Người dân làm nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn để tăng quy mô sản xuất
EmailPrintAa
18:55 11/01/2024

Tiếp tục chương trình khảo sát về các làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, chiều 11/01/2024, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã khảo sát tại Nghề truyền thống nón lá Đan Du, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh và Nghề truyền thống chế biến nước mắm Tam Hải, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh.

Đoàn khảo sát tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh

Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn huyện Kỳ Anh có 04 nghề truyền thống đã được công nhận bao gồm: Nghề chế biến nước mắm Xuân Phú (xã Kỳ Xuân); nghề làm nón lá Kỳ Thư (xã Kỳ Thư); nghề làm bánh đa, bánh mướt Chợ Cầu (xã Kỳ Châu) và nghề làm bún thôn Phương Giai (xã Kỳ Bắc). Trong đó, Nghề làm nón lá xã Kỳ Thư được du nhập vào địa phương từ năm 1946, trở thành nghề truyền thống của nhiều dòng họ, nhiều gia đình liên tiếp các thế hệ đều tại làng Đan Du.

Nguyên liệu làm nên sản phẩm nón lá là cây tre, cây đùng đình, lá nón… được khai thác tại địa phương. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ thông qua các chợ trên địa bàn huyện, địa phương lân cận và các tỉnh miền Nam, khu vực Tây Nguyên. Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh chính thức công nhận Nghề truyền thống nón lá Kỳ Thư với 215 hộ dân làm nghề. Hiện nay, có 90 hộ thường xuyên làm nón nhưng đang dần bị mai một vì các nghệ nhân trong nghề lớn tuổi đã mất, nguyên liệu sản xuất ngày càng ít, nghề đòi hỏi sự tỉ mỹ, mất nhiều thời gian nhưng giá trị kinh tế thấp, đầu ra khó khăn; công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức...

Đoàn khảo sát tại hộ sản xuất kinh doanh nước mắm Nhất Ninh và HTX chế biến thủy sản Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh

Tại thị xã Kỳ Anh, có 01 nghề truyền thống đã được công nhận (Nghề chế biến nước mắm Tam Hải, xã Kỳ Ninh). Thôn Tam Hải 1 và Tam Hải 2 có 01 Hợp tác xã, 03 cơ sở sản xuất kinh doanh và 121 hộ gia đình tham gia hoạt động chế biến nước mắm; có 05 cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao (HTX chế biến thủy sản Chiến Thắng, hộ sản xuất kinh doanh Nhất Ninh, Hộ sản xuất kinh doanh Khoàn Minh, hộ Diện Xuân và hộ Trang Hương).

Bên cạnh thu nhập đưa lại cho người dân thông qua nghề chế biến nước mắm thì hiện nay 02 thôn còn gặp khá nhiều khó khăn do số cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động chế biến thủy hải sản tại thôn còn ít (125 hộ/542hộ, chiếm 23,1%), chủ yếu là hộ gia đình cá nhân quy mô nhỏ, khối lượng sản phẩm còn ít. Chưa có nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm chuyên sâu; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; đối tượng khách hàng chưa phong phú; còn phụ thuộc nhiều vào thương lái; chưa có liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với các doanh nghiệp trên cả nước. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dựa trên nguồn vốn của gia đình, một phần vay vốn tín dụng nên thiếu vốn mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ và quảng bá thương hiệu sản phẩm… Các sản phẩm chủ yếu được làm thủ công, áp dụng kỹ thuật truyền thống.

Đoàn khảo sát đề nghị thời gian tới các cơ sở sản xuất kinh doanh tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cần tiếp tục tuyên truyền vận động, nâng tỷ lệ các hộ tham gia làm nghề; nâng cao tỷ lệ hộ có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, vệ sinh an toàn thực phẩm; có giải pháp tạo vùng nguyên liệu cho các nghề truyền thống; thành lập thêm các tổ hợp tác; xây dựng, hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm…

Tại các điểm khảo sát, người dân mong muốn tỉnh quan tâm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề nhất là hỗ trợ xây dựng nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản, chế biến sản phẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị máy móc để sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Hồng Sâm - Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc