Các làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ có nguy cơ mai một cao
EmailPrintAa
11:27 12/01/2024

Sáng 12/01/2024, Đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành khảo sát các làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ.

Đoàn khảo sát tại hộ ông Nguyễn Trọng Hà, Tổ dân phố Tân Miếu, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh

Qua khảo sát, cho thấy: Làng nghề truyền thống rèn đúc Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) xuất hiện cách đây khoảng gần 700 năm. Các sản phẩm chủ yếu của nghề rèn, đúc truyền thống gồm: Các loại dao thái chặt, cuốc, vên, xuổng, kéo, đục bạt, các linh kiện máy công nghiệp, đầu bơm li tâm, bơm hút khai thác quặng… Năm 2014, làng nghề rèn truyền thống Trung Lương được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống.

Hiện nay trên địa bàn phường Trung Lương có 104 hộ rèn, đúc; trong đó, có 3 cơ sở đúc sản phẩm chủ yếu sản xuất linh kiện các chi tiết máy công nghiệp, 101 hộ rèn, gia công cơ khí, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động; có 01 cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 26,47ha. Năm 2020, có một sản phẩm của làng nghề được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Doanh thu đạt trung bình 52 tỷ đồng/năm, bình quân doanh thu một hộ gia đình 500 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho mỗi lao động từ 6- 8 triệu đồng người /tháng.

Đoàn khảo sát tại Công ty TNHH Núi Hồng, Cụm công nghiệp Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh

Bên cạnh kết quả đạt được thì làng nghề rèn truyền thống Trung Lương còn gặp nhiều khó khăn do hàng hóa trên thị trường đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá thành rẻ hơn các sản phẩm của làng nghề. Lực lượng trực tiếp lao động sản xuất ngày một già và ít đi; lực lượng trẻ rất ít, các gia đình chủ yếu đầu tư cho con ăn học để tìm kiếm ngành nghề khác. Các cơ sở sản xuất chưa mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học đầu tư máy móc trang thiết bị vào sản xuất, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún. Số lượng hộ di chuyển cơ sở sản xuất từ làng ra cụm công nghiệp còn ít.

Đoàn khảo sát Nghề đóng thuyền truyền thống Thôn Bến Đền , xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ

Tại huyện Đức Thọ, Nghề đóng thuyền truyền thống Thôn Bến Đền, xã Trường Sơn có cách đây trên 420 năm. Năm 2016, được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Những năm gần đây, do nhu cầu thuyền gỗ ít được người dân sử dụng nên việc sản xuất của làng đóng thuyền giảm mạnh, một số cơ sở làng nghề chuyển sang nghề mộc dân dụng.

Đoàn đề nghị cấp ủy, chính quyền cần định hướng động viên các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuẩt, đổi mới mẫu mã sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sử dụng của sản phẩm. Hỗ trợ làng nghề đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể gắn với chỉ dẫn địa lý.

Đối với phường Trung Lương cần tập trung huy động, tranh thủ các nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Trung Lương để vận động, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở rèn trong làng vào sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành vùng sản xuất tập trung.

Đối với xã Trường Sơn cần quy hoạch làng nghề kết hợp nghề chế biến hến đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm, cảnh quan; xây dựng các các tour, tuyến du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm trên sông La. Xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình, dự án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Vận động di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vào Cụm công nghiệp Trường Sơn.

Người dân tại các làng nghề cũng mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt băng phần diện tích mở rộng của cụm công nghiệp Trung Lương; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm rèn đúc Trung Lương; hỗ trợ xét công nhận nghệ nhân của làng nghề tuyền thống. Quan tâm hỗ trợ làng nghề truyền thống đóng tàu kinh phí đầu tư xây dựng Âu thuyền phục vụ sản xuất làng nghề và xây dựng điểm tuor tuyến du lịch Sông La.

Hồng Sâm - Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc