Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri thành phố Hà Tĩnh).
EmailPrintAa
16:36 30/07/2018

Câu hỏi 14.Đề nghị gia hạn hiệu lựcNghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách tạo nguồn lực xây dựng đô thị loại II đến năm 2020 và tăng mức bố trí ngân sách kiến thiết thị chính, vệ sinh môi trường, văn hoá thông tin cho thành phố Hà Tĩnh 

 

Trả lời:

Để tạo điều kiện thực hiện Đề án xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng Thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2018, năm 2016, HĐND tỉnh đã ban hành cơ chế tạo nguồn lực xây dựng thành phố tại Nghị quyết 10/2016/NQ-HĐND tỉnh, trong đó ưu tiên tỷ lệ điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất cao hơn so với các địa phương khác[1]. Theo đó, trong 02 năm thực hiện, thành phố đã tạo được nguồn lực tăng thêm là 56,261 tỷ đồng[2]; bao gồm 38,886 tỷ đồng tiền đất tăng thêm tại các phường, xã; 17,375 tỷ đồng từ đề án phát triển quỹ đất.

Ngoài ra ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí cho thành phố để góp phần xây dựng đô thị loại II (ngoài định mức ngân sách hàng năm) trong 02 năm 2016-2017 là 241,680 tỷ đồng[3].

Tuy vậy, nhiệm vụ xây dựng đô thị loại II, hoàn thiện và nâng chất lượng tiêu chí còn rất nhiều, hơn 32 tiêu chuẩn còn mới chạm ngưỡng. Để tạo điều kiện cho thành phố sớm thực hiện thành công mục tiêu trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh và tiếp tục nâng cao các tiêu chí đô thị sau khi được công nhận; đồng thời xây dựng, phát triển thành phố nhanh, bền vững, việc gia hạn hiệu lực thực hiện Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đến hết năm 2020 là rất cần thiết. Tuy vậy, căn cứ tình hình thực hiện đề án đô thị thành phố, kết quả đánh giá cụ thể, khả năng cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành liên quan tham mưu phương án cụ thể.

 


[1]cụ thể: nguồn thu từ Đề án quỹ đất do cấp tỉnh làm chủ đầu tư, điều tiết cho NS thành phố cao hơn địa phương khác là 18% trên tổng thu (Thành phố là 18%, địa phương khác không có ưu tiên là 0%); Quỹ đất giao cho các nhà đầu tư, điều tiết cho NS thành phố cao hơn địa phương khác là 40% trên tổng thu (Thành phố là 40%, địa phương khác không có ưu tiên là 0%); Quỹ đất phát sinh trên địa bàn xã: Điều tiết cho NS thành phố cao hơn các địa phương khác 10% (NS Thành phố là 30%, Địa phương khác không có ưu tiên là 20%); Quỹ đất còn lại phát sinh trên địa bàn phường: Điều tiết cho NS thành phố cao hơn các địa phương khác 20% (NS Thành phố là 70%, Địa phương khác không có ưu tiên là 50%).

[2] trong đó, năm 2016 tạo thêm được 13,044 tỷ đồng; năm 2017 tạo thêm được 43,217 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

[3]bao gồm: Hỗ trợ kiến thiết thị chính ngoài định mức (33,250 tỷ đồng); Kinh phí sự nghiệp môi trường ngoài định mức (42,5 tỷ đồng); Kinh phí sự nghiệp văn hóa ngoài định mức (5 tỷ đồng); hỗ trợ thanh toán nợ XDCB các dự án đầu tư (13,030 tỷ đồng); Kinh phí thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn loại II vào năm 2018 từ nguồn thu tiền sử dụng đất của dự án Chỉnh trang đô thị phía Đông Kênh N1-9 tại Phường Trần Phú, đã được nộp vào ngân sách tỉnh (45,9 tỷ đồng); Kinh phí hoạt động từ nguồn thu tiền sử dụng đất vùng hạ tầng vốn vay Bộ Tài chính (80 tỷ đồng); (Kinh phí thực hiện công tác chỉnh trang đô thị năm 2017 (12 tỷ đồng); Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách được giao trong dự toán đầu năm 2017 (10 tỷ đồng).


    Ý kiến bạn đọc