Công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh - những vấn đề còn vướng mắc
EmailPrintAa
14:32 31/07/2023

Cùng với tiến trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, các khu, cụm công nghiệp, nhà ở của Nhân dân ngày càng phát triển, đi liền với đó nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) ngày càng tăng và đòi hỏi chất lượng cao hơn. Quản lý tốt về lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ góp phần để các doanh nghiệp, cá nhân khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hoạt động đúng định hướng, mang lại hiệu quả.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Lê Ngọc Huấn trả lời chất vấn về tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Vật liệu xây dựng cung chưa đáp ứng cầu

Tại Hà Tĩnh, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tỉnh tập trung thu hút đầu tư và triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là khởi công mới các Công trình, Dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh, các khu, cụm công nghiệp được tập trung khởi công xây dựng, dẫn đến thiếu hụt nguồn đất san lấp, cát xây dựng. Cát xây dựng theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn tỉnh có 37 khu vực mỏ, với tổng diện tích 382,5ha, tài nguyên dự báo 14.735.000m3; đến nay đã cấp phép khai thác 08 mỏ, với tổng diện 31,2ha, tổng trữ lượng 1.320.000m3, tổng công suất khai thác 130.123m3/năm đáp ứng khoảng 6% so với nhu cầu sử dụng cát xây dựng (nhu cầu 2.459.000m3/năm); ngoài ra còn có 74 bãi tập kết, kinh doanh cát xây dựng của các tổ chức, cá nhân; Đất san lấp theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn tỉnh có 94 khu vực mỏ, tổng diện tích 1.083,1ha, tài nguyên dự báo 132.267.000m3; đến nay đã cấp phép khai thác 21 mỏ, với tổng diện 158,7ha, trữ lượng 29.219.000m3, tổng công suất khai thác 2.793.156m3/năm đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu sử dụng đất san lấp (nhu cầu 5.439.000m3/năm).

Đá xây dựng gồm 39 khu vực, tổng diện tích 738,6ha, tài nguyên dự báo 119.170 ngàn m3. Diện tích còn lại chưa cấp phép 482,5ha, tài nguyên dự báo 30.505 ngàn m3; về đá xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu…

Việc thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng là một trong các lý do có tình trạng giá vật liệu xây dựng thực tế cao hơn giá công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo thông tin phản ánh từ một số doanh nghiệp cho thấy giá đất san lấp tại thị trường là 62.000 - 65.000 đồng/m3; nhưng giá công bố ở mức bình quân từ 52.000 đồng - 56.000 đồng/m3 tùy từng địa bàn của từng địa phương và loại đất...

Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước

Chưa chủ động rà soát, tính toán kỹ lưỡng, dự báo về nhu cầu vật liệu và đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ nâng công suất khai thác của các mỏ đã được cấp phép; chưa tập trung quyết liệt trong việc tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản (nhất là đất, cát) để bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chưa thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về đầu cơ, găm hàng hoặc thông đồng, thỏa thuận để găm hàng, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để trục lợi, nâng giá vật liệu hoặc niêm yết, hợp đồng mua bán thiếu trung thực không đúng với hóa đơn bán hàng.

Việc quản lý chất lượng vật liệu xây dựng lưu thông trên thị trường chưa chặt chẽ. Công tác thăm dò, dự báo tài nguyên khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Công tác quản lý trong việc cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản còn bất cập, dẫn đến khai thác không phép, trái phép còn diễn ra nhiều trong thời gian qua…Sản lượng xuất khẩu khoáng sản trong tỉnh chưa nhiều. Sản xuất vật liệu xây dựng công suất còn nhỏ, các sản phẩm chủ yếu là gạch xây, cát, đá, sỏi... thị trường tiêu thu bó hẹp trong tỉnh...

Hướng phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn

Về quan điểm, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng phải hướng tới sự ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh, tham gia thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Trước mắt, căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn kịp thời phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 và các năm tiếp theo bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh một cách hiệu quả, bài bản, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng, tỉnh cần sớm ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 theo hướng hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, loại bỏ các cơ sở khai thác, chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Dừng đầu tư mới đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung. Không sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông để làm vật liệu san lấp, đặc biệt đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu mới đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của thị trường và nền kinh tế; từng bước hội nhập khoa học và công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng trong nước, quốc tế. Nghiên cứu sử dụng các loại chất thải làm nguyên, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp vật liệu xây dựng.

Nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất những loại vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay. Có cơ chế ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng vật liệu từ phế thải, vật liệu mới thay thế vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường.

Các chủ đầu tư, doanh nghiệp cần đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu, cơ sở chế biến nguyên liệu chuyên nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn; đầu tư chiều sâu, nâng cấp công nghệ cũ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Chấp hành nghiêm túc về chế độ kê khai thuế, thực hiện đảm bảo các nghĩa vụ đối với nhà nước; kịp thời phán ảnh những khó khăn vướng mắc cho cơ quan quản lý nhà nước biết, xử lý./.

Lê Ngọc Hà - Phó Phòng CTHĐND

    Ý kiến bạn đọc