Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI
EmailPrintAa
16:39 30/05/2013

Câu hỏi: (Cử tri Thành phố Hà Tĩnh).. Kênh tưới N19-33 đoạn qua xã Thạch Bình do Công ty Thuỷ nông Kẻ Gỗ quản lý bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo việc tưới tiêu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân, cử tri đã đề nghị nhiều năm nhưng không được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, có phương án giải quyết kịp thời 

(Cử tri huyện Lộc Hà, Nghi Xuân). Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân; đầu tư xây dựng đê kè chống xâm thực của biển

Cần có kế hoạch đầu tư đập Sông Quèn (Cẩm Lộc) đảm bảo ngăn mặn và chứa nước phục vụ sản xuất; sớm bố trí đủ vốn để tiếp tục thi công tuyến đê Trung - Lộc - Lĩnh (hiện đã hoàn thành gần 80% nhưng phải tạm dừng thi công do thiếu vốn) để đảm bảo an toàn cho nhân dân các xã vùng biển khi xảy ra bảo lũ, triều cường (Cử tri huyện Cẩm Xuyên).

Trả lời:

*. Kênh tưới N19-33

Đoạn kênh qua xã Thạch Bình là kênh N3-33 thuộc hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ, đây là tuyến kênh liên huyện phục vụ tưới cho 297ha đất sản xuất nông nghiệp của 3 xã: Cẩm Thành, Cẩm Vĩnh, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và xã Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh). Hiện tại, tuyến kênh đang là kênh đất, hàng năm bị bồi lắng, sạt lở, trong khi đó phần diện tích tưới của xã Thạch Bình lại nằm ở cuối kênh, nên việc dẫn nước tưới là rất khó khăn. Năm 2004, tuyến kênh này đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục Dự án WB3 “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ”, nhưng do thiếu nguồn vốn nên tuyến kênh chưa được đầu tư nâng cấp.

Để khắc phục, sửa chữa các điểm hư hỏng nặng, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất năm 2013, UBND tỉnh đã bố trí cho UBND xã Thạch Bình 700 triệu đồng, từ nguồn kinh phí chống hạn năm 2012 (tại Quyết định số 2531/QĐ-UBND ngày 28/8/2012, Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 22/01/2013 của UBND tỉnh). Về lâu dài, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đưa tuyến kênh nói trên vào danh mục ưu tiên đầu tư đợt 1 thuộc Dự án WB7 “Dự án Hỗ trợ nông nghiệp có tưới”, dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào cuối năm 2013.

          *. Vềquan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân (Cử tri huyện Lộc Hà, Nghi Xuân).

Những năm qua, trên địa bàn các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng, đáp ứng cơ bản về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn như: Hồ chứa nước Xuân Hoa (9 triệu m3); nâng cấp hồ chứa nước Cồn Tranh (2 triệu m3); kiên cố hóa hòa mạng hệ thống kênh tưới thuộc 2 hồ chứa Xuân Hoa và Cồn Tranh; nâng cấp Cống ngăn mặn, giữ ngọt Đá Bạc (xã Xuân Song) để tạo nguồn nước tưới sản xuất cho 3 xã (Cương Gián, Cổ Đạm, Xuân Liên); xây dựng hệ thống thủy lợi cống ngăn mặn, giữ ngọt và trạm bơm Cồn Sim (xã Xuân Hồng). Đối với huyện Lộc Hà nguồn nước tưới chủ yếu từ hệ thống thủy lợi cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục Sông Nghèn: Hạng mục cống đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng năm 2008 góp phần tạo nguồn nước cho các trạm bơm hoạt động, hệ thống kênh trục đã được phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật - bản vẽ thi công. UBND tỉnh đang chỉ đạo Chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục để khởi công công trình khi có thông báo kế hoạch vốn. Ngoài các hệ thống thủy lợi lớn, một số công trình thủy lợi nhỏ khác đã và đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn thuộc dự án HRDP, như: Hồ chứa nước Khe Roong, kênh tiêu các xã Xuân Yên, Tiên Điền; kênh tưới đập Đồng Trày (huyện Nghi Xuân), trạm bơm và kênh tưới xã Phù Lưu… Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư xây dựng có hạn, nên thời gian qua đang tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, xung yếu nhất. Đối với các công trình thủy lợi khác bị hư hỏng, xuống cấp; tỉnh đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Nghị Xuân căn cứ Quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi của tỉnh và địa phương để từng bước huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa công trình nhằm đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân.

* Về đầutư xây dựng đê kè chống xâm thực của biển (Cử tri huyện Lộc Hà, Nghi Xuân)

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở, biển xâm thực xảy ra nghiêm trọng tại bờ biển các xã Thạch Bằng, Thạch Kim, huyện Lộc Hà; Xuân Hội, Xuân Đan, huyện Nghi Xuân. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê, kè biển Thạch Kim - Thạch Bằng (tại Quyết định số 1583/QĐ-UBND ngày 09/6/2008) với tổng mức 138,8 tỷ đồng và giao UBND huyện Lộc Hà làm Chủ đầu tư; đến nay dự án đã thi công xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng được 950m đê, kè biển thuộc địa phận Thạch Bằng (là khu vực bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng nhất), đang triển khai thi công tuyến còn lại.

Đối với tuyến đê biển huyện Nghi Xuân, năm 2006 đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đảm bảo yêu cầu chống bão cấp 10, tần suất triều P=5%. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn hơn cho tuyến đê trước diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết, UBND tỉnh đã có Văn bản số 503/UBND-NL1 ngày 25/02/2011 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khảo sát lập Dự án đầu tư xây dựng hệ thống mỏ hàn cắt dòng ven bảo vệ tuyến đê biển Hội Thống huyện Nghi Xuân từ nguồn vốn Chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, hồ sơ dự án đã được Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về giải pháp kỹ thuật, nhưng do thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 28/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm đầu tư công nên Dự án đang tạm dừng. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Nghi Xuân, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quan trắc, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến xâm thực của biển để có giải pháp phù hợp; đồng thời chỉ đạo UBND huyện Nghi Xuân vận động người dân tăng cường trồng rừng ngập mặn, chắn cát, chắn sóng để bảo vệ tuyến đê, hạn chế sự xâm thực của biển.

Về lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện tăng cường xúc tiến đầu tư thu hút nguồn vốn để từng bước đầu tư kiên cố hoá các tuyến đê biển hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xâm thực của biển.

*. Về cần có kế hoạch đầu tư đập Sông Quèn (Cẩm Lộc) đảm bảo ngăn mặn và chứa nước phục vụ sản xuất (Cử tri huyện Cẩm Xuyên).

Hệ thống thủy lợi đập Sông Quèn (Cẩm Lộc) có nhiệm vụ ngăn mặn - giữ ngọt, tạo nguồn nước cho 10 trạm bơm, tưới cho hơn 290 ha lúa thuộc các xã: Cẩm Lộc, Cẩm Trung, Cầm Hà, Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên. Công trình xây dựng từ lâu, được đầu tư nâng cấp sửa chữa năm 1990, hiện tại cánh cửa cống bị hư hỏng, không đảm bảo ngăn mặn - giữ ngọt cấp nước phục vụ sản xuất. Để kịp thời sửa chữa, khắc phục công trình, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện Cẩm Xuyên và UBND xã Cẩm Lộc tổ chức kiểm tra thực tế hiện trạng công trình và thống nhất phương án: Trước mắt giao UBND huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo UBND xã Cẩm Lộc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để sửa chữa, khắc phục tạm thời công trình đảm bảo phục vụ sản xuất. Khi huy động được nguồn vốn sẽ cho lập dự án đầu tư nâng cấp tổng thể hệ thống công trình nhằm phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất.

*. Về sớm bố trí đủ vốn để tiếp tục thi công tuyến đê Trung - Lộc - Lĩnh:

Trong những năm vừa qua các tuyến đê biển, đê cửa sông của huyện Cẩm Xuyên đã được đầu tư nâng cấp theo Chương trình củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam (theo Quyết định 58/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tuyến đê Trung - Lộc - Lĩnh huyện Cẩm Xuyên bao gồm 3 dự án:

- Dự án củng cố, nâng cấp đê Cẩm Lĩnh từ K0-K2+920 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1613/QĐ-UBND ngày 27/6/2006, với tổng mức đầu tư 31,348 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2007 và đã hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng năm 2010. Công trình đã được bố trí đủ vốn (30,433 tỷ đồng).

- Dự án đê biển, đê cửa sông xã Cẩm Trung từ K0-K10+184 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 24/02/2009, với tổng mức đầu tư 126,32 tỷ đồng. Công trình đã triển khai từ năm 2009, giá trị xây lắp được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện 72,317 tỷ đồng, đến nay nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 63,186 tỷ đồng, trong đó năm 2013 là 10,5 tỷ đồng để trả khối lượng hoàn thành và tiếp tục thực hiện gói thầu đã được phê duyệt.

- Dự án đê biển, đê cửa sông Lộc Hà, huyện Cẩm Xuyên được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 06/4/2011, với tổng mức đầu tư  98,042 tỷ đồng. Cồn trình đã triển khai thi công từ tháng 8/2011 với 02 gói thầu có giá trị 23,526 tỷ đồng, khối lượng thực hiện đến nay 9,5 tỷ đồng, vốn đã bố trí đến nay là 14,0 tỷ đồng, trong đó năm 2013 công trình được bố trí 6,0 tỷ đồng để trả nợ khối lượng hoàn thành và tiếp tục thực hiện gói thầu đã được phê duyệt.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chỉ thị 1792/CT-TTG ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương, tỉnh đã thực hiện tạm dừng và đình hoãn triển khai một số công trình chưa thực sự cấp bách, nhưng đối với các dự án thuộc tuyến đê biển Trung - Lộc - Hà của huyện Cẩm Xuyên đã ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện với tổng vốn đã bố trí đến nay là 107,619 tỷ đồng. Để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư, trong điều kiện thắt chặt đầu tư công, đề nghị UBND huyện Cẩm Xuyên rà soát các hạng mục chưa triển khai để cắt giảm những hạng mục chưa cần thiết và điểm dừng kỹ thuật để đưa công trình vào sử dụng để đảm bảo an toàn cho nhân dân các xã trong vùng vào mùa mưa lũ


    Ý kiến bạn đọc