Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI (Cử tri thị xã Hồng Lĩnh, huyện Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh).
EmailPrintAa
17:04 06/06/2013

Câu hỏi:

 

Chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân các cấp cần được quan tâm, nhiều vụ án trong quá trình xét xử hoặc khi bản án đã có hiệu lực nhưng người dân vẫn không đồng tình, khiếu kiện và tạo áp lực đối với lãnh đạo chính quyền. Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Tòa án nâng cao chất lượng xét xử 

 

Trả lời: 

 

Trong thời gian qua, mặc dù ngành Tòa án gặp nhiều khó khăn trong công tác cán bộ, cơ sở vật chất, nhưng toàn ngành đã tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Tòa án nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền các cấp, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra.

          Trong năm 2012, toàn ngành đã thụ lý 1.690 vụ án các loại, tăng 272 vụ việc so với năm 2011. Nhìn chung, chất lượng xét xử các loại án ở tỉnh và TAND cấp huyện đảm bảo đúng thời hạn, đúng pháp luật. Án hình sự xét xử đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không có án oan, mức hình phạt phù hợp quy định pháp luật, đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ổn định ANCT - TTATXH trên địa bàn. Tỷ lệ án các loại bị hủy 0,7%, cải sửa 3,7%; riêng Tòa án tỉnh là 0,6% án hủy và 2% án bị cải sửa (thấp hơn năm 2011) và ở trong mức quy định chung của ngành (Tòa án nhân dân tối cao quy định tỷ lệ án hủy không quá 1,16%, án cải sửa không quá 4,2%). Có được kết quả trên là một sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành và đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, CBCC.

          Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được nói trên thì công tác xét xử của ngành trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm; đó là: Tỷ lệ án bị huỷ, cải sửa ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuy chưa vượt mức quy định của Tòa án nhân dân tối cao, nhưng vẫn còn cao so với yêu cầu đặt ra, nhất là án dân sự, hôn nhân gia đình; án hình sự một số vụ xử vẫn chưa nghiêm minh.

          Nhiều vụ án trong quá trình xét xử hoặc khi bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người dân vẫn không đồng tình, khiếu kiện và tạo áp lực đối với lãnh đạo chính quyền. Trên thực tế, những khiếu kiện kéo dài của người dân đa số không có cơ sở, căn cứ pháp lý bởi Tòa án đã giải quyết vụ việc đúng quy định pháp luật. Ví dụ: Bà Đinh Thị Dinh (TX. Hồng Lĩnh), ông Phan Đăng Kỳ (Can Lộc), ông Nguyễn Xuân Phúc (TP. Hà Tĩnh), bà Phạm Thị Lộc (Kỳ Anh),... Tòa án nhân dân tỉnh đã làm việc cụ thể, có văn bản trả lời. Các cơ quan chức năng có liên quan đã xác nhận việc giải quyết của ngành Tòa án nhân dân tỉnh là khách quan, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, có một số vụ án hình sự xét xử còn nhẹ, cho một số bị cáo hưởng án treo chưa đảm bảo đầy đủ quy định của pháp luật; một số vụ án tranh chấp dân sự, như: Tranh chấp đất đai, kiện đòi nợ, đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe,... bị hủy hoặc cải sửa nặng chủ yếu do việc đánh giá, thu thập chứng cứ của thẩm phán chưa đầy đủ nên khi tuyên xử không có tính thuyết phục. Từ đó, dẫn tới việc một số cử tri, cán bộ và nhân dân cũng như báo chí còn thắc mắc, hoài nghi về ngành tòa án, về người thẩm phán nhân danh công lý khi xét xử, giải quyết các vụ án; làm cho người dân phải khiếu kiện kéo dài, đến nhiều cơ quan và thậm chí cả nhà riêng một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành liên quan, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

          Nguyên nhân của tình hình nói trên đó là:

          - Do trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của một số thẩm phán ở một số đơn vị cấp huyện chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Có cán bộ còn yếu về đạo đức, ý thức, trách nhiệm trong công tác, có trường hợp còn gây khó khăn, sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết.

          - Các vụ án dân sự, hành chính và kinh doanh thương mại mà Tòa án thụ lý, giải quyết ngày càng nhiều và tính chất lại phức tạp, một phần do những thiếu sót trong công tác quản lý hành chính, quản lý đất đai, áp dụng chế độ, chính sách thu hồi đất, áp giá bồi thường,... của một số ngành, địa phương cũng làm cho giải quyết còn gặp nhiều khó khăn. Không ít vụ án đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và hoàn toàn không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm nhưng các đương sự vẫn khiếu nại kéo dài ở nhiều cấp, nhiều ngành; một số đương sự không chấp hành việc cung cấp tài liệu chứng cứ theo quy định. Hiện nay, do Luật Tố tụng hành chính mới có hiệu lực từ 01/7/2011, hiệu lực hồi tố dài nhất là trong lĩnh vực đất đai, các vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài nhiều năm, qua nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết nên việc áp dụng pháp luật vào thực tế bước đầu không tránh khỏi lúng túng dẫn tới việc giải quyết chưa thật sự thấu tình đạt lý, tạo sự đồng thuận cao.

- Sự hợp tác, phối kết hợp của một số cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp trong việc chấp hành giấy báo làm việc, giấy triệu tập của tòa án và cung cấp tài liệu, chứng cứ còn chưa nghiêm túc đã phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và kết quả giải quyết các vụ án.

 Giải pháp trong thời gian tới:

          - Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao, của Ban Thường vụ tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh, sự phối hợp trong công tác với các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; có kế hoạch triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chuyên môn và công tác cán bộ của ngành.

          - Tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, ý thức pháp luật, quy tắc ứng xử trong công tác. Đẩy mạnh các phong trào, thực hiện có chiều sâu việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ".

          - Tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán, Thư ký thông qua đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ. Hàng năm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ; tổng kết rút kinh nghiệm xét xử; tăng cường các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa mẫu; phát động các phong trào thi đua, nêu gương điển hình tiên tiến để nhân rộng trong toàn ngành.

          - Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, các khiếu nại tố cáo của công dân; thành lập tổ thanh tra trong mỗi đơn vị để giám sát, đánh giá đúng, sát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, thực trạng năng lực của đội ngũ thẩm phán, kiên quyết không tái bổ nhiệm hoặc loại bỏ đối với các Thẩm phán yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức lối sống; đưa ra các giải pháp xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Xử lý nghiêm đối với các cán bộ, thẩm phán vi phạm quy tắc ứng xử của ngành.

          - Tiếp tục đề nghị với TAND Tối cao để tăng biên chế Thẩm phán, Thư ký cho ngành TAND tỉnh, đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc mang tính đặc thù đối với ngành Tòa án và đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, cán bộ.

  - Đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, cấp ủy - chính quyền các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban ngành liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ, động viên, chia sẻ và giúp đỡ để ngành TAND thực hiện thành công nhiệm vụ công tác của mình và góp phần vào việc ổn định ANCT - TTATXH của tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc