Hà Tĩnh - Đất nghĩa khí và tài năng
EmailPrintAa
13:37 23/12/2011

Kỳ 1: Đất nghĩa khí Đất Hồng Lam quả là “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, nhưng từ nghìn xưa, vốn hiểm trở và khắc nghiệt. Riêng vùng phía Nam, từ sông Cả đến đèo Ngang, lại có nét đậm hơn. Đây là nơi “cùng trời cuối đất” cách biệt khép kín.
Suốt trường kỳ lịch sử, cư dân ở đây - người bản địa và người di cư từ lưu vực sông Hồng, sông Mã, Bắc sông Cả vào, với khả năng thích nghi và sức hợp quần, đã biết chung sống, chấp nhận thực tại, nỗ lực phi thường, chế ngự gió Lào, bão bấc, hạn hán, mãnh thú, giao long… để sinh tồn và phát triển. Đây cũng là nơi diễn ra các biến cố xã hội nghiêm trọng thường xuyên: Chiến tranh, loạn lạc, giặc giã, trộm cướp, đói kém, dịch tễ…
 
Núi Hồng Sông La (ảnh Sỹ Ngọ)
 
Cuối cùng con người vượt qua mọi thử thách, đứng vững, biến vùng đất này thành bàn đạp cho công cuộc mở nước, thành chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp giữ nước. Cũng từ môi trường tự nhiên và xã hội như vậy con người tự rèn luyện, tạo một bản lĩnh, một bản tính nhẫn nại, cần cù, tằn tiện, cẩn thận, tháo vát, gan dạ, ngay thẳng, lạc quan, trương nghĩa, chung tình… Trong ứng xử, họ muốn cái gì cũng minh bạch, phải trái phân minh, yêu ghét rõ ràng. Đã nói là nói thẳng, đã làm là làm đến cùng. Có điều cái hay, cái dở đều đậm nét hơn bình thường, đều có phần thái quá, cực đoan: Tiết kiệm đến keo kiệt; khiêm nhường đến tự ti; thận trọng đến rụt rè, thẳng thắn đến bốp chát; gan dạ đến liều lĩnh, kiên định đến bảo thủ… cái thái quá, cái cực đoan đã trở thành một đặc điểm nổi bật trong tính cách người xứ Nghệ, người Nghệ Tĩnh.
 
Nhưng khi nói về người Hà Tĩnh, người ta hay nhắc đến hai mặt trội nhất mà lịch sử đã đóng dấu nhận thực: Nghĩa khí và Tài năng.
 
Nghĩa khí trước hết được biểu hiện qua những nghĩa cử bình thường của nhân dân.
 
Đã có một thư sinh Bùi Cầm Hổ du học Kinh sư đến cửa bộ Hình  xin minh oan cho người đàn bà chỉ vì mua lầm loại “lươn” hoàng xà có độc nấu cháo cho chồng ăn, mà bị kết án tử hình. “Bát canh hoàng thiện oan kia giả” là một câu trong bài thơ nôm của  tiến sĩ Bùi Kim Quý, quê Hải Dương ca ngợi ông Bùi.
 
Đã có một ông lão Ngô Trát thấy người làng vất vả khi lên núi lấy củi, đã bỏ công sức ghép 1645 bậc đá, mở con đường truông Vắn 1300 mét trên núi Hồng Lĩnh; một cặp vợ chồng già đã đưa tiền của góp nhặt được trong cả cuộc đời bắc cây cầu gỗ qua hói cho bà con đi lại, ngày nay không ai nhớ tên các cụ là gì, nhưng tên hai công trình nghĩa cử ấy thì luôn ở đầu cửa miệng dân gian: “Truông cố Ghép” và “Cầu cố Bá”.
 
Lại có hàng nghìn, hàng nghìn tấm lòng và hành vi nghĩa hiệp cao quý trong cuộc đời, xưa đã vậy thì nay vẫn vậy. Chuyện mười lăm năm trước: Chị - bây giờ là bà Nguyễn Thị Hệ, quê xã Cẩm Lĩnh, đã dũng cảm, mưu trí đi đầu, cùng con trai và các đồng bào khác cứu sống 54 mạng người bị chìm đò trên hồ sông Rác. Được Nhà Nước tặng thưởng Huân chương và 5 triệu đồng, chị còn đề nghị chia phần cho cho mọi người có công cùng hưởng… Và chuyện bây giờ: Anh Trần Thanh Liêm ở xã Hương Lâm, có con gái chết vì bệnh sốt rét, bèn quyết đi học nghề y, tốt nghiệp, y sĩ Liêm trở thành “thầy thuốc của dân bản”. Biết học hỏi, kết hợp Đông - Tây y, ông đã cứu được nhiều người khỏi bệnh, trong đó có cố Thuần bị tai biến liệt toàn thân… Chín năm phục vụ, hiện làm việc hợp đồng tại trạm y tế xã, năm năm nay rồi chưa được vào biên chế, chưa có một nguồn trợ cấp nào. (Báo Hà Tĩnh, 4/10/2011).
 
Còn những anh hùng, hào kiệt đại diện ưu tú nhất của nhân dân thì thời nào cũng không hiếm, nhất là trong các cuộc giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Họ là các vị Vua có công lớn mở đường thời tự chủ của đất nước: Hắc đế Mai Thúc Loan  (quê gốc Mai Phụ), Bố cái đại vương Phùng Hưng và Ngô vương Quyền (quê gốc châu Đường Lâm - Phúc Lộc vùng Nam Hà Tĩnh bây giờ). Họ là tướng lĩnh như Cao Minh Hựu (quê Phi Lộc) tham gia cuộc chống quân Tống do vua Lê Đại Hành lãnh đạo; như Lê Thạch (quê Chi La) hy sinh trong cuộc chống Nguyên - Mông đời Trần Nhân Tông; như Đặng Tất, Đặng Dung và nhiều vị khác trong cuộc chống quân Minh đầu thế kỷ XV; như Hồ Phi Chấn (quê Chỉ Châu) trong cuộc đánh đuổi quân Thanh đời Tây Sơn thế kỷ XVIII…
 
Họ là sĩ phu thời cận đại như Phan Đình Phùng, Phan Cát Tiu, Lê Ninh, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Nguyễn Hằng Chi, Mai Lão Bạng…, là những anh hùng thảo dã Cao Thắng, Lê Quyên và nhiều vị khác… những người tiêu biểu nhất trong cuộc chống xâm lược và đô hộ Pháp.
 
Tiếp đến là các nhà cách mạng, các chiến sĩ cộng sản, những người đấu tranh thời Xô - Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) đến Tổng khởi nghĩa (8 - 1945); là các anh hùng, chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và trong sự nghiệp dựng nước, bảo vệ Tổ quốc.
 
“Ra ngõ gặp anh hùng” là chuyện ai cũng thừa nhận. ở đây chỉ xin nhắc đến hai người lính bình thường, một nông dân, một trí thức. Đó là anh Vệ quốc quân “lấy mình lấp lỗ châu mai” Phan Đình Giót thân quen, quê xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên. Đó là anh phi công Võ Sĩ Giáp quê ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, khi máy bay bị trúng đạn, hai lần được lệnh nhảy dù, nhưng muốn tránh thiệt hại cho khu công nghiệp Việt Trì cùng một trường học đang giờ đám trẻ ra chơi, đã kéo cần lái vượt lên và bị tử thương khi máy bay rơi…
 
Cũng không thể không nói về đàn bà quê ta, những cô Tơi - Ngưu y nữ - vợ lẽ Đội Quyên thời Cần Vương, từng làm cho bọn lính tập khiếp vía; bà Giải Huân - Phan Thị Hét, hy sinh tình cảm gia đình để toàn tâm phục vụ cách mạng, chị đồ Thản Nguyễn Thị Thành quyết xin ra Côn Đảo theo chồng bị đi đày, đã giúp nhiều công việc cho chồng và các bạn tù khác…; những “Mười cô gái Đồng Lộc”, “Chín cô gái Kỳ Phương”… những La Thị Tám, Nguyễn Thị Bằng… và cao cả hơn hết là “các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tất cả, dù đã được phong hay chưa được phong…
 
(Xem tiếp kỳ sau)

    Ý kiến bạn đọc