Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
EmailPrintAa
15:34 12/10/2022

Sáng ngày 12/10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng pháp luật dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ( sửa đổi). ). Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì hội nghị
Tham dự có các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh; đại diện UBMTTQ tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và các sở, ngành có liên quan

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần này có 7 chương, 80 điều; so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 49 điều, bổ sung 29 điều, bổ sung 1 chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Việc sửa đổi, bổ sung này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thực tiễn quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa báo cáo về công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi này là điều rất cần thiết để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế và giải quyết một số bất cập trong các quy định hiện không còn phù hợp. Có ý kiến đề nghị gộp 2 điều (Điều 5 và Điều 6) về chính sách của Nhà nước thành một điều chung, cân nhắc việc luật hóa nội dung “góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” tại khoản 6, Điều 5 của dự thảo Luật.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần tham gia ý kiến góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Các đại biểu đề nghị Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)  cần bổ sung các quy định về quyền kiểm tra và trả lại hàng hóa trong quá trình nhận hàng online; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp trong triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Lập Quỹ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để hỗ trợ cho hội hoạt động tốt hơn. Tăng cường công tác giám sát chặt chẽ hoạt động thử nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với các tổ chức đã được chỉ định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật...

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, một số đại biểu đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu kết thúc hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh: Việc xây dựng  dự án Luật là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Đồng chí cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, có thêm ý kiến đóng góp bằng văn bản để hoàn thiện các dự án Luật. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc