệp công nghệ số, an toàn và bảo mật dữ liệu, phát triển nhân lực... đại biểu cho rằng cần thêm các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực; làm rõ hơn các quy định về bảo mật thông tin, đặc biệt là về trách nhiệm và chế tài xử lý khi xảy ra vi phạm, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và các bên tham gia...

Ông Nguyễn Văn Tính - Đội trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho ý kiến chi tiết liên quan đến đối tượng áp dụng, các khái niệm, quy định về thu hút; sử dụng nhân tài công nghệ số; điều kiện thành lập, mở rộng khu công nghệ số; quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo...

Đại biểu cũng đưa ra các đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm nội dung về tuân thủ các thỏa thuận quốc tế để phù hợp với nội dung hợp tác quốc tế; xem xét bổ sung thêm trường hợp “cấp lại” đối với các loại giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số để áp dụng đối với những trường hợp làm hư hỏng, làm mất, điều chỉnh thông tin…; bổ sung quy định chi tiết nội dung về các ngành nghề mới về công nghệ số; giải thích từ ngữ bổ sung...

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị,– Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu và cho rằng đây là lĩnh vực mới nên rất cần sự tham gia góp ý của các ngành, địa phương. Các ý kiến của đại biểu là cơ sở để Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, góp phần để dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sớm được thông qua.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc