VPQH đã làm được gì, chưa làm được gì? VPQH là cơ quan giúp việc hay cơ quan tham mưu, giúp việc? Có cần đổi mới cơ cấu tổ chức không? Đổi mới theo hướng nào, lộ trình ra sao?... là một loạt câu hỏi thẳng thắn mà đại biểu đặt ra tại Hội thảo Tổ chức và hoạt động của bộ máy QH Việt Nam vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc. Nhiều phương án, kiến nghị cụ thể, thuyết phục, tâm huyết nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tính khả thi của các kiến nghị, là sự phù hợp với tiến trình đổi mới tổ chức hoạt động của QH, của bộ máy Nhà nước. Điều này gợi ra những tìm tòi mô hình cho bộ máy giúp việc đang vận hành trên nền tảng pháp lý cũ lại đứng trước những thách thức, yêu cầu nhiệm vụ mới lớn hơn, nặng nề hơn
Hiến pháp cần phải quy định chức danh Tổng thư ký QH
Nguyên UVTƯ Đảng, nguyên ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão đã kiến nghị như vậy.
Theo Nguyên chủ nhiệm VPQH, đánh giá về hoạt động của bộ máy giúp việc QH nên đánh giá toàn diện, tổng kết lại, nên lấy mốc thời gian khi bước vào đổi mới, tương ứng với với QH các khóa từ Khoá VIII cho đến Khóa XIII với những mặt được và chưa được, như vậy mới khách quan. Trong cái được của QH, có cái được của VPQH, trong cái chưa được của QH có cái chưa được của VPQH. Đã từng 20 năm làm tại VPQH với 15 năm Chủ nhiệm của Ủy ban Đối ngoại và VPQH, tôi đã tích lũy rất nhiều, từ những bỡ ngỡ để học hỏi kiêm nhiệm. Tổng kết lại, tôi thấy trong những cái được của QH đều có dấu ấn đều có hình bóng của VPQH. Lãnh đạo QH luôn cho những đường lối cơ bản, thực sự tham mưu và đề xuất là VPQH. Chúng ta cần tham mưu cho QH, Lãnh đạo QH những vấn đề bất cập, không chỉ của bộ máy giúp việc của QH mà cả của QH nói chung.
Hiện nay chúng ta đang tập trung sửa đổi Hiến pháp 1992, nhưng chức danh Tổng thư ký QH không được quy định. Tôi kiến nghị, hiến pháp cần phải quy định chức danh Tổng thư ký QH, nên khẳng định có chức danh Tổng thư ký QH. Lịch sử phải tiến lên, sau này có chức danh Tổng thư ký QH sẽ nâng tầm, để bộ máy của VPQH có tầm quan trọng với người đứng đầu. Đề nghị, chúng ta cần phải tham mưu, quy trình để thông qua Hiến pháp 1992 cần phải làm rõ, trước hết phải sửa Luật Tổ chức QH, rồi sau đó hoàn thiện. Chúng ta đã thừa nhận những thành quả của đạt được của QH rất tốt, nhưng vẫn chưa thỏa mãn…; cần đóng góp ý kiến cho tiến trình phát triển và đổi mới của QH.
Tập trung một đầu mối để phục vụ UBTVQH cũng như HĐDT và các Ủy ban
Đề cập đến mô hình bộ máy giúp việc QH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Việt Trường cho rằng mô hình khó có thể khác như mô hình hiện nay. Cần tập trung một đầu mối để phục vụ QH được hiệu quả. Phó chủ nhiệm phân tích rõ: Để đánh giá về hoạt động của bộ máy giúp việc QH, theo tôi nên dành thời gian nghiên cứu, tiến hành tổng kết các nghị quyết đã có. Theo tôi, để sau khi Hiến pháp 1992 sửa đổi xong, nhưng chúng tôi muốn mô hình khó có thể khác như mô hình hiện nay tập trung một đầu mối để phục vụ UBTVQH cũng như HĐDT và các Ủy ban. Nhưng tổ chức như thế nào, tôi thấy bắt đầu nghiên cứu từ cơ sở pháp lý của nó.
Hiện nay, cơ sở pháp lý chỉ nêu QH có cơ quan giúp việc do UBTVQH tổ chức, giao thẩm quyền cho UBTVQH trong khi đó lại không cân nhắc kỹ HĐDT và các Ủy ban cũng có địa vị tương đương như UBTVQH. Chỉ khác UBTVQH được QH giao cho một số nhiệm vụ thực hiện giữa hai kỳ họp, còn HĐDT và các Ủy ban quyết định nội dung, báo cáo thẩm tra và báo cáo giám sát các chương trình hoạt động. Trên thực tế, HĐDT và các Ủy ban, kinh phí do QH phân bổ hàng năm, nhưng quyết định chi tiêu lại không có quyền... Theo tôi, trong nội bộ VPQH nên có cơ chế nào đó để Chủ tịch HĐDT và Chủ nhiệm các Ủy ban chứ không phải chờ xin ý kiến của Chủ nhiệm VPQH. Về chức năng, nhiệm vụ, nên sửa lại căn cứ pháp lý, cơ quan VPQH được lập ra do QH có một cơ quan giúp việc cho cả UBTVQH và HĐDT và các Ủy ban. Cần có cơ chế phát huy, tạo môi trường làm việc mạnh mẽ hơn cho HĐDT và các Ủy ban.
VPQH Việt Nam hiện nay ít người nhất và tiêu ít tiền nhất nhưng yêu cầu về công việc lại quá nhiều
Trăn trở với những mâu thuẫn giữa tổ chức bộ máy và yêu cầu nhiệm vụ mới, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung nhấn mạnh các yêu cầu đặt ra trong quá trình đổi mới tổ chức và khả năng thực thi.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm, đến nay bộ máy giúp việc QH đã cơ bản đổi mới nhưng cơ chế vận hành vẫn hạn chế, chưa hiệu quả. Việc đổi mới bộ máy QH còn nhiều việc phải làm. Tôi cho rằng, VPQH Việt Nam hiện nay ít người nhất và tiêu ít tiền nhất nhưng yêu cầu về công việc lại quá nhiều. Vậy chúng ta phải đổi mới, đổi mới như thế nào? Đổi mới QH và ĐBQH phải tạo ra áp lực, động lực cho ĐBQH và trách nhiệm cho ĐBQH đòi hỏi ĐBQH phải sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thực tế tại một địa phương, khi một vụ việc được quyết định là sai toàn diện thế nhưng Đoàn ĐBQH tại đây không có tiếng nói. Phải chăng tại địa phương này chưa có áp lực cho đại biểu, hay chưa có bộ máy giúp việc. Do vậy tôi đề nghị, đổi mới phải tăng áp lực cho ĐBQH, cơ quan QH đòi hỏi bộ máy giúp việc chất lượng cao hơn, thiết thực hơn… Tôi đề nghị, sửa Luật Tổ chức QH, trước hết quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của ĐBQH, nhiệm vụ của các cơ quan của QH. Nếu cần thiết có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm của cử tri đối với đại biểu đó thì mới tạo áp lực cho mỗi ĐBQH.
VPQH làm sao phải tạo những điều kiện thuận lợi cho ĐBQH vừa thực thi được trách nhiệm của mình và phát huy được vai trò của mình với cử tri
Đây chính là mong muốn của ĐBQH vào cơ quan giúp việc của mình. ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh, bộ máy giúp việc QH có tác dụng tốt nhất trong hiệu quả và hiệu ứng hoạt động QH. Từ các ý kiến đã khái quát, mong muốn có sự thay đổi bộ máy QH được hiệu quả hơn. Nhìn lại theo đặc thù QH nước ta, trước hết, dùng khái niệm bộ máy QH là rất khiêm nhường. Vì chính bộ máy này có tác dụng tốt nhất trong hiệu quả và hiệu ứng hoạt động QH nói chung và thông qua các ĐBQH. Hiệu quả chính là những đóng góp trực tiếp của ĐBQH thực thi những nhiệm vụ luật định với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Còn hiệu ứng cũng quan trọng không kém là mối giao tiếp giữa ĐBQH và của tri của mình, thông qua đó là mối giao tiếp giữa cử tri và QH cũng như bộ máy hành pháp. Theo tôi tính hiệu ứng là yếu tố rất quan trọng thông qua hoạt động QH là xây dựng thì niềm tin của người dân. Vì vậy, bộ phận giúp việc của VPQH làm sao phải tạo những điều kiện thuận lợi cho ĐBQH vừa thực thi được trách nhiệm của mình và phát huy được vai trò của mình với cử tri.
Mỗi bước đổi mới trong hoạt động của QH đều đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới cho cơ quan giúp việc
Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh như vậy. Tôi cho rằng, mỗi bước đổi mới, cải tiến trong hoạt động của QH, đều đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi cơ quan giúp việc của QH phải đổi mới, cải tiến phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, có chất lượng và hiệu quả cao hơn; hướng tới việc xây dựng bộ máy giúp việc QH hiện đại, chuyên nghiệp cả về cơ cấu tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, còn những vấn đề đang đặt ra. Hiện nay, về địa vị pháp lý của VPQH chưa tương xứng với vai trò quan trọng của thiết chế; còn những bất cập, chồng chéo trong các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp của VPQH còn chung chung; mô hình bộ máy giúp việc HĐDT và các Ủy ban chưa thật hợp lý… Do vậy, để đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của QH, các cơ quan phục vụ QH cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động.
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 16/10)
- Nhiều kiến nghị có giá trị trong việc lấy ý kiến góp ý dự án luật lĩnh vực thuế - tài chính , ngân sách của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh ( 15/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ( 11/10)
- Nhiều ý kiến chất lượng góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ( 09/10)
- Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên ( 08/10)