Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri toàn tỉnh).
EmailPrintAa
11:00 25/12/2018

Câu hỏi 1: Sớm hoàn thiện bộ giống lúa có năng suất, chất lượng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để người dân an tâm sản xuất; tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, giá cả giống và các loại vật tư nông nghiệp

Trả lời:

1.1. Về đề nghị tỉnh sớm hoàn thiện bộ giống lúa có năng suất, chất lượng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để người dân an tâm sản xuất.

Quy trình để một giống lúa được công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới và bổ sung vào đề án hàng vụ của tỉnh cần có thời gian và phải thực hiện tuân tự theo các bước: Khảo nghiệm cơ bản - Khảo nghiệm sản xuất  -  Sản xuất thử (tối đa 3 năm) - Công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới (Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định công nhận), từ đó xây dựng mô hình mô hình trình diễn để đánh giá tính thích ứng và khả năng chống chịu sâu bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh để có cơ sở bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa trong Đề án sản xuất hàng vụ.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo quản lý nhà nước về chất lượng giống, về định hướng cơ cấu trong các vụ sản xuất, đồng thời thường xuyên theo dõi, đánh giá các giống mới đưa vào sản xuất thử, khảo nghiệm sản xuất để từng bước chọn lọc những giống có ưu thế, triển vọng, bổ sung vào cơ cấu bộ giống sản xuất của tỉnh.

Trong điều kiện sản xuất liên tục chịu tác động của biến đổi khí hậu, hơn nữa tính ổn định, thích nghi của các giống lúa mới có thời gian ngắn, vì vậy bộ giống lúa đáp ứng nhu cầu về năng suất, chất lượng cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng không thể cố định qua các mùa vụ, các năm, mà có sự xem xét điều chỉnh, loại bỏ giống năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh, bổ sung giống mới phù hợp điều kiện từng mùa vụ cụ thể. Từ vụ Hè Thu 2017 đến nay, ngành Nông nghiệp đã xác định được cơ cấu bộ giống cho năng suất cao, ổn định, thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Kết quả thể hiện khá rõ qua năng suất các vụ sản xuất (vụ Hè Thu 2017 đạt 44,88 tạ/ha, vụ Xuân 2018 đạt 56,42 tạ/ha, vụ Hè Thu 2018 đạt 46,2 tạ/ha). Bên cạnh đó đã tiến hành theo dõi, đánh giá kết quả bước đầu có một số giống triển vọng từng bước xem xét, bổ sung vào cơ cấu sản xuấtcác giống như Kim cương 111, DQ11, TBR279, BQ, BT09....

Cơ cấu giống lúa của Hà Tĩnh theo hướng sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt và có tính thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt. Hàng vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất với các huyện, thành phố, thị xã lựa chọn giống đưa vào sản xuất và đã được cơ cấu cụ thể trong Đề án mùa vụ. Căn cứ vào Đề án mùa vụ của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng Đề án mùa vụ cho đặc thù của từng địa phương, trong đó có lựa chọn các giống lúa phù hợp với nông hóa, thổ nhưỡng, sinh thái đặc thù của vùng, ưu tiên gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để xây dựng một bộ giống lúa phù hợp với điều kiện sinh thái thổ nhưỡng của các địa phương trong tỉnh giúp người dân chủ động sản xuất, hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương và các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đưa các giống mới vào khảo nghiệm, sản xuất thử trên các địa bàn để từng bước xác định giống tốt bổ sung vào cơ cấu sản xuất.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã đánh giá, thống nhất để xác định bộ giống đảm bảo phục vụ sản xuất theo cơ cấu mùa vụ và tính thích ứng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân ý thức, chủ động trong việc sử dụng bộ giống chủ lực của tỉnh; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đưa giống mới vào sản xuất thử, trình diễn để lựa chọn bộ giống phù hợp với điều kiện khí hậu của Hà Tĩnh.

1.2. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp

- Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung cao chỉ đạo các ngành, các cấp, tăng cường quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; năm 2015 đã thanh tra toàn diện, xử lý nghiêm các vi phạm trong SXKD giống, VTNN; liên tục các năm 2016, 2017, 2018 UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch năm cao điểm về tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, quản lý chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; ban hành Quy chế phân công, phối hợp trong kiểm tra, giám sát chuyên ngành. Kết quả cụ thể:

Năm 2018, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra và thanh tra đột xuất đối với 2.343 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản; lấy 701 mẫu VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản (125,21% so với cùng kỳ năm trước, bằng 83,71% so với kế hoạch năm 2018) để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng, ATTP. Các Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản được 2077 lượt cơ sở, trong đó: Đánh giá 1564 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN (gồm: 612 cơ sở xếp loại A (chiếm 39,13%), 896 cơ sở xếp loại B (chiếm 57,29%), 56 cơ sở xếp loại C (chiếm 3,58%).

+ Đối với thuốc BVTV: Trong 2 năm 2017, 2018 đã tiến hành cấp được 118 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, đến thời điểm hiện tại đã cấp được 506 giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 506 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên toàn tỉnh (đạt 100 %). Các đoàn kiểm tra đã phát hiện xử lý 15 cơ sở vi phạm các quy định; đồng thời tiến hành lấy 58 mẫu thuốc BVTV) để kiểm tra chất lượng, qua kiểm tra phát hiện 02/58 mẫu thuốc BVTV (chiếm 3,4 %), các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 22,0 triệu đồng, tịch thu 1,6 kg thuốc BVTV ngoài danh mục, 15,54 kg thuốc BVTV quá hạn sử dụng.

+ Đối với phân bón: Toàn tỉnh hiện có 512 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón các loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu về phân bón phục vụ sản xuất (khoảng 150.000 tấn/năm) số lượng phân bón trên chủ yếu được sản xuất từ các tỉnh khác được đưa về cung ứng trên địa bàn, trong 2 năm 2017 và 2018 các đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 85 mẫu phân bón các loại để kiểm tra chất lượng (Sở Công Thương đã lấy 28 mẫu), kết quả phát hiện 7/85 mẫu vi phạm chất lượng (chiếm 8,2%). Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 7 vụ vi phạm, xử phạt 101,3 triệu đồng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra các điều kiện về bảo đảm chất lượng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét, nhờ vậy các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp kém chất lượngcơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây không phát hiện các vụ việc sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng nhái.

- Tuy nhiên, còn có một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở các địa phương không đảm bảo điều kiện kinh doanh; đây chính là nơi dễ phát sinh, tồn tại các loại hàng hóa kém chất lượng. Mặt khác, có một số tổ chức không phải là cơ sở kinh doanh, đã hợp đồng mua bán giống, phân bón từ các doanh nghiệp ngoại tỉnh về giao trực tiếp cho người nông dân, theo hình thức cho vay trả chậm, rất khó kiểm soát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng hóa kém chất lượng, trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương chưa có biện pháp quản lý phù hợp với kênh phân phối hàng hóa dạng này.

Một bộ phận người sản xuất còn xem nhẹ công tác bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc BVTV để phòng trừ các đối tượng dịch hại, chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” về sử dụng thuốc; một số cơ sở kinh doanh chưa chấp hành đầy đủ quy định của Nhà nước, bán thuốc theo lợi nhuận không đúng với hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn. Tình trạng buôn bán thuốc BVTV nhỏ lẻ theo mùa vụ còn phổ biến, khó khăn trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra; một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác quản lý kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, đặc biệt tại cấp xã.

- Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ngành liên quan và các địa phương tăng cường quyết liệt quản lý chất lượng VTNN; tổ chức kiểm tra, thanh tra từ đầu vụ sản xuất; kiểm tra đột xuất đối với các hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV. Phát hiện, xử lý, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sai phạm; thường xuyên cập nhật các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV không đảm bảo, cảnh báo cho nông dân biết để chủ động lựa chọn thuốc BVTV đảm bảo chất lượng. Kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiên quyết xử lý, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện (xếp loại C), không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định.

VP

    Ý kiến bạn đọc