Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri huyện Kỳ Anh).
EmailPrintAa
09:21 25/12/2018

Câu hỏi 3. Sau cơn bão số 10 năm 2017, trên địa bàn huyện Kỳ Anh có 20.000 ha rừng bị thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/ND-CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ. Đề nghị tỉnh quan tâm

Trả lời:

Bão số 10 năm 2017 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn về nhà ở, hạ tầng kinh tế xã hội, sản xuất nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh,... với tổng thiệt hại ước tính trên 6.610 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hơn 2.400 tỷ đồng (có 795 ha lúa bị thiệt hại, 1.649 ha rau màu bị hư hỏng, 944 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, 4.896 ha cây trồng cạn bị hư hỏng, 2.500 con gia súc và 128.500 con gia cầm bị chết; 41.340 ha rừng và 338.471 cây xanh đô thị bị đỗ gãy; 424 ha nuôi cá, 1.063 ha nuôi tôm, 129 ha nuôi ngao và 897 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 579 phương tiện khai thác thủy sản bị hư hỏng,...) .

Riêng đối với thiệt hại về rừng: Theo kết quả báo cáo của các địa phương, đơn vị, bão số 10 năm 2017 đã làm thiệt hại 41.340 ha rừng trồng (chủ yếu là Keo) , tập trung chủ yếu tại các huyện: Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê,… trong đó có gần 19.000 ha bị thiệt hại trên 70%, hơn 12.000 ha bị thiệt hại từ 30 - 70%. Riêng tại huyện Kỳ Anh: Tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại từ 30% trở lên là hơn 20.000ha, gồm:

- Rừng của hộ gia đình, cá nhân: Khoảng 16.000ha; trong đó: Thiệt hại trên 70%: hơn 10.000 ha; thiệt hại từ 30-70%: hơn 6.000 ha.

- Rừng của các đơn vị chủ rừng: hơn 4.000ha (Ban quản lý RPH Nam Hà Tĩnh, Công ty Lâm nghiệp Hà Tĩnh, Công ty Cao su Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ) ; trong đó: Thiệt hại trên 70%: 2.700 ha; thiệt hại từ 30-70%: hơn 1.300 ha.

* Về Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ:

- Ngay sau bão số 10 năm 2017, để sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Chính sách hỗ trợ các giống cây trồng phục vụ sản xuất vụ Đông 2017 (Quyết định số 2805/QĐ-UBND ngày 29/9/2017) với tổng kinh phí hỗ trợ 23,114 tỷ đồng, trong đó huyện Kỳ Anh đã được hỗ trợ 480 triệu đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT xuất dự trữ Quốc gia hỗ trợ 250 tấn lúa giống và 30 tấn hạt giống ngô; cấp hỗ trợ 100.000 liều vắc xin Dịch tả lợn, 50.000 liều vắc xin LMLM, 30.000 lít hóa chất khử trùng môi trường chăn nuôi, 20 tấn hóa chất khử trùng môi trường nuôi trồng thủy sản sau bão số 10 và UBND tỉnh đã phân bổ hạt giống từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các địa phương, trong đó huyện Kỳ Anh được hỗ trợ 53 tấn giống lúa, 2,5 tấn hạt giống ngô, 0,525 tấn giống hạt rau.

- Về nguồn hỗ trợ của Trung ương: UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh rà soát, tổng hợp, thống kê thiệt hại của các địa phương, đơn vị để trình Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, thực hiện Quyết định số 1872/QĐ-TTg ngày 24/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục thiệt hại do bão số 10 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất năm 2017, trong đó tại điểm b, khoản 2, Điều 1 ghi rõ: “Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; đồng thời tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí với Bộ Tài chính theo quy định”.

Thiệt hại do bão số 10 năm 2017 gây ra là rất lớn, phạm vi rộng trên nhiều lĩnh vực, đối tượng; trong điều kiện khả năng của tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời có chính sách hỗ trợ (tổng kinh phí 23,114 tỷ đồng) khôi phục sản xuất trong vụ Đông năm 2017 và chỉ đạo các sở ngành, địa phương bố trí, lồng ghép một số nguồn lực khác để hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống sau bão. Tuy nhiên, nhu cầu nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, là quá lớn so với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét để có giải pháp xử lý thấu đáo cho người dân theo quy định.

PV

    Ý kiến bạn đọc