Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri huyện Hương Sơn, Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc)
EmailPrintAa
16:23 30/07/2018

Câu hỏi 4.Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mơi, cử tri đề nghị:

-Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các thôn xây dựng cơ sở hạ tầngđáp ứng tiêu chíkhu dân cư kiểu mẫu tại các xã chưa về đích nông thôn mới(Cử tri huyện Hương Sơn)

-Sửa đổi Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh:

 + Tăng mức thưởng đối với vườn mẫu đạt chuẩn (mức 5 triệu đồng/vườn như hiện này là quá thấp) (Cử tri huyện Thạch Hà).

+ Bổ sung chính sách hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như rau thủy canh, dưa nhà lưới (Cử tri huyện Nghi Xuân).

+ Sửa đổi điều 14, hỗ trợ cho các xã xây dựng từ 02 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trở lên đảm bảo theo chuẩn mới (theo quy định là 01 khu/xã), (Cử tri huyện Đức Thọ).

- Bổ sung khối lượng xi măng làm đường giao thông nông thôn, rãnh thoát nước và kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng năm 2018 của UBND tỉnh cho các địa phương có nhu cầu đăng ký thêm (Cử tri huyện Nghi Xuân).

- Có chủ trương cho phép các đơn vị về đích xây dựng nông thôn mới được sử dụng khoản tiền thưởng để thực hiện các công trình theo nhu cầu thực tế của địa phương (Cử tri huyện Can Lộc).

 

Trả lời:

        4.1.Về việc đề nghị sửa đổi điều 14, hỗ trợ cho các xã xây dựng từ 02 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trở lên đảm bảo theo chuẩn mới (theo quy định là 01 khu/xã) (Cử tri huyện Đức Thọ) vàchính sách hỗ trợ kinh phí cho các thôn xây dựng cơ sở hạ tầngđáp ứng tiêu chíkhu dân cư kiểu mẫu tại các xã chưa về đích nông thôn mới (Cử tri huyện Hương Sơn)

Hiện nay, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh; theo đó, hỗ trợ cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm hiện tại và năm kế tiếp để xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Do khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thuộc điều kiện xem xét khi công nhận xã đạt chuẩn, mỗi khu dân cư kiểu mẫu chỉ được xem xét hỗ trợ một lần theo chính sách đã quy định; mặt khác, các nội dung thực hiện xây dựng Khu dân cư nông thôn mới đạt kiểu mẫu chủ yếu do người dân, cộng đồng thực hiện, thời gian không quá dài (có thể hoàn thành trong một năm). Vì vậy, trong điều kiện khó khăn về ngân sách như hiện nay, chưa cần thiết phải xây dựng chính sách hỗ trợ cho các thôn thuộc các xã chưa đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới như đề xuất của cử tri.

Các xã có thể triển khai thực hiện các nội dung (thuộc tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu) chưa cần kinh phí, do người dân và cộng đồng tự thực hiện; mặt khác, có thể lồng ghép, sử dụng nguồn vốn nông thôn mới hiện có (gồm ngân sách cấp trên hỗ trợ, nguồn tiền đất, nguồn ngân sách địa phương…) để xây dựng trước các hạ tầng (về “Nhà văn hóa và khu thể thao thôn”, “Đường giao thông”) trong các khu quy hoạch xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Khi xã được UBND tỉnh phê duyệt đăng ký về đích nông thôn mới, sẽ sử dụng nguồn kinh phí theo chính sách quy định tại Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh để hoàn thiện.

4.2. Về sửa đổi Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh:

Giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm, ban hành khá đồng bộ; tỉnh đã dành nguồn ngân sách lớn cho các chính sách nêu trên; nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2017-2018, do điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn; đồng thời các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn trước đã đi vào cuộc sống, tạo nền tảng cho phát triển sản xuất nông nghiệp trong các năm tiếp theo, nên HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã rà soát, cắt giảm một số chính sách, ban hành chính sách mới tại Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh và sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2018.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành tiến hành rà soát, nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh xin tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri, các đại biểu hội đồng và các cơ quan, tổ chức để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách mới đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách.

4.3. Về việc bổ sung khối lượng xi măng làm đường giao thông nông thôn, rãnh thoát nước và kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng năm 2018 của UBND tỉnh cho các địa phương có nhu cầu đăng ký thêm (Cử tri huyện Nghi Xuân).

Kế hoạch làm đường giao thông, rãnh thoát nước trên hệ thống đường giao thôngvà kiên cố hóa kênh mương nội đồng năm 2018 theo cơ chế hỗ trợ xi măng trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 17/01/2018. Theo đó toàn tỉnh làm 572,16 km đường giao thông, 224,88 km rãnh thoát nước trên hệ thống đường giao thông và 92 km kênh mương nội đồng; riêng huyện Nghi Xuận đăng ký kế hoạch là 22,14 km đường giao thông, 7,66 km rãnh thoát nước trên hệ thống đường giao thông và 1,8 km kênh mương nội đồng; khối lượng đến nay của huyện Nghi Xuân 15,11 km đường giao thông (đạt 68,3%), 2,68 km rãnh thoát nước trên hệ thống đường giao thông (đạt 37,4%) và 0,0 km kênh mương nội đồng (đạt 0%).

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh quy định rõ: “Ngân sách tỉnh không hỗ trợ xi măng đối với các công trình đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng ngoài kế hoạch UBND tỉnh ban hành đầu năm”. Và theo Thông báo kết luận số 04-TB/BCĐ ngày 01/6/2018 của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã chỉ đạo không xem xét bổ sung khối lượng kế hoạch cho các địa phương mà chỉ xem xét điều tiết khối lượng giữa các địa trước ngày 01/7/2018 (theo hướng điều tiết từ những địa phương làm kém cho các địa phương làm tốt, hiện nay Sở Giao thông vận tải đang tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh).

Do đó, theo quy định UBND tỉnh sẽ không xem xét bổ sung khối lượng ngoài kế hoạch đã được phê duyệt; yêu cầu UBND huyện Nghi Xuân và các địa phương đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua, phân tích, tìm ra nguyên nhân các tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp để khắc phục; xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai trong thời gian tới, tập trung thực hiện đảm bảo kế hoạch đã được phê duyệt và đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đồng thời UBND tỉnh khuyến khích địa phương chủ động huy động và tự cân đối nguồn lực để thực hiện vượt kế hoạch tỉnh giao, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng tối đa không vượt quá kế hoạch đầu năm UBND tỉnh giao; phần vượt kế hoạch (nếu có) do các địa phương tự cân đối thực hiện.

 

4.4. Có chủ trương cho phép các đơn vị về đích xây dựng nông thôn mới được sử dụng khoản tiền thưởng để thực hiện các công trình theo nhu cầu thực tế của địa phương (Cử tri huyện Can Lộc).

 

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Mục IV Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 20/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 thì việc sử dụng tiền thưởng của xã đạt chuẩn để thực hiện các công trình theo nhu cầu thực tế của địa phương, xã được quyền lựa chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là tiền thưởng để xây dựng công trình phúc lợi nhằm nâng cao hơn phúc lợi xã hội cho người dân, đảm bảo ý nghĩa của tiền thưởng, có tác dụng tuyên truyền cao, khi hoàn thành gắn biển “công trình thưởng xã đạt chuẩn nông thôn mới”; công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng phải đảm bảo cân đối nguồn lực, không được phát sinh nợ xây dựng cơ bản.


    Ý kiến bạn đọc