Đại biểu và cử tri
EmailPrintAa
19:26 27/01/2012

Ví von một cách hình tượng thì mối quan hệ và sự gắn kết giữa đại biểu và cử tri giống như một sợi dây. Sự bền chặt và tính hữu dụng của sợi dây sẽ giúp đại biểu phát hiện và phân tích những vấn đề của cuộc sống đang đặt ra; tạo cơ sở vững chắc để QH, HĐND quyết định đúng và trúng những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và giám sát hiệu quả việc thực thi chính sách pháp luật đã ban hành

Mối quan hệ giữa đại biểu cơ quan dân cử bao gồm QH và HĐND các cấp với cử tri được hình thành thông qua bầu cử và hoạt động của QH, HĐND theo quy định của pháp luật, cụ thể là khi cử tri sử dụng lá phiếu của mình bầu cho người ứng cử và người ứng cử được trúng cử làm đại biểu QH hoặc đại biểu HĐND. Mối quan hệ  này chính thức bắt đầu từ Kỳ họp thứ Nhất - khi người trúng cử được cơ quan dân cử cùng cấp thông qua nghị quyết công nhận tư cách đại biểu - và kết thúc khi bế mạc kỳ họp cuối cùng của mỗi nhiệm kỳ QH, HĐND. Đại biểu thực hiện tốt mối quan hệ với cử tri vừa là nghĩa vụ mang tính pháp lý vừa mang tính đạo lý.

 Hơn 65 năm qua, từ năm 1946 khi QH và HĐND khóa đầu tiên của nước Việt Nam mới ra đời đến nay, mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri ở nước ta đã từng bước trở thành truyền thống, trở thành nếp sống văn hóa chính trị XHCN, đã chung sức, chung lòng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng tới mục tiêu cao cả là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN độc lập - tự do - hạnh phúc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong quá khứ, nhiều thế hệ đại biểu và cử tri đã nhận thức đúng và thực hiện tốt mối quan hệ này, đã tổng kết và để lại di sản và bài học quý báu cho đại biểu và cử tri hiện nay noi theo và phát huy.

Về phương diện đạo lý

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, cử tri là người tham gia chọn lựa giới thiệu người đủ điều kiện vào danh sách ứng cử viên, đến ngày bầu cử, cử tri sử dụng lá phiếu bầu cho ứng cử viên mà mình chọn lựa làm đại diện tại cơ quan quyền lực nhà nước cấp Trung ương - QH và cấp địa phương - HĐND, gửi gắm nguyện vọng, ý chí của mình để đại biểu thể hiện tại các kỳ họp và các diễn đàn khác của cơ quan quyền lực nhà nước. Đại biểu là người đã nhận ở cử tri sự ủy nhiệm, đồng thời cũng nhận nợ tình cảm của cử tri. Mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, mang tính đạo lý cao cả.

Hầu hết các đại biểu khi trúng cử đều nhận thức rõ vai trò của mình là người đại diện cho lợi ích, ý chí và quyền làm chủ về chính trị của cử tri. Trong lương tâm của mỗi đại biểu cũng như cử tri đều tự nguyện, tự giác duy trì mối quan hệ với nhau một cách tự nhiên và thường xuyên. Khi đại biểu và cử tri gặp nhau giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể đại biểu với tập thể để trao đổi, bàn bạc về các vấn đề cùng quan tâm, hai bên đều thể hiện sự chân tình, thẳng thắn, cởi mở, vui vẻ. Cử tri nêu và kiến nghị đại biểu chuyển đến QH, HĐND xem xét, giải quyết những mong muốn của mình khi quyết định ban hành Hiến pháp, các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và của công dân. Cử tri cũng cung cấp cho đại biểu những thông tin từ thực tiễn, những vấn đề từ hơi thở, nhịp đập của đời sống xã hội, đề nghị đại biểu kiến nghị QH, HĐND giám sát những sự việc nổíi cộm, bức xúc trong quá trình chính quyền các cấp tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách do QH, HĐND ban hành. Đại đa số cử tri đã hăng hái “hiến kế” để đóng góp những ý kiến tâm huyết, thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước và địa phương ngày càng giàu mạnh. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, đại biểu có cơ hội “nói cho cử tri nghe” đồng thời “nghe cử tri nói”. Càng gắn bó với cử tri, đại biểu càng nhận thấy mình được cử tri tiếp thêm sức mạnh tinh thần, hiểu biết thêm về tình hình thực tế, củng cố niềm tin để làm tròn vai trách nhiệm đại diện của mình ở QH và HĐND.

Về phương diện pháp lý

Chế định về quan hệ giữa đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp với cử tri được ghi rõ trong Hiến pháp 1992, ở Điều 97, trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2002, ở Điều 51, trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân năm 2003, ở Điều 39. Như vậy, mối quan hệ đại biểu và cử tri mang tính pháp lý chặt chẽ. Theo đó, đại biểu QH, đại biểu HĐND có trách nhiệm bắt buộc phải liên hệ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của QH, HĐND, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp QH, HĐND đại biểu có trách nhiệm báo cáo với cử tri kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của QH, HĐND, vận động và cùng nhân dân thực hiện các nghị quyết đó. Đại biểu QH, đại biểu HĐND nhận được yêu cầu, kiến nghị của cử tri phải có trách nhiệm trả lời cử tri.

Trong các nhiệm kỳ vừa qua, quan hệ giữa đại biểu và cử tri duy trì tốt, góp phần bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH và HĐND. Tuy nhiên, qua xem xét, đánh giá về mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri thời gian qua, UBTVQH và Thường trực HĐND các cấp đều cho rằng đang còn nhiều bất cập, hạn chế. Mối quan hệ này còn mang tính hình thức. Một bộ phận đại biểu và cử tri còn xa nhau, nhiều yêu cầu và kiến nghị của cử tri chưa được đại biểu QH, đại biểu HĐND trả lời đầy đủ và kịp thời. Tại diễn đàn QH, HĐND đại biểu chưa thu thập và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri. Mặt khác, ở một số hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri tham dự không đông, ý kiến phát biểu không nhiều,  kết quả hội nghị hạn chế... Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn đại biểu QH, đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm. Có đại biểu phải gánh 4 hoặc 5 chức danh cơ cấu nên có rất ít thời gian dành cho hoạt động của QH, HĐND, thường vắng mặt tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, các cuộc tiếp công dân. Ở một số địa phương do chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu hạn chế...

Nhiệm kỳ 2011- 2016 số lượng đại biểu QH và đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đã tăng thêm, chất lượng đại biểu cũng tăng nhiều, với sự cố gắng từ cả đại biểu và cử tri, quan hệ này sẽ được nâng lên. Về phía đại biểu, đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, duy trì thường xuyên mối liên hệ với cử tri, nhất là sắp xếp để đến tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, nắm bắt thông tin chính xác để “nói cho cử tri nghe” về kết quả hoạt động của QH, HĐND, trả lời cho cử tri biết các yêu cầu và kiến nghị của cử tri đã gửi cho mình một cách đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, tại diễn đàn QH, HĐND đại biểu phát biểu, phản ánh đầy đủ, trung thực nguyện vọng và kiến nghị của cử tri. Về phía cử tri, cần thông cảm và chủ động gắn bó với đại biểu, đóng góp ý kiến, cung cấp thông tin chính xác, động viên và tạo điều kiện để đại biểu hoạt động đúng vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Đại biểu và cử tri đều có chung khát vọng và lợi ích - cùng đồng hành trong suốt nhiệm kỳ QH, HĐND. Quan hệ đại biểu và cử tri tốt sẽ là cơ sở vững chắc để QH, HĐND thể hiện đầy đủ vai trò cơ quan quyền lực nhà nước, quyết định đúng và trúng những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và giám sát một cách hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của QH, HĐND đã ban hành.


    Ý kiến bạn đọc