Xoá rào cản, tạo bình đẳng giới thực chất
EmailPrintAa
16:30 17/12/2021

Sáng ngày 16.12, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo khu vực miền Trung đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Nguyễn Thị Kim Thúy, Đặng Thuần Phong và Nguyễn Hoàng Mai đồng chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo

Dự trực tiếp có các cơ quan đại diện, chuyên gia, báo cáo viên về bình đẳng giới; đại diện Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh Miền Trung và một số điểm cầu tại các địa phương như Bình Thuận, Quảng Bình, Gia Lai… Về phía tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Trần Đình Gia, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy và Bà Susan Shen Trưởng ban Phát triển xã hội bền vững Vùng Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới đánh giá hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ liên quan đến bình đẳng giới. Chất lượng lồng ghép bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật ngày càng nâng cao, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực… Chủ trì mong muốn, thông qua hội thảo cung cấp thêm những thông tin hữu ích về các tiếp cận bình đẳng giới toàn diện. Từ đó, có những hành động thiết thực nhằm đạt được bình đẳng giới trên thực tế.

Các đại biểu dự Hội thảo

Hội thảo đã nghe các báo cáo viên chia sẻ về: Các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Báo cáo về bình đẳng giới ở Việt Nam; Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách; chia sẻ vấn đề giới trong một số lĩnh vực….

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định bình đẳng giới vừa là mục tiêu quốc gia, yếu tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là thước đo quan trọng để đánh giá sự tiến bộ, phát triển của xã hội. Đây là một trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc và nếu không đạt được Việt Nam sẽ không thực hiện được các SDGs vào năm 2030 như đã cam kết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá vẫn còn nhiều khoảng trống trong thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 nhiều quy định về bình đẳng giới đã không còn phù hợp và không ít vấn đề mới về bình đẳng giới phát sinh. Bên cạnh đó, vẫn còn những khoảng cách về giới đang tồn tại, như tỷ số giới tính khi sinh gia tăng; khuôn mẫu, định kiến về chọn các ngành học phù hợp với giới và phân luồng vào một số ngành nghề hẹp; định kiến với phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, áp lực giới đối với nam...

Các đại biểu khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong đó tăng cường lồng ghép giới; tập trung thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, bố trí nguồn lực đa dạng hoá để thực hiện các mục tiêu; tập trung giải quyết các rào cản căn bản đối với bình đẳng giới, xây dựng và thực hiện một chiến lược truyền thông quốc gia để giải quyết các chuẩn mực xã hội mang tính định kiến về giới, thu hút nam giới tham gia tích cực, tăng cường tạo nguồn để bảo đảm tăng tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo nhằm tạo ra bình đẳng giới thực chất hơn...

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc