Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
09:14 26/09/2023

Câu hỏi 1. Đề nghị tỉnh chỉ đạo có giải pháp kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng tàu cá ngoại tỉnh có công suất lớn, sử dụng giã cào, xung điện đánh bắt gần bờ tận diệt nguồn thủy hải sản và làm hư hỏng ngư lưới cụ của người dân địa phương (Cử tri các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà).

Trả lời:

1. Tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp ngăn chặn vi phạm đánh bắt hải sản bằng tàu giã cào trên địa bàn tình

Từ năm 2019 đến nay, trong nỗ lực cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng của EC, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương và các lực lượng chức năng đã quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là việc xử lý tình trạng tàu cá sử dụng giã cào, xung điện khai thác thủy sản ven bờ nên tình trạng tàu cá làm nghề giã cào khai thác ven bờ đã có dấu hiệu giảm so với thời gian trước đây.

1.1. Về công tác chỉ đạo

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai như Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/7/2018  về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch triển khai cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản; công bố hạn ngạch GPKT thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng. Hàng năm, ban hành các kế hoạch khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp theo quy định IUU. Định kỳ hàng quý, tổ chức họp BCĐ nhằm đánh giá tình hình triển khai của các Sở, ngành và tại các địa phương; chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra trách nhiệm đối với các địa phương trong triển khai các giải pháp, kế hoạch của Ban Chỉ đạo IUU tỉnh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân, đồng thời kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy định khai thác thủy sản.

1.2. Kết quả thực hiện các giải pháp đến nay

- Công tác tuyên truyền, vận động: đã mở các lớp tuyên truyền, tập huấn, xây dụng các phóng sự và tin bài tuyên truyền được đăng tải, phát sóng về các quy định Luật Thủy sản 2017, các quy định về chống khai thác bất hợp pháp. In ấn, phát trên 12.000 tờ rơi tuyên truyền cho các chủ tàu cá, thuyền viên và cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động khai thác thuỷ sản. Xây dựng các pano tuyên truyền tại các cảng cá, bến cá. Các huyện, thị xã ven biển tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác thủy sản bất hợp pháp.

- Công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: đã chỉ đạo các lực lượng chức năng (như: Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảnh sát đường thuỷ, Thanh tra, Kiểm ngư) hàng năm tổ chức 15 - 20 cuộc thanh tra trên biển (mỗi chuyến từ 5-7 ngày). Kết quả xử lý: Năm 2019 phát hiện, xử lý 20 trường hợp vi phạm, tịch thu 02 bộ lưới giã cào, 10 bộ kích điện, phạt tiền trên 150 triệu đồng; Năm 2020 xử lý 62 phương tiện khai thác thuỷ sản trái phép (chủ yếu tàu giã cào ngoại tỉnh), tịch thu các tang vật vi phạm và xử phạt tổng số tiền 730 triệu đồng; Năm 2021 xử lý 48 trường hợp vi phạm, phạt tiền 48 trường hợp với tổng số tiền gần 604 triệu đồng; Năm 2022 xử lý 26 vụ việc đối với 33 đối tượng/32 phương tiện, tịch thu 12 bộ kích điện, 140m dây điện, 04 bộ lưới kéo, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 350 triệu đồng và 06 tháng đầu năm 2023 phát hiện và xử lý 13 vụ/13 tàu cá vi phạm khai thác IUU, xử phạt số tiền 165 triệu đồng, (từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023 Chi cục Thủy sản đã kiểm tra xử lý 36 tàu cá ngoại tỉnh vi phạm; năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023 lực lượng Biên phòng đã xử lý 21 tàu ngoại tỉnh vi phạm, chủ yếu là tàu cá các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vi phạm khai thác tại vùng lộng, ven bờ trên địa bàn các huyện từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh).

- UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập bộ phận thanh tra, kiểm soát nghề cá (Văn phòng đại diện) tại các cảng cá; chỉ đạo các địa phương thành lập 15 Tổ đồng quản lý khai thác ven bờ. Hàng năm Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra trách nhiệm đối với 13/13 địa phương về công tác ngăn chặn, xử lý các hình thức khai thác bất hợp pháp. Duy trì hoạt động “Đường dây nóng” nhằm hỗ trợ người dân trong việc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật (với 02 đầu số 02393.681085, 0912. 255272), đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm phản ánh của người dân.

2. Giải pháp trong thời gian tới

- Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh; Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 05/4/2021, Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 15/3/2023 về ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

- Triển khai phổ biến, tuyên truyền thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về việc bảo vệ nguồn lợi, khai thác hải sản có trách nhiệm; vận động ngư dân và xây dựng chính sách chuyển đổi nghề lưới kéo (giã cào) sang các loại nghề khác thân thiện hơn với ngư trường, nguồn lợi như: câu, lồng bẫy...

- Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ kinh phí thuê bao hàng tháng cho các tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tăng quản lý, theo dõi tín hiệu qua thiết bị giám sát hành trình để ngăn chặn, xử lý các tàu giã cào vi phạm vùng biển khai thác.

- Chủ động phối hợp với các tỉnh có tàu giã cào thường xuyên hoạt động tại vùng biển Hà Tĩnh (như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi,…) để thực hiện việc truy xuất dữ liệu giám sát hành trình và tiến hành xử lý các tàu cá vi phạm vùng khai thác ven bờ, vùng lộng theo đúng quy định. Phối hợp với 11 tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa hoàn thiện và ký kết Quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát hoạt động của tàu cá.

- Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: chịu trách nhiệm chính trong việc tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là những vùng trọng điểm, phức tạp, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thuỷ sản; các tàu cá làm nghề giã cào vi phạm hoạt động ở vùng ven bờ, vùng lộng.

- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT: tiếp tục tham mưu, phối hợp các sở ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thuỷ sản. Duy trì các đoàn liên ngành tổ chức ra quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông, trên biển; tập trung kiểm soát hoạt động khai thác, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định...

- Chỉ đạo UBND cấp huyện, xã: yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật về khai thác thuỷ sản; tuyên truyền và triển khai có hiệu quả các nội dung, chính sách về phát triển thủy sản của Trung ương, của tỉnh đã ban hành.

ĐN

    Ý kiến bạn đọc