Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI (Cử tri huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà).
EmailPrintAa
08:43 14/11/2013

 

 

 

Câu hỏi:

9. Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí các công trình sau:

          - Chỉ đạo Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh đầu tư nâng cấp một số cầu qua kênh, các tuyến kênh dẫn nước, đặc biệt kênh N3 hiện nay đã xuống cấp, không đủ nước tưới tiêu.

          Chỉ đạo Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hồ chứa nước Khe Xai

- Đầu tư xây dựng hệ thống kênh thủy lợi phục vụ sản xuất cho các xã ngoại thành Thành phố Hà Tĩnh; phòng chống sạt lở bờ sông tuyến đê Đồng Môn tại đoạn K7+500; Dự án nâng cấp mở rộng Đường 26-3; Đường Nguyễn Công Trứ (Đoạn từ Đường Phan Đình Phùng đến Đường Hải Thượng Lãn Ông.

          Hỗ trợ nguồn chi trả giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Công viên Thành phố; xem xét cho Thành phố được đầu tư xây dựng nghĩa trang hung táng tạm thời để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân 4 phường nội thành. (Cử tri Thành phố Hà Tĩnh)

- Đầu tư hệ thống tiêu úng tại các xã Đức Lạc, Đức Đồng, Đức Lạng và các xã vùng thượng Đức Thọ. (Cử tri huyện Đức Thọ)

          - Đầu tư xây dựng lại cầu tàu tại Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng) đã bị lũ cuốn trôi từ năm 2010. Nâng cấp và cải tạo Đập 19/5 trên sông Hói Sóc. (Cử tri huyện Cẩm Xuyên)

 

- Đầu tư xây dựng kè dọc hai bờ sông Minh, kênh nhà Lê để kịp thời chống xói lở cũng như chống bồi lắng lòng sông; Xây dựng kè chắn sóng đoạn giáp giới giữa Thạch Kim - Thạch Bằng  (Cử tri huyện Can Lộc, TX Hồng Lĩnh)

 

 Trả lời:

 

*, Chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đầu tư nâng cấp một số cầu kênh, các tuyến kênh dẫn nước hệ thống thủy lợi Sông Rác, đặc biệt kênh N3 hiện nay đã xuống cấp, không đủ nước tưới tiêu.

Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh hiện quản lý 27 công trình đầu mối, 433 km kênh tưới và hơn 2.400 công trình trên kênh (trong đó, trên địa bàn huyện Kỳ Anh 09 công trình và 114 km kênh). Những năm qua, Tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay WB, ADB, kinh phí cấp bù thủy lợi phí và các nguồn vốn khác, tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình đầu mối, các tuyến kênh chính hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, còn một số tuyến khác, các công trình trên kênh do nguồn kinh phí có hạn nên chưa được đầu tư, sửa chữa. Trong điều kiện nguồn kinh phí phải vận động hỗ trợ từ Trung ương, việc đầu tư như hiện nay là nổ lực lớn của Tỉnh, vì vậy không thể cùng lúc đầu tư sửa chữa, nâng cấp tất cả các hạng mục công trình, mà phải có lộ trình, ưu tiên theo kế hoạch. Tuyến kênh N3 và các tuyến kênh nhánh cấp 1, cấp 2 hệ thống công trình thủy lợi Sông Rác đã được đưa vào dự án đầu tư (WB7) và dự án ADB (Pha 2), dự kiến sẽ triển khai thực hiện năm 2014, đảm bão dẫn nước tưới ổn định cho sản xuất.

          *, Chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hồ chứa nước Khe Xai.

Công trình hồ chứa nước Khe Xai, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3627/QĐ-UBND ngày 16/11/2009, với tổng mức đầu tư là 206 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn bố trí cho dự án thuộc kế hoạch trung hạn, bố trí đến năm 2015. Dự án khởi công xây dựng tháng 6 năm 2010, tiến độ và thời gian thực hiện dự án theo khả năng nguồn vốn. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, công trình hồ chứa nước Khe Xai phải giãn tiến độ thực hiện đến năm 2015. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm, thời tiết bất thuận làm cho công tác thi công gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh (chủ đầu tư), huyện Thạch Hà tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo yêu cầu về khối lượng, chất lượng công trình và phải xong trước ngày 30/6/2015 theo kế hoạch.

*, Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cho các xã ngoại thành phố Hà Tĩnh; phòng chống sạt lở bờ sông tuyến đê Đồng Môn tại đoạn K7+500.

- Về đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cho các xã ngoại thành phố Hà Tĩnh.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho các xã ngoại thành thành phố Hà Tĩnh, những năm qua UBND tỉnh đã tranh thủ tối đa nguồn vốn từ dự án ISDP, HIRDP… hệ thống thủy lợi thành phố Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, như: Đầm Ghè và trạm bơm xã Thạch Hạ, kênh tiêu nội đồng xã Thạch Trung, hồ Ghem xã Thạch Môn, kênh mương nội đồng xã Thạch Đồng,… Hiện tại, tuyến kênh N3-3 hệ thống Kẻ Gỗ tưới cho xã Thạch Bình đã được đưa vào Dự án khai thác đa mục tiêu hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ, Sông Rác tỉnh Hà Tĩnh thuộc dự án WB7 và dự kiến sẽ triển khai năm 2014.

- Về phòng chống sạt lở bờ sông tuyến đê Đồng Môn tại đoạn K7+500.

Tuyến đê Đồng Môn có chiều dài 23,4km, đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2414/QĐ-UBND ngày 11/9/2007, với tổng mức 253,4 tỷ đồng (UBND thành phố Hà Tĩnh làm chủ đầu tư), đến nay đã thi công được 9,0km/23,4km. Riêng đoạn đê Đồng môn K6+500 đến K7+500 thuộc địa bàn xã Thạch Hạ, mái đê phía biển được kè gia cố đá hộc bằng nguồn vốn ADB tài trợ năm 2002, hiện nay vẫn ổn định. Phần mặt đê, thân đê, cơ đê phía đồng được nâng cấp năm 2008-2009 bằng nguồn vốn chương trình đê biển, bãi phía biển được trồng cây bần chua chắn sóng. Bờ sông đoạn này không bị sạt lở, đủ khả năng chống đỡ bão cấp 10 với tần suất triều P=5%.

*, Đầu tư hệ thống tiêu úng tại các xã Đức Lạc, Đức Đồng, Đức Lạng và các xã vùng thượng Đức Thọ.

          Hệ thống tiêu úng tại các xã Đức Lạc, Đức Đồng, Đức Lạng và các xã vùng thượng Đức Thọ nằm trong Quy hoạch phát triển thủy lợi Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1461/QĐ-UBND ngày 21/5/2012, lộ trình đầu tư từ nay đến năm 2020. Trước mắt, chưa xin được trung ương nguồn vốn đầu tư, đề nghị UBND huyện Đức Thọ chỉ đạo các địa phương huy động nhân dân tổ chức ra quân nạo vét, khơi thông các tuyến kênh dẫn để đảm bảo tiêu thoát lũ kịp thời cho sản xuất và dân sinh.

*, Đầu tư xây dựng lại cầu tàu tại Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng) đã bị lũ cuốn trôi từ năm 2010. Nâng cấp và cải tạo đập 19/5 trên sông Hói Sóc.

- Về đầu tư xây dựng lại cầu tàu tại Cửa Nhượng:UBND tỉnh đã có Văn bản số 204/UBND-NL ngày 20/01/2011 đồng ý chủ trương cho lập Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cầu tàu cửa Nhượng huyện Cẩm Xuyên; đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành. Tuy vậy, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thì Dự án đầu tư cầu tàu phục vụ kiểm tra tàu thuyền ra vào Cửa Nhượng nằm trong số những dự án tạm dừng nên chưa  được cấp vốn triển khai.

- Về nâng cấp và cải tạo đập 19/5 trên sông Hói Sóc: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2745/QĐ-UBND ngày 04/9/2013 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Nạo vét đập 19/5, với tổng mức đầu tư không quá 18 tỷ đồng và giao UBND huyện Cẩm Xuyên làm chủ đầu tư, với mục tiêu nạo vét lạch sông từ Cẩm Nam đến Cẩm Phúc (dài khoảng 07 km và các lạch vào bể hút trạm bơm), nhằm tạo nguồn, tăng lưu lượng và khả năng tích nước để bơm, đồng thời tăng khả năng tiêu thoát về mùa mưa lũ, chủ động nước cho hệ thống các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng diện tích tưới ổn định cho 900 ha.

*, Đầu tư xây dựng kè dọc hai bờ sông Minh, kênh nhà Lê để kịp thời chống xói lở cũng như chống bồi lắng lòng sông; xây dựng kè chắn sóng đoạn giáp giới giữa Thạch Kim - Thạch Bằng.

- Về đầu tư xây dựng kè dọc hai bờ sông Minh, kênh nhà Lê để kịp thời chống xói lở, chống bồi lắng lòng sông:Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Dự án tại Quyết định số 2582/QĐ-UBND ngày 05/8/2011, giao Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, nhưng hiện nay do điều kiện chưa có nguồn vốn nên chưa thể triển khai thực hiện; khi huy động được nguồn vốn, UBND tỉnh sẽ cho triển khai dự án.

- Về xây dựng kè chắn sóng đoạn giáp giới giữa Thạch Kim - Thạch Bằng: UBND tỉnh có Quyết định số 1583/QĐ-UBND 09/6/2008 về việc phê duyệt đê biển kết hợp giao thông, với tổng mức đầu tư 138 tỷ đồng thuộc nguồn vốn nâng cấp đê biển, đê cửa sông, do UBND huyện Lộc Hà Chủ đầu tư; hiện tại đã đầu tư xây dựng được gần 1km đê, kè biển thuộc địa phận xã Thạch Bằng là khu vực bị xói lở nghiêm trọng nhất, phần còn lại 2,5km, do điều kiện chưa có nguồn bố trí; tỉnh sẽ chỉ đạo huy động nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án trong những năm tới. Trước mắt đề nghị UBND huyện Lộc Hà vận động nhân dân trồng rừng phòng hộ chắn cát và bảo vệ đê điều, chủ động phương án sơ tán nhân dân đến nơi an toàn khi bão, tố xẩy ra.

*, Dự án nâng cấp mở rộng đường 26-3 (chiều dài 2.046m, tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng) và đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông, chiều dài 580m, tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng, được UBND thành phố đầu tư từ nguồn vốn huy động theo khoản 3, Điều 8, Luật Ngân sách Nhà nước (trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm, thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh năm dự toán, thì được phép huy động vốn trong nước và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động trả hết nợ khi đến hạn).

Dự án nâng cấp mở rộng đường 26-3 dự kiến công trình cơ bản hoàn thành thông tuyến trong năm 2013.

Dự án Đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông): UBND tỉnh đã có Thông báo số 423/TB-UBND ngày 10/10/2012 đồng ý chủ trương cho triển khai thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án (bao gồm các hạng mục: Mặt đường, một phần lề đường và rãnh thoát nước, với đường rộng 21m).

Trong điều kiện thực hiện cắt giảm đầu tư công, tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn khó khăn nên việc hỗ trợ vốn cho các dự án nêu trên là rất khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường 26/3 và triển khai xây dựng đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông): Đề nghị UBND thành phố phối hợp với Sở Tài chính làm việc với Bộ Tài chính để tiếp tục vay vốn (nguồn vốn huy động theo khoản 3, Điều 8, Luật Ngân sách Nhà nước), đồng thời tập trung chỉ đạo phát triển nguồn thu từ các dự án phát triển quỹ đất của thành phố đã được phê duyệt.

*, Dự án Công viên thành phố: Căn cứ quy hoạch và dự án đầu tư đã được phê duyệt, nguồn vốn huy động được, UBND thành phố đã tiến hành giải phóng mặt bằng công trình và xây dựng một số hạng mục của dự án, như: Hồ công viên, đường dạo quanh hồ, đường quản lý và hệ thống thoát nước quanh hồ (thực hiện bởi dự án Cải thiện môi trường đô thị Miền Trung vay vốn ADB). Để tiếp tục hoàn thiện dự án, UBND thành phố đã vận động nguồn vốn giai đoạn 2 của ADB cho dự án “Phát triển các thành phố loại II” đầu tư tiếp một số hạng mục, như: San nền, trồng cây, thảm cỏ, điện chiếu sáng, điện cảnh quan kiến trúc, đường tiếp cận hồ. Dự án phát triển thành phố loại II - thành phố Hà Tĩnh do ADB tài trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án, UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác đàm phán cho dự án đã được thực hiện vào tháng 8/2013, việc ký kết Hiệp định sẽ được tiến hành vào tháng 10/2013, Hiệp định khoản vay và Hiệp định dự án sẽ bắt đầu có hiệu lực vào Quý I/2014.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn, để tiến hành công tác GPMB, bố trí TĐC hợp lý, trước mắt UBND thành phố cần tập trung rà soát phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để có kế hoạch bố trí vốn GPMB từ nguồn đối ứng dự án “Phát triển các thành phố loại II”; đồng thời có phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp khác và phân kỳ đầu tư phù hợp; xác định các hạng mục ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư, khai thác sử dụng trước nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt của nhân dân, thu hồi vốn thông qua khai thác dịch vụ để đầu tư tiếp.

*, Về đầu tư xây dựng nghĩa trang hung táng tạm thời để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân 4 phường nội thành: Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Thông báo số 156/TB-UBND ngày 15/5/2013 đồng ý chủ trương cho đầu tư xây dựng nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng theo hình thức PPP để phục vụ cho nhân dân thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường và các ngành liên quan rà soát để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Công viên Nghĩa trang theo các tiêu chí được quy định tại Nghị định 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, nhằm đảm bảo quỹ đất giao cho nhà đầu tư thực hiện trong quý IV năm 2013. 

 

 


    Ý kiến bạn đọc