Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý thảo luận về Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
EmailPrintAa
15:13 11/11/2020

Tại phiên thảo luận tổ (sáng 11/11) về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã có những ý kiến góp ý xác đáng đảm bảo tính khả thi của các dự án Luật này.

Phó Trưởng đoàn phụ trách đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tại phiên thảo luận tổ

Trước hết theo đại biểu việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần này được Nhân dân, dư luận xã hội quan tâm, do đó cần phải có đánh giá tác động một cách đầy đủ, khách quan trên nhiều phương diện khác nhau; lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân, các cơ quan Bộ, ngành nhiều cấp, nhìn nhận một cách khách quan hướng tới An toàn giao thông - hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Trên cơ sở đó Phó Trưởng Đoàn phụ trách đề nghị việc tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành hai luật cần phải nghiên cứu đưa ra phương án để Quốc hội biểu quyết, cho ý kiến.

Theo đại biểu trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần phải bổ sung quy định về thiết kế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tuyến đường giao thông. Ngoài các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước cần phải có các chính sách huy động xã hội hóa, nhất các tuyến đường có tính chất thương mại, kinh tế nên tính toán hoạch định mang tầm chiến lược. Về quy hoạch đất cho giao thông từ năm 2008 đến nay đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, phương tiện giao thông rất nhiều và ngày càng gia tăng, một số nơi các tuyến đường giao thông tiền đền bù đất đai lớn hơn tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, cho thấy sự yếu kém trong việc tính toán, quy hoạch. Vì vậy đại biểu nhấn mạnh cần có khảo sát, nghiên cứu tính toán lại quy hoạch, dự phòng quỹ đất đai, theo đó tỷ lệ đất đai giữa đô thị và nông thôn cần giới hạn mức tối thiểu và tối đa.

Bên cạnh đó đại biểu đề nghị nguồn tài chính đầu tư xây dựng, bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng phải có tính toán phù hợp, trích tỷ lệ phù hợp cho việc bảo trì các tuyến đường giao thông. Thực tiễn nhiều con đường sau thiên tai hư hỏng nặng, việc sửa chữa không đảm bảo do thiếu tính toán trong nguồn bảo trì.

Cuối cùng theo đại biểu đề nghị cân nhắc cơ quan quản lý nhà nước nào chủ trì việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Đại biểu bày tỏ boăn khoăn liệu rằng giao cho Ngành Công an quản lý thì sẽ không có giấy phép, bằng giả, thực sự có hiệu lực, hiệu quả hơn không? và việc chuyển đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép xe cho Ngành Công an thì các tài sản, trang thiết bị tính toán như thế nào để tránh lãng phí. Hiện nay thi cử đều áp dụng công nghệ, cũng như đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước thực hiện các nhiệm vụ này cũng đã vận hành thông suốt do đó cơ quan nào quản lý đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thuận tiện cho người dân thì nên cân nhắc kỹ lưỡng.

Hữu Quý - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc