Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII. (Cử tri các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh).
EmailPrintAa
16:43 27/06/2017

Câu hỏi 2Đối với sản xuất nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cử tri kiến nghị:

- Đề nghị tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xi mănglàm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, áp dụng cả cho các đô thị trong năm 2017 (Cử tri các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh).

- Giống lúa VTNA 2 phù hợp với chất đất, thổ nhưỡng, có năng suất cao, chất lượng tốt nhưng chưa được cơ cấu vào bộ giống. Đề nghị tỉnh đưa vào bộ giống sản xuất vụ Xuân 2017 (Cử tri huyện Lộc Hà).

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thương phẩm và giảm dần chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ từ 20-100 con trong khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường(Cử tri huyện Hương Khê).

- Đánh giá một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, như tiêu chí vườn mẫu, đường giao thông nông thôn đối với các xã có mật độ dân số cao, diện tích đất ở, đất vườn nhỏ; bổ sung chính sách hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu đối với các xã đã về đích Nông thôn mới (Cử tri các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Lộc Hà, thanht phố Hà Tĩnh).

 

Trả lời:

2.1. Đề nghị tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xi mănglàm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, áp dụng cả cho các đô thị trong năm 2017.

Ngày 15/12/2016, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2018, theo đó năm 2017 và năm 2018 tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, áp dụng cho cả các đô thị. Năm 2017 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch làm đường giao thông nông thôn, rãnh thoát nước trên các tuyến đường giao thông và Kế hoạch kiên cố hóa kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 và Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 25/01/2017; hiện nay các địa phương đang triển khai thực hiện kế hoạch.

2.2. Giống lúa VTNA 2 phù hợp với chất đất, thổ nhưỡng, có năng suất cao, chất lượng tốt nhưng chưa được cơ cấu vào bộ giống. Đề nghị tỉnh đưa vào bộ giống sản xuất vụ Xuân 2017.

Giống lúa VTNA2 là giống bản quyền của Tổng Công ty Vật tư nông nhiệp Nghệ An đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách. Thời gian qua, giống lúa VTNA2 do Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An cung ứng đã được sản xuất thử và từng bước nhân rộng trên địa bàn tỉnh, cho thấy khả năng thích ứng với điều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Tĩnh.

Tuy vậy, trong vụ Xuân 2014, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã cung ứng hơn 310,5 tấn giống lúa VTNA2 trên địa bàn tỉnh, trong đó có 102,856 tấn giống lúa VTNA2 kém chất lượng (gồm: 81,470 tấn giống nguyên chủng, 21,381 tấn giống xác nhận), tỷ lệ nảy mầm thấp ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan điều tra, kết luận, xử lý nghiêm các sai phạm của Tổng Công ty theo quy định. Đồng thời, từ vụ Xuân 2015, vụ Xuân 2016, tỉnh đã chỉ đạo Ngành nông nghiệp không đưa giống VTNA2 vào cơ cấu sản xuất.

Trong những vụ sản xuất gần đây, một số bà con nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn đưa giống VTNA2 vào sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo Ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi, quản lý, giám sát đánh giá chất lượng giống lúa VTNA2, kết quả cho thấy đây là giống ngắn ngày phù hợp với sản xuất 02 vụ trong năm, năng suất ổn định từ 55-58 tạ/ha và thích ứng rộng với điều kiện thổ nhưỡng và năng lực đầu tư của nông dân ở các địa phương khác nhau. Mặt khác Tổng công ty Vật tư nôn g nghiệp Nghệ An đã khắc phục kịp thời các sai phạm, chú trọng đầu tư, quản lý tốt về chất lượng giống.

Vì vậy, trong vụ Xuân 2017, giống lúa VTNA2 đã được đưa vào cơ cấu bộ giống trong Đề án sản xuất vụ Xuân và triển khai đến tận các địa phương. Kết quả, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã cung ứng gần 100 tấn giống lúa VTNA2 đảm bảo chất lượng vào địa bàn tỉnh. Hiện nay, Ngành nông nghiệp đang tiếp tục tập trung theo dõi, kiểm tra, quản lý chặt chẽ về chất lượng giống VTNA2; đồng thời thường xuyên giám sát, đánh giá năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng thích ứng để có giải pháp chỉ đạo các năm tiếp theo.

2.3. Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thương phẩm và giảm dần chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ từ 20-100 con trong khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường.

a. Về khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thương phẩm:

Chăn nuôi bò được tỉnh xác định một trong các sản phẩm hàng nông nghiệp hóa chủ lực, với mục tiêu phát triển đến năm 2020, tổng đàn đạt trên 290 ngàn con. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn (như Nghị quyết: Số 90/2014/NQ-HĐND, số 157/2015/NQ-HĐND, số 32/2016/NQ-HĐND), trong đó có nhiều nội dung chính sách ưu tiên, tập trung phát triển chăn nuôi bò theo hướng:

- Đẩy mạnh Chương trình Zêbu hóa đàn bò, tạo đàn bò thịt ¾ máu ngoại năng suất, chất lượng cao, được Chính sách hỗ trợ về kinh phí mua tinh, vật tư phối giống cho bò và đào tạo dẫn tinh viên, cung cấp trang thiết bị cho dẫn tinh viên (Khoản 1, Khoản 2, Điều 11, Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh).

- Khuyến khích phát triển các tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò thịt có liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô từ 10 con trở lên, được Chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, công trình xử lý môi trường với mức 500 nghìn đồng/con, tối đa không quá 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

Nhờ vậy, chăn nuôi bò đã có bước phát triển quan trọng: Năm 2016 tổng đàn đạt trên 229 ngàn con (tăng 43% so với năm 2011), tỷ lệ bò lai Zêbu và bò chất lượng cao chiếm 54,4% tổng đàn (tăng 24,5%), sản lượng thịt hơi đạt trên 14.300 tấn (tăng 73,6%); hình thành được 478 mô hình chăn nuôi bò thâm canh (quy mô 10 con trở lên); thu hút đầu tư 02 dự án chăn nuôi bò quy mô lớn của Công ty Bình Hà, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành (Nghị Quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh); đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi bò và các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực nhằm hành thành mục tiêu, định hướng theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

b. Về giảm dần chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ từ 20-100 con trong khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường:

Trước năm 2014, chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, nông hộ chủ yếu theo hình thức quảng canh, tận dụng, lấy công làm lãi, đầu ra sản phẩm bấp bênh, không đảm bảm vệ sinh môi trường. Để thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất đối với chăn nuôi lợn nông hộ theo hướng chăn nuôi có kiểm soát, an toàn dịch bệnh, môi trường; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 21/11/2014 về phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác giai đoạn 2014-2020; đồng thời HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở nái ngoại (quy mô trên 300 con) cung ứng giống cho chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Kết quả đến nay: Đã thành lập được 316 Hợp tác xã, Tổ hợp tác chăn nuôi lợn với tổng số 3.616 hộ dân tham gia, mỗi hộ giải quyết việc làm thường xuyên từ 01-02 lao động, với thu nhập bình quân trên 1,7-3,5 triệu đồng/người/tháng; góp phần thay đổi tư duy và nhận thức các nông hộ chăn nuôi nhỏ (đang chiếm chủ yếu, trên 64% quy mô chăn nuôi toàn tỉnh).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn bất cập như: Một số địa phương (như: Cẩm Xuyên, Hương Khê,...) việc lựa chọn các hộ tham gia Hợp tác xã, Tổ hợp tác không đảm bảo các tiêu chí về chăn nuôi nông hộ (diện tích vườn hộ nhỏ, không đảm bảo khoảng cách từ chuồng trại đến các khu sinh hoạt, nhà dân từ 10m trở lên), một số hộ dân chưa thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; số hợp tác xã, tổ hợp tác có liên kết còn ít; chưa chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường (thể tích biogas nhỏ dưới 1m3 /con, không đủ diện tích đất để đào hồ sinh học xử lý nước thải, ...), do vậy chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường.

Giải pháp thời gian tới:

- UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 21/12/2014 về phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; rà soát, đánh giá lại các mô hình, tập trung ưu tiên phát triển ở những vùng có điều kiện về đất đai, đảm bảo tiêu chí chăn nuôi, môi trường. Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ dịch bệnh, vệ sinh thú ý, ATTP,...

- UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển liên kết chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc xử lý môi trường: Hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác có từ 07/07 chuồng trại (với quy mô từ 20 đến dưới 50 con/hộ), áp dụng mô hình quy chuẩn để xây dựng mới chuồng trại, công trình xử lý môi trường theo Điều 10, Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh.

2.4. Đánh giá một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, như tiêu chí vườn mẫu, đường giao thông nông thôn đối với các xã có mật độ dân số cao, diện tích đất ở, đất vườn nhỏ; bổ sung chính sách hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu đối với các xã đã về đích Nông thôn mới (Cử tri các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh).

- Về Tiêu chí nông thôn mới cần phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, trung ương và tỉnh đã tiếp thu thay đổi Bộ Tiêu chí phù hợp hơn. Đối với tỉnh ta đã ban hành Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 07/02/2017 của UBND tỉnh đã thể hiện khá rõ vấn đề này, nhất là các tiêu chí về kết cấu hạ tầng phù hợp theo vùng miền, không hạ mức hưởng thụ nhưng được mềm hoá trong thực hiện, kể cả phân kỳ quy hoạch, xây dựng phù hợp khả năng nguồn lực.

 + Đối với đường giao thông quy định nền đường, phạm vi chỉ giới mức tối thiểu có cao hơn Trung ương quy định để đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững (nếu không quy định sau này sẽ khó giải phóng mặt bằng khi có điều kiện đầu tư), nhưng được đầu tư theo kỳ quy hoạch; các trường hợp bất khả kháng có hướng giải quyết cụ thể.

+ Đối với vườn mẫu: Bộ Tiêu chí ban hành tại Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 24/11/2015 của UBND tỉnh không quy định diện tích như trước đây (phải có diện tích tối thiểu là 2.000m2), nay chỉ yêu cầu đạt 5 tiêu chí; không quy định về diện tích, tuy nhiên phải đạt tổng thu nhập tối thiểu từ kinh tế vườn trong một năm (bao gồm tất cả các sản phẩm từ: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) trên đơn vị diện tích theo quy định như: vườn có diện tích 1.000m2- 2.000m2, phải đạt tối thiểu từ 80 triệu đồng trở lên; vườn có diện tích  2.000m2 - 3.000m2, phải đạt tối thiểu 120 triệu đồng trở lên; vườn có diện tích  từ 3.000m2 trở lên, phải đạt tối thiểu 50 triệu đồng trở lên.

 

- Đối với việc đề xuất xã đã đạt chuẩn được hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới là xã đã đạt chuẩn vẫn phải tiếp tục nâng cấp chất lượng các tiêu chí, tất cả các thôn đều phải xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; tuy nhiên, do khả năng nguồn ngân sách nên chỉ những xã sau đạt chuẩn nếu được chấp thuận xây dựng xã kiểu mẫu được xem xét hỗ trợ (từ nguồn ngân sách hàng năm). Đối với vườn mẫu nay đã quy định tại Nghị quyết số 32 /2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh là tất cả các xã, các hộ gia đình đều có cơ hội được hưởng chính sách mang tính chất thưởng theo kết quả đầu ra sau khi được công nhận đạt chuẩn, mức 5 triệu đồng/vườn.


    Ý kiến bạn đọc