Những giây phút không quên
EmailPrintAa
19:46 01/09/2019

Tháng Tám lịch sử cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đã đồng lòng đứng lên, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Tầng lớp thanh niên, nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc đã trở thành lực lượng quan trọng, góp phần vào thắng lợi cách mạng.

Hân hoan giữa cờ đỏ sao vàng

Chúng tôi đến thăm nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm vào một chiều cuối tháng Tám. Trong căn phòng nhỏ trên đường Hồng Hà, nghe Đại tá Nguyễn Trọng Hàm kể chuyện, không ai nghĩ ông đã 98 tuổi, mặc dù chân đã chậm, tay đã run, nhưng trí nhớ thật đáng nể phục. Hồi ức về những ngày tham gia phong trào thanh niên Hà Nội, từ hoạt động bí mật, đến việc vận động toàn dân đồng lòng xuống đường mít tinh ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh vẫn vẹn nguyên.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chậm rãi kể, năm 1944 ông bắt đầu tham gia cách mạng và là đội viên đội danh dự bí mật, với nhiệm vụ tuyên truyền mọi người đi theo Việt Minh, rải truyền đơn, tiễu trừ gian, phản động. Lấy cửa hàng của gia đình tại 53 phố Hàng Thiếc làm vỏ bọc, ông nhận và phát truyền đơn đến các cơ sở trong thành phố, ngày cũng như đêm. Công việc gấp gáp, khẩn trương nhất là những ngày giữa tháng 8.1945. Và rồi thời khắc ấy cũng đến. Sớm ngày 19.8, khắp các nẻo đường, người dân Hà Nội và cả các tỉnh lân cận rầm rập đổ về Nhà hát Lớn. Cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh theo đoàn người rợp trên các tuyến phố.

“Tôi được phân công nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh 19.8 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi Việt Minh đứng ra vận động mọi người xuống đường, nhiều người hân hoan và xúc động. Cấp trên còn hướng dẫn cho nhiều người phổ biến, tặng cờ đỏ sao vàng đến đông đảo bà con đang kéo về các đường phố Thủ đô. Cho nên, ngày 19.8 chúng ta giành được chính quyền không phải bằng vũ khí, mà hoàn toàn là rừng cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu với khí thế của quần chúng nhân dân”, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại.

Quảng trường Nhà hát Lớn đông nghẹt người, đúng 11 giờ, Ủy ban Khởi nghĩa chính thức đọc lời kêu gọi tổng khởi nghĩa. Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình giành chính quyền, với vũ khí là cờ đỏ sao vàng và hàng vạn người dân trong khí thế sục sôi cách mạng, biểu dương lực lượng hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bù nhìn. Ủng hộ Việt Minh”.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm hòa cùng các đoàn quần chúng là các đơn vị vũ trang tự vệ, nhanh chóng chiếm Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng vũ trang, tự vệ, hầu hết công sở chính quyền Bảo Đại - Trần Trọng Kim đều nhanh chóng về tay nhân dân. Tối 19.8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi hoàn toàn.


Các địa phương giành chính quyền trong những ngày Cách mạng Tháng Tám
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Truyền tiếp ngọn lửa yêu nước

Mong mỏi và chờ đợi tin tức từ Thủ đô, bấy giờ tại Huế, Đại tá Phạm Phú Bằng không bỏ sót bản tin nào trong những ngày tháng Tám lịch sử. Thông tin nhận được làm cho học sinh Trường Quốc học Huế, ngôi trường Phạm Phú Bằng đang theo học, càng thêm hào hứng. Mặc nhiên, gần như tự động, học sinh trung học các lớp càng gần nhau hơn. Tiếp tục học hay dừng lại, tư tưởng ấy chợt xuất hiện trong tâm trí Phạm Phú Bằng và các bạn đồng niên. Ông cho biết: “Trước đó, nhiều người đã nói với tôi, học gì thì học nhưng phải nghĩ chuyện cứu nước. Đó cũng là thời điểm hình thành các đoàn thể Học sinh cứu quốc, Thanh niên tiền tuyến, trở thành đơn vị dự bị cho cách mạng”.

Mục tiêu bấy giờ của các tổ chức thanh niên, học sinh là lôi kéo thật đông thành viên tham gia tuyên truyền, hát những bài ca ngợi cuộc chiến đấu của dân tộc. Chưa bao giờ các bài hát tiến bộ được cất lên nhiều như thế. Việt Minh từ Trung ương vào cũng tác động rất nhiều đến phong trào của học sinh, sinh viên tại Huế. Ông Bằng cùng bạn bè mong muốn được thay đổi cuộc sống, thay đổi vận mệnh của dân tộc. “Mới 16 tuổi, mặc dù chưa làm được những công việc lớn cho cách mạng, nhưng với tôi được tuyên truyền, vận động trong phong trào học sinh, sinh viên, được góp một phần công sức nhỏ bé cho cách mạng đã là một vinh dự rất lớn rồi”.
Đại tá Phạm Phú Bằng cho biết, suốt những ngày tháng Tám, ông và nhiều thanh niên khẩn trương may cờ đỏ sao vàng, kẻ vẽ khẩu hiệu, tuyên truyền và hát các bài hát ủng hộ cách mạng. “Huế vừa là kinh đô của Nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Vì vậy, tất cả những việc làm của chúng tôi đều quy vào mục đích góp phần vào quá trình giành chính quyền không chỉ ở Huế mà rộng ra là trong cả nước”.

Trong không khí sục sôi cách mạng, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào khi ấy nhận trọng trách giành chính quyền tại Quảng Nam.

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936 trong Phong trào Thanh niên Dân chủ, thời kỳ Mặt tộc Dân tộc Dân chủ, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương là một trong những thành viên tiên phong của phong trào khởi nghĩa vũ trang địa phương. Niềm tin, ý chí đã giúp ông và những chiến sĩ cách mạng vượt qua sự tra tấn trong những lần bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Nam. Tháng 3.1945, ông cùng bạn tù tổ chức vượt ngục, trở về tiếp tục gây dựng cơ sở cách mạng. Trở thành Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, ông chỉ đạo công tác giành chính quyền trong tỉnh, trực tiếp tại huyện miền núi Tiên Phước. Bấy giờ lực lượng của Quốc dân đảng tại đây vẫn còn mạnh, các tổ chức hoạt động riêng rẽ, vì thế chính quyền và nhân dân đều mong mỏi và chờ đợi cho ngày giành chính quyền.

Ngày 15.8.1945, khi Tỉnh ủy Quảng Nam đang họp bàn kế hoạch đẩy mạnh chuẩn bị khởi nghĩa thì nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh. Căn cứ vào thời cơ khởi nghĩa, Tỉnh ủy quyết định không chờ đợi các nơi và lệnh của Trung ương, lập tức thành lập ngay Ủy ban bạo động (Ủy ban khởi nghĩa), gấp rút huy động toàn dân bạo động giành chính quyền. Đêm 17.8, lệnh khởi nghĩa được phát đi trong đêm, nhấn mạnh: “Vận mạng lịch sử của cả dân tộc ta ngàn năm có một, toàn thể đồng bào ái quốc, tất cả chiến sĩ cứu quốc, các cấp bộ Việt Minh trong toàn tỉnh, hãy võ trang bạo động giành chính quyền về tay nhân dân, hãy hy sinh vì Tổ quốc, xông vào chiếm lĩnh tòa công sứ, tỉnh đường, các phủ huyện đường, các đồn binh, công thự... diệt trừ bọn Việt gian phản quốc, giành toàn thắng về tay nhân dân”.

“Chỉ trong ngày và đêm 18.8 cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi lần lượt ở các phủ, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại lộc. Nhân dân tỏa về các xã tổ chức mít tinh, kéo cờ đỏ sao vàng tuyên bố chính quyền thuộc về nhân dân và ra mắt Ủy ban Bạo động Việt Minh, đọc 10 chính sách của Việt Minh. Thắng lợi khởi nghĩa ngày 18.8.1945 của Quảng Nam là một trong những tỉnh khởi nghĩa sớm nhất thắng lợi trọn vẹn, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết.

Hồi ức về những ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền là dấu ấn không thể mờ phai đối với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Đại tá Phạm Phú Bằng và Đại tá Nguyễn Trọng Hàm. Dù đã trải qua nhiều giai đoạn hoạt động cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử đất nước, nhưng đối với họ, những phút giây đầy vinh quang ấy mãi mãi không bao giờ quên. Và những câu chuyện, trang sử hào hùng ấy như truyền tiếp ngọn lửa yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc