Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân
EmailPrintAa
08:19 06/01/2012

Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh tại hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 2 tại tỉnh Nghệ An

 Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp nước ta ghi nhận và được quy định cụ thể trong Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 (đã được Quốc hội khoá XIII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012). Theo đó, công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Đ/c Hoàng Thị Cẩm Tú -TUV - Ủy viên TT HĐND tỉnh Hà Tĩnh, trình bày tham luận tại Hội nghị giao ban Thường trực các tỉnh Bắc trung bộ lần thứ 2

          Việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; trong đó quyền và nghĩa vụ của HĐND, đại biểu HĐND trong tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được quy định khá cụ thể trong các văn bản pháp luật.  Khoản 4 Điều 16 và các điều 24, 33, 40, 69 của Luật Tổ chức HĐND & UBND năm 2003 quy định: “HĐND quyết định biện pháp bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật”;  “Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đồng thời thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết...”; “Thường trực HĐND giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tổ chức Đoàn giám sát hoặc giao cho cán ban của HĐND giám sát”...Điều 87, Điều 89 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã quy định cụ thể quyền hạn của đại biểu HĐND các cấp trong xử lý khiếu nại, tố cáo và giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

          Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; việc tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân là một kênh thông tin phong phú để đại biểu HĐND hiểu rõ hơn về thực tiễn tình hình của tỉnh, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm; trong những năm qua, các cấp, các ngành ở tỉnh Hà Tĩnh nói chung, HĐND tỉnh nói riêng đã quan tâm thực hiện tốt công tác này và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

          I. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh và kết quả công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân

Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên phạm vi toàn tỉnh cơ bản ổn định, không có diễn biến phức tạp, phần lớn là các vụ việc đã được tiếp, hướng dẫn, giải thích nhiều lần; nội dung chủ yếu khiếu nại về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, hỗ trợ tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng, chế độ đối với người có công; tố cáo cán bộ, chính quyền cơ sở vi phạm trong quản lý đầu tư XDCB, quản lý, sử dụng ngân sách, quản lý đất đai; trước bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 có một số đơn thư liên quan đến nhân sự bầu đại biểu HĐND các cấp, chủ yếu là cấp xã và cấp huyện.

          Nhìn chung, công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cấp, các ngành quan tâm; UBND tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đều có trụ sở tiếp công dân; quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân; lịch tiếp dân định kỳ của lãnh đạo các cấp, các ngành được thực hiện nghiêm túc và có chất lượng. Hiệu quả từ thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh; giải quyết được tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của công dân, tạo lòng tin trong nhân dân.

Trong năm 2011, toàn tỉnh đã tiếp 3.047 lượt công dân (tiếp định kỳ 993, tiếp thường xuyên 2054 lượt), giảm 40,7% so với năm 2010; trong đó, cấp tỉnh tiếp 324 lượt, sở, ngành tiếp 594 lượt,cấp huyện tiếp 1.275 lượt, cấp xã tiếp 854 lượt. Tiếp nhận và xử lý 3.028 đơn thư (KN: 1.485, TC: 618, KNPA: 925), giảm 5,22% so với năm 2010, trong đó cấp tỉnh tiếp nhận 1.025 đơn, sở, ngành tiếp nhận 328 đơn, cấp huyện tiếp nhận 1.381 đơn, cấp xã tiếp nhận 294 đơn.

        Các cấp, ngành liên quan đã giải quyết 777/833 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính, đạt tỷ lệ 93,27%. Ngoài ra, đã trả lời trên 680 kiến nghị, phản ánh của công dân.

        Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã tham gia 12 phiên tiếp dân định kỳ tại trụ sở tiếp dân của tỉnh và tiếp 30 lượt công dân tại trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; tiếp nhận 194 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, đã phân loại và xử lý, chuyển 173 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định, trả lời bằng văn bản 3 phản ánh, đề xuất của công dân. Ngoài ra, trong 2 năm 2010, 2011, thực hiện dự án Tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức được 4 cuộc tiếp dân tại huyện, yêu cầu các cơ quan liên quan giải quyết tại chổ 8 đơn thư khiếu nại và giao trả lời, giải quyết bằng văn bản 63 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua giám sát và theo dõi kết quả giải quyết cho thấy, số đơn thư Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh chuyển đến các cơ quan hữu quan được giải quyết và có văn bản trả lời chiếm tỷ lệ trên 75%.

        Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công đồng chí Uỷ viên Thường trực tiếp dân định kỳ tại trụ sở tiếp dân của tỉnh; chỉ đạo nâng cao hoạt động phối hợp trong công tác xử lý, giải quyết đơn thư giữa Thường trực HĐND tỉnh với Đoàn ĐBQH tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các cơ quan hữu quan và Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố. Phân công các ban HĐND tỉnh chịu trách nhiệm xử lý và theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết đơn thư thuộc lĩnh vực ban phụ trách; xây dựng chương trình và thực hiện một số cuộc giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các cơ quan liên quan. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các cuộc tiếp công dân tại huyện và hướng dẫn Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức tiếp công dân tại xã. Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh bố trí 01 chuyên viên tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh tiếp nhận, xử lý đơn thư; đưa công tác tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo vào Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008...

        Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở các cấp, các ngành nói chung và ở HĐND tỉnh nói riêng còn một số hạn chế, tồn tại như sau:

        - Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm; một số đơn thư trả lời còn sơ sài, một số vụ việc giải quyết chưa thấu tình, đạt lý; còn có tình trạng đơn thư kéo dài.  Phần lớn các vụ việc phát sinh từ cơ sở nhưng số đơn thư khiếu nại, tố cáo thường ít gửi đến cấp xã mà chủ yếu là vượt cấp.

        - Công tác phối hợp giải quyết đơn thư giữa các ngành chưa đồng bộ. Việc xử lý, quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo còn bất cập, thiếu sót. Việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa cấp xã và cấp huyện, giữa cơ quan hành chính (UBND huyện) và cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân huyện) còn lúng túng.

          - Công tác nắm tình hình, nội dung bản chất vụ việc chưa kịp thời, sâu sát; trong quá trình xem xét giải quyết còn nặng về hành chính, chưa đi sâu tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn. Đặc biệt là tình trạng ngại va chạm, ngại đối thoại nên một số vụ việc phức tạp chưa giải quyết được triệt để.

          - Một số vụ việc đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Việc theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo còn thiếu chặt chẽ.

          - Việc tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên của HĐND tỉnh về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tổ chức các cuộc tiếp dân tại cấp huyện và cấp xã của Thường trực HĐND, các ban HĐND các cấp thực hiện chưa được nhiều.

          Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên, chủ yếu là do cơ chế, chính sách và các qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa đồng bộ. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt; vẫn còn tình trạng một số đơn thư bị né tránh, đùn đẩy giải quyết, lòng vòng qua nhiều cấp, nhiều ngành. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về các qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, do vậy một số vụ việc tuy đã giải quyết đúng qui định của pháp luật, đảm bảo trình tự thủ tục nhưng công dân cố tình đeo bám khiếu kiện hoặc khiếu kiện vượt cấp, có thái độ thiếu hợp tác với chính quyền trong tổ chức thực hiện quyết định. Đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở nói chung và đội ngũ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu kinh nghiệm, không đủ khả năng tham mưu xử lý và giải quyết kịp thời, thấu đáo các vụ việc...

Toàn cảnh Hội nghị giao ban Thường trực các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 2

         

II. Một số kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở Hà Tĩnh

          1. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ mạnh, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Kết hợp chặt chẽ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với quá trình cải cách thủ tục hành chính.

          2. Đối với HĐND và đại biểu HĐND các cấp, phải xác định công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là nhiệm vụ thường xuyên của đại biểu. Các đại biểu phải xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, giúp công dân bảo vệ quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật. Do vậy các đại biểu phải nắm chắc Luật và thực hiện tốt các quyền hạn của mình đã được pháp luật quy định. Kinh nghiệm cho thấy, đại biểu làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, làm cho nhân dân tin tưởng vào chính quyền và tự nguyện thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.

          3. Thường trực HĐND phải quan tâm tăng cường bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND, nhất là kỹ năng liên hệ với cử tri, tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; thường xuyên tổ chức trao đổi, tập huấn, rút kinh nghiệm để giúp đại biểu HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

          Đại biểu HĐND phải chủ động nghiên cứu nắm vững quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để trao đổi, giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện đúng trách nhiệm của mình; tích cực theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặt khác, cũng phải thông tin, giải thích cho nhân dân được biết, HĐND không phải là cơ quan hành pháp, thẩm quyền của HĐND các cấp chỉ xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, không có thẩm quyền trực tiếp giải quyết, vì vậy không phải gửi đơn thư đến HĐND là giải quyết được hết mọi vấn đề, để tránh tình trạng công dân cố tình đeo bám khiếu kiện mặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời. 

          4. Ngoài việc tăng cường giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan, HĐND các cấp cần ưu tiên giám sát những lĩnh vực có thể xẩy ra tình trạng nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, hoặc khiếu nại đông người, như quản lý nhà nước về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, thực hiện chính sách lao động, thương binh và xã hội, công tác tuyển dụng công chức, viên chức...

          Tăng cường tiếp công dân tại trụ sở cơ quan HĐND, thực hiện nghiêm túc lịch tiếp dân của lãnh đạo các cấp, các ngành tại trụ sở tiếp dân của tỉnh, của huyện.

          Tiếp tục thực hiện và mở rộng hình thức tiếp dân của Thường trực HĐND tỉnh tại huyện, Thường trực HĐND cấp huyện tại xã; đây là một hình thức tiếp dân, giải quyết đơn thư khá hiệu quả, tại cuộc tiếp dân này, HĐND và các ngành liên quan cùng với địa phương có thể tập trung thảo luận, bàn bạc, đưa ra các giải pháp xử lý và đối thoại trực tiếp với nhân dân. Có biện pháp biểu dương, khen thưởng những cá nhân, đơn vị làm tốt; xử lý nghiêm minh các trường hợp không chấp hành Luật khiếu nại, tố cáo, cố tình chây ỳ trong giải quyết hoặc lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để làm trái quy định của pháp luật.

          5. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND, các ban HĐND, các đại biểu HĐND với Đoàn ĐBQH, MTTQVN, các cơ quan báo chí và chính quyền các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

          III. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian tới

          1. Đề nghị Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặc dù Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được Quốc hội khoá XIII thông qua, nhưng đến ngày 01/7/2012 mới có hiệu lực thi hành; vì vậy hiện nay việc thực hiện khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn đang áp dụng theo các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; các luật này quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một sốhạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong khi chờ Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành và triển khai thực hiện, Trung ương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và có các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

          2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ và nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp; ưu tiên tập trung ở những khu vực đang và sẽ triển khai đầu tư các chương trình, dự án liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh và các vấn đề xã hội.

          3. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân; tổ chức thực hiện đúng các nội dung về tiếp công dân theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Ngoài việc tiếp công dân thường xuyên và định kỳ theo quy định, đối với các trường hợp khiếu kiện đông người, Lãnh đạo chủ trì các địa phương, đơn vị phải chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động nắm chắc tình hình công dân đi khiếu kiện, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân và đề ra các biện pháp giải quyết không để phát sinh “điểm nóng”.

          4. Nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra đơn thư vượt cấp; tiến hành thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Kịp thời thông tin, công khai văn bản giải quyết vụ việc cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương về các vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, có lý, có tình nhưng công dân vẫn cố tình khiếu kiện, để xử lý đơn thư một cách thống nhất, đúng pháp luật.

          5. Thực hiện tốt công tác dự báo tình hình phát sinh khiếu kiện có thể xảy ra, nhất là ở những địa phương đang triển khai các chương trình, dự án và có phương án thích hợp để tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.

          Tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên  với các cơ quan hữu quan trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục các đoàn viên, hội viên của tổ chức mình chấp hành pháp luật khiếu nại, tố cáo; chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; đẩy mạnh công tác hòa giải các tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân tại cơ sở./.


    Ý kiến bạn đọc